Hành trình của cây lúa Ea Súp

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:00, 11/10/2023

Vựa lúa trên bình nguyên Ea Súp được dân kinh tế mới từ các tỉnh thành phía Bắc vào khẩn hoang từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến nay, huyện biên giới này đã trở thành vựa lúa lớn nhất, nhì Đắk Lắk với diện tích khoảng 7.200 ha. Người nông dân ở đây có trình độ thâm canh cây lúa khá cao và đời sống của họ ngày càng trở nên khá giả hơn nhờ loại cây trồng chủ lực này.   

Trăn trở với giống lúa

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Ea Súp Trần Quang Trịnh chia sẻ: Để có “ngôi vị” lúa gạo Ea Súp trên thị trường hiện nay, câu chuyện đi tìm giống lúa thích hợp, vừa kháng được sâu bệnh, vừa chịu hạn và cho năng suất cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của hàng chục nghìn nông hộ trực tiếp sản xuất trên địa bàn. Đến giờ, những giống lúa có ưu điểm vượt trội như ST25, Đài thơm 8, OM5451… được bà con nông dân đưa vào sản xuất đại trà là cả quá trình tìm kiếm, tuyển chọn không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng làm lúa ở đây.

Lão nông Nguyễn Văn Tuệ (thôn 4, xã Ea Lê) nhớ lại: Đến những năm 2008 – 2012, giống lúa IR64 vẫn còn phổ biến trên hầu khắp những cánh đồng của các xã - từ Ea Lê, Ea Bung, Ea Rốk vào tới Ia R’vê, Ya Tờ Mốt và Ia Lốp…

Thời điểm ấy, việc chọn lúa giống chủ yếu do bà con nông dân tự túc, chứ không có nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp cung ứng kịp thời và đa dạng như bây giờ. Thành ra, cứ vụ trước chọn những khoảnh ruộng tương đối tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao để làm giống cho vụ sau. Với cách thức này, dần dà giống lúa IR64 cũng trở nên thoái hóa khiến chất lượng, phẩm cấp lúa gạo Ea Súp có vấn đề. Cứ nhìn ruộng lúa thì biết, khi trổ bông có đến 3 - 4 tầng cao thấp khác nhau (gọi là lúa không rặt) và để khắc phục tình trạng này, người nông dân chỉ còn cách lội xuống đồng nhổ bỏ hoặc cắt đi những thân lúa lai tạp, lẫn lộn kia. Song, đến mùa thu hoạch, thương lái vào mua lúa của bà con vẫn chê hạt lúa xay ra cứ vỡ đôi, vỡ tư khiến tỷ lệ tấm quá cao nên khó tiêu thụ được.

Thu hoạch lúa tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp). Ảnh: Minh Thông

Còn với anh Nguyễn Thiện Thuật (thôn 2, xã Ya Tờ Mốt) thì khó quên nỗi lo quay quắt với “bài toán” lúa giống trước mỗi mùa vụ gieo trồng. Anh bảo người làm lúa lúc ấy vất vả lắm, nhà nào cũng chạy đôn chạy đáo mua, đổi giống lúa loạn xạ khiến đời sống sản xuất thật sự gặp khó khăn. Do chất lượng kém nên giá lúa Ea Súp bao giờ cũng thấp hơn so với nơi khác vài ba trăm đồng một ký. Trước thực trạng đó, khâu chọn giống ở vựa lúa này trở nên cấp thiết, thu hút mối quan tâm của hàng vạn nông dân trên địa bàn.

Trợ lực cho người làm lúa

“Nguồn nước ngày càng được đảm bảo từ các công trình thủy lợi trên địa bàn, cùng với năng suất và chất lượng không ngừng được cải thiện, chắc chắn hành trình cây lúa Ea Súp sẽ vươn xa hơn nữa, góp phần thúc đẩy huyện vùng biên này phát triển mạnh mẽ, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân” – ông Trần Văn Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt.

Đến khoảng năm 2014 – 2015, chính quyền địa phương đưa ra chương trình, kế hoạch “Nâng cao chất lượng, giá trị và vị thế cho hạt lúa Ea Súp”. Trong đó chương trình lai tạo, tìm kiếm giống lúa mới để đưa vào áp dụng sản xuất được đặc biệt ưu tiên. Được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT, huyện Ea Súp đã triển khai hàng chục mô hình sản xuất giống lúa mới tại các xã trọng điểm, chuyên canh cây lúa có bề dày kinh nghiệm như Ea Lê, Ea Bung, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Giống lúa “truyền thống” IR64 cũng nằm trong danh mục lai tạo dựa trên đặc tính ngắn ngày và chống chịu sâu bệnh cùng với một số giống lúa khác như Đài thơm, các dòng OM do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, sau vài năm thực hiện chương trình/kế hoạch trên, thị trường lúa giống ở đây được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khi nhiều HTX nông nghiệp được thành lập và đứng ra đảm đương vai trò tìm kiếm, cung ứng nguồn lúa giống đa dạng, chất lượng cho bà con nông dân địa phương. Theo Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt Vũ Đại Lượng, HTX nông nghiệp là trợ lực quan trọng và đáng kể nhất trong quá trình giúp vựa lúa Ea Súp “lột xác”, khẳng định vị thế của mình trên tiến trình phát triển và hội nhập. Trên địa bàn xã có diện tích lúa lớn nhất huyện này (trên 2.100 ha) có 3 HTX nông nghiệp luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sản xuất cho bà con - từ giống lúa, vật tư nông nghiệp đến thông tin thị trường nhằm gia tăng giá trị mặt hàng lúa gạo ở đây. Có một số đơn vị chuyên phối hợp với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài tỉnh thử nghiệm, chọn lọc những bộ giống lúa mới có ưu điểm vượt trội, thích nghi với điều kiện tự nhiên của bình nguyên Ea Súp để khuyến khích, hỗ trợ người nông dân đưa vào sản xuất đại trà như ST25, Đài thơm 8, OM5451… Những giống lúa này cho năng suất cao, bình quân từ 7 - 8 tấn/ ha và chất lượng của nó cũng được khẳng định qua sức tiêu thụ ngày càng tăng trên thị trường lúa gạo hiện nay.

Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Ea Súp kiểm tra thực tế việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Bung. (Ảnh do Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cung cấp).

Có thể nói hạt lúa trên vùng biên Ea Súp đã được nhiều người biết đến, hơn thế, loại cây trồng chủ lực này đã và đang được trợ lực tích cực từ nhiều phía (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân trực tiếp sản xuất) trên các mặt ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn nước tưới, quy hoạch phát triển cánh đồng mẫu lớn, nâng cao chất lượng cũng như tìm kiếm thị trường. Nói như Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp Trần Quang Trịnh: Hành trình của cây lúa ở đây luôn đồng hành với đời sống của hầu hết người dân đến sinh sống, lập nghiệp trên vùng quê mới này. Tầm vóc, thương hiệu của vựa lúa sẽ tiếp tục được nâng lên, mở rộng thêm khi công trình thủy lợi Ea Súp thượng phát huy tối đa năng lực tưới cho gần 9.500 ha lúa thuộc địa bàn 7 xã cánh Đông và Nam trên bình nguyên rộng lớn, đầy tiềm năng ấy.

Đình Đối