Phòng, chống tội phạm mua bán người: Cẩn trọng với lời mời lương cao, việc nhẹ
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 13:08, 30/07/2023
Các đối tượng mua bán người bị bắt giữ trong chuyên án 623M do Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá. |
Trong chuyên án 623M, bán người sang Myanmar do Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá, đối tượng chủ mưu Nguyễn Thị Nguyệt Hòa đã quảng cáo với lời có cánh: “đã có người sang đó, rồi gửi về nhà 70 triệu đồng/tháng”. Khi ba thiếu nữ tin tưởng, Hòa đã bán ba nạn nhân sang Myanmar. Các nạn nhân bị bóc lột, làm việc cường độ cao và không được trả lương.
“Sóng ngầm” tội phạm mua bán người
Thời gian qua, diễn biến hoạt động của tội phạm mua bán người ở địa bàn tỉnh Cao Bằng như cơn “sóng ngầm”, có diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân quyền và ảnh hưởng đến an ninh-trật tự địa phương.
Nạn nhân mà các đối tượng thường “nhắm” đến là thanh, thiếu niên mới lớn, nhẹ dạ cả tin, người ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết, đã tin tưởng và theo các đối tượng đi làm ăn xa.
Trước tình hình đó, cán bộ và chiến sĩ Công an, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã quyết liệt đấu tranh, làm rõ, xử lý đối tượng phạm tội và giải cứu các nạn nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an tỉnh Cao Bằng đã đấu tranh, làm rõ ba vụ, bắt giữ 6 đối tượng vì hành vi mua bán người; phối hợp giải cứu thành công hai nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar.
Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng chia sẻ, điểm chung trong cả ba vụ án là tội phạm đã dụ dỗ, rủ rê các nạn nhân với lời mời đi làm ăn xa với thu nhập cao.
Nạn nhân mà các đối tượng thường “nhắm” đến là thanh, thiếu niên mới lớn, nhẹ dạ cả tin, người ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết, đã tin tưởng và theo các đối tượng đi làm ăn xa. Đến lúc phát hiện bị “sập bẫy” tội phạm “thì sự đã rồi”.
Các đối tượng mua bán người bị bắt giữ trong chuyên án 623M do Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá. |
Nổi bật trong các vụ án mua bán người được Công an tỉnh Cao Bằng triệt phá thành công là chuyên án 623M, giải cứu 2 thiếu nữ từ Myanmar về Việt Nam; bắt giữ bốn đối tượng ở 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Giang.
Cụ thể, tháng 6/2023, từ thông tin trình báo của anh trai nạn nhân H.T.V (sinh năm 2007), ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, về việc em gái đã liên lạc qua zalo, kêu cứu vì bị lừa bán sang Myanmar, phải làm việc với cường độ cao, không được trả lương.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng đã báo cáo cấp trên và khẩn trương huy động đông đảo lực lượng xác minh, làm rõ. Đồng thời, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an giải cứu nạn nhân và bắt giữ tội phạm.
Trong vụ án bán người sang Myanmar, ngày 15/7, Công an tỉnh Cao Bằng đã khởi tố, bắt giữ bốn đối tượng, gồm: Nguyễn Thị Nguyệt Hòa, (sinh năm 1998) cùng chồng là Đồng Văn Mạnh (sinh năm 1996) cùng ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang; Hoàng Văn Sơn, (sinh năm 2006), ở xã Thượng Hà và Nhàn Văn Dũng, (sinh năm 2005), ở xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Trong vụ án, đối tượng Nguyễn Thị Nguyệt Hòa là chủ mưu, đã dụ dỗ, bán ba thiếu nữ là: H.T.V (sinh năm 2007) ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; L.T.V (sinh năm 2008) và Đ.H.T ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang sang Myanmar với quảng cáo: "đã đưa một số người sang đó, có người gửi 70 triệu đồng/tháng về cho gia đình".
Hai đối tượng Hoàng Văn Sơn và Nhàn Văn Dũng đã kết nối qua mạng xã hội, rủ thành công ba thiếu nữ về làm việc tại quán karaoke của Hòa ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Sau đó, ba thiếu nữ bị Hòa bán sang Myanmar.
Quyết liệt đấu tranh, trấn áp
Tháng 2/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng phối hợp phá thành công chuyên án CB223p, bắt sáu đối tượng.
Cụ thể, ngày 12/2, tại khu vực mốc 614, xóm Tềnh Quốc, xã Cần Nông, huyện Hà Quảng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phối hợp, phát hiện, bắt giữ bốn đối tượng (trong đó, có hai đối tượng người Trung Quốc) đang có hành vi đưa một bé trai 15 ngày tuổi xuất cảnh trái phép.
Đấu tranh, khai thác các đối tượng, Ban Chuyên án đã bắt giữ thêm hai đối tượng là đồng phạm trong vụ án.
Các đối tượng khai, ngày 3/2/2023 đối tượng Phùng Lệ (người Trung Quốc) được một công ty môi giới tại Trung Quốc trả công 20 nghìn Nhân dân tệ (khoảng 65 triệu đồng), chưa bao gồm chi phí khác để sang Việt Nam đưa một đứa trẻ sang Trung Quốc.
Đứa trẻ này do cặp vợ chồng người Trung Quốc thuê một người phụ nữ Việt Nam mang thai hộ. Các đối tượng đã phối hợp, cấu kết, chuẩn bị đưa trẻ sơ sinh qua biên giới thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.
Công an tỉnh Cao Bằng đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và tội phạm mua bán người nói riêng. Góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người bảo đảm bình yên cho xã hội.
Công an tỉnh Cao Bằng đánh giá, thời gian qua, tình hình mua bán người trên địa bàn có diễn biến phức tạp. Quá trình đấu tranh chuyên án 623M, Công an tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, giải cứu thành công hai nạn nhân; nạn nhân còn lại đã bị các đối tượng mua người tách ra, đưa đi phục vụ ở nơi khác.
Qua đấu tranh với tội phạm, Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng cảnh báo, người dân cần cảnh giác với lời quảng cáo tuyển người làm việc nhẹ, lương cao trên mạng xã hội Facebook, zalo, bởi vì đó có thể là “bẫy” của tội phạm giăng ra, chờ người cả tin “mắc câu”.
Công an tỉnh Cao Bằng đề nghị người dân nêu cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và tội phạm mua bán người nói riêng. Góp phần cùng lực lượng chức năng từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người bảo đảm bình yên cho xã hội.
Đồn Biên phòng Cần Yên bàn giao cháu bé là nạn nhân của tội phạm mua bán người cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng chăm sóc. |
Nhận diện thủ đoạn hoạt động của tội phạm như “núp bóng” môi giới hôn nhân, việc làm, cho nhận con, mang thai hộ để mua bán người; liên lạc qua mạng xã hội, trong nhóm kín để đối phó lực lượng chức năng, Thượng tá Nguyễn Mạnh Kường, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng cho biết, nâng cao hiệu quả trấn áp tội phạm, lực lượng Biên phòng tăng cường phối hợp, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân; tuyên truyền kết quả đấu tranh, để người dân nhận diện thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Đồng thời, quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép, bởi đây là tội phạm “nguồn” của tội phạm mua bán người. Chuyên án mua bán người CB223p được phá thành công tháng 2/2023 cũng khởi đầu từ công tác tuần tra, kiểm soát của Đồn Biên phòng Cần Yên, phát hiện các đối tượng có ý định xuất cảnh trái phép, từ đó, điều tra mở rộng, phá án.
Thời gian tới, Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường phối hợp lực lượng Công an, cơ quan Kiểm sát; các Đồn Biên phòng rà soát tình hình địa bàn, các đối tượng nghi vấn, rà soát khu vực trọng điểm về xuất nhập cảnh trái phép để chủ động đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Đồng thời, sàng lọc người từ Trung Quốc trở về, động viên hợp tác, lấy lời khai tố giác tội phạm nếu người trở về là nạn nhân mua bán người, từ đó, đấu tranh, triệt phá đường dây tội phạm mua bán người.