Kinh nghiệm trồng sầu riêng xen canh
Hiện nay, nhiều nông hộ đang gặp khó khăn trong chăm sóc vườn sầu riêng xen canh. Do đó, làm sao để vườn cây đạt hiệu quả đang được nhiều nông hộ quan tâm.
Thời gian qua, khi giá sầu riêng tăng cao, nhiều hộ dân đã chuyển đổi các vườn cây trồng hiệu quả thấp sang chuyên canh sầu riêng. Tuy nhiên, cũng có những nhà vườn lại lựa chọn trồng xen canh để gia tăng thu nhập.
Hình thức trồng xen canh sầu riêng với cà phê, hồ tiêu được người dân áp dụng từ nhiều năm nay. Cách làm này được đánh giá là mang lại nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, theo các nhà vườn, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm sao áp dụng biện pháp chăm sóc cân bằng giữa hai loại cây.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khanh ở thị trấn Đức An (Đắk Song) có 3 ha cà phê trồng xen sầu riêng. Do chế độ chăm sóc vườn cây ở một số thời điểm không giống nhau nên sầu riêng của ông Khanh luôn bị rụng bông, rụng trái. Thậm chí có năm thất thu.
Hiện nay, Đắk Nông có khoảng hơn 6.000 ha sầu riêng. Trong đó, có khoảng 30% diện tích được trồng thuần, diện tích còn lại được người dân trồng xen canh trong các vườn cà phê, tiêu…
Ông Khanh cho biết: “Cây sầu riêng của gia đình trồng hơn 10 năm rồi. Do không có kỹ thuật nên vườn cây không mang lại hiệu quả”. Do đó, cuối năm 2021, ông Khanh đã bán khoán vườn sầu riêng cho thương lái với giá 100 triệu đồng. Vụ sầu riêng năm nay, khi giá sầu riêng tăng cao cộng với việc chăm sóc tốt, người nhận khoán vườn của ông Khanh đã thu một khoảng lợi nhuận gấp 4 – 5 lần số vốn đầu tư.
Tình trạng thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăm sóc sầu riêng, nhất là các vườn sầu riêng trồng xen canh khá phổ biến với nhiều hộ nông dân ở các địa phương.
Ông Trần Văn Cường ở xã Thuận An (Đắk Mil) cho hay: “Sầu riêng và cà phê có thời điểm ra hoa, đậu trái khác nhau. Cụ thể là giai đoạn xiết nước làm bông cho sầu riêng thường diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch. Thời điểm này, cây cà phê lại rất cần nước để ra hoa. Nếu cắt nước, cà phê sẽ khó phân hoá mầm hoa dẫn đến ngậm hoa chanh và làm giảm năng suất”.
Mặt khác, đến đầu mùa mưa, sầu riêng ra trái non, cây cà phê cần một lượng đạm lớn để phát triển. Tuy nhiên, nếu bón phân có hàm lượng đạm cao vào lúc này sầu riêng sẽ dẫn đến hiện tượng rụng trái do dư đạm…
Theo Giáo sư Trần Văn Hau, Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng Dụng, Trường Đại học Cần Thơ, để khắc phục những khó khăn đối với các nhà vườn trồng xen canh sầu riêng, trước hết, người trồng cần phải thiết kế vườn trồng xen một cách hợp lý. Trong đó, cần tuân thủ khoảng cách trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại hợp lý.
Còn theo ông Phạm Tấn Minh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, đối với sầu riêng trồng mới trong vườn cà phê kinh doanh có thể trồng với khoảng cách 12 x 12 m, mật độ 70 cây/ha. Cây sầu riêng trồng trên hố cà phê để hạn chế úng nước.
Khi cây sầu riêng bước vào thời kỳ kinh doanh, những cây cà phê dưới tán lá sầu riêng sẽ kém phát triển và là nguồn lây lan các loại côn trùng gây hại, nấm bệnh. Do đó, bà con có thể loại bỏ dần những cây cà phê kém năng suất.
Đây cũng là cách tạo không gian thông thoáng, chủ động được việc bón phân, tưới nước theo nhu cầu mỗi loại cây trồng. Như vậy, một khi thiết kết tốt vườn trồng xen sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái vườn, tạo cây che bóng và tăng nguồn thu cho người trồng.
“Sau khi thiết kế vườn trồng xen hợp lý, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con vẫn áp dụng biện pháp cắt tỉa cành sâu, bệnh, áp dụng quy trình xử lý ra hoa, đậu trái như vườn sầu riêng trồng thuần. Để khắc phục hạn chế đối với vườn trồng xen thì khoảng cách giữa cây trồng chính và cây trồng phụ là hết sức quan trọng”, ông Minh cho biết thêm.