Tiềm năng ứng phó biến đổi khí hậu của châu Phi
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 05:20, 11/10/2023
Dù châu Phi đang chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nhưng lãnh đạo các quốc gia của châu lục này không muốn bị đánh giá là nạn nhân, thay vào đó là sự chủ động và chuyển mình thành đối tác quan trọng chống biến đổi khí hậu. Châu Phi có lợi thế trong tiến trình chuyển đổi sang năng lượng xanh nhờ dân số trẻ, nguồn tài nguyên tái tạo và thiên nhiên dồi dào, có thể kể đến việc tập trung phần lớn trữ lượng cobalt, mangan và platinum của thế giới (rất cần thiết cho pin điện và pin nhiên liệu hydrogen).
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Phi là nơi tập trung 60% nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất thế giới, nhưng châu lục này vẫn có tới hàng trăm triệu người dân chưa có điện sử dụng. Trong báo cáo Tiến bộ Năng lượng năm 2023, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho biết, 567 triệu người ở khu vực phía nam sa mạc Sahara không được tiếp cận điện vào năm 2021 và con số này chiếm 80% tổng số người không được tiếp cận điện trên toàn cầu.
Việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng của châu Phi sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nghèo năng lượng thông qua việc đầu tư vào các hệ thống cung cấp điện phi tập trung. Quan chức phụ trách lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Bộ Năng lượng và Dầu khí Kenya Dan Kithinji Marangu cho biết, các nước châu Phi nên xem xét những ưu đãi pháp lý để thu hút đầu tư vào các dự án điện ngoài lưới, thúc đẩy thương mại, kết nối và công nghiệp hóa ở các vùng sâu, vùng xa. Ông Marangu nhấn mạnh, lục địa này có tiềm năng rất lớn về thủy điện, điện gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt.
Châu Phi cần số vốn gấp 10 lần mức hiện tại để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới, khoảng 600 tỷ USD, qua đó đạt mục tiêu nâng sản lượng năng lượng tái tạo từ 56 GW trong năm 2022 lên ít nhất 300 GW vào năm 2030. Châu lục này hiện chỉ thu hút được 2% tổng số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo toàn cầu trong thập niên qua.
Để châu Phi đạt được Mục tiêu phát triển bền vững số 7 về khả năng tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng hiện đại, đáng tin cậy, bền vững và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, lục địa này đang thúc đẩy sự hợp tác, tìm kiếm các nguồn tài trợ lớn và tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Giám đốc khu vực về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh tại Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Olufunso Somorin cho biết, các khoản đầu tư có mục tiêu vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ sẽ giúp điện khí hóa các cộng đồng bị thiệt thòi ở châu Phi, đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh và công bằng. Ông Somorin tin rằng, các ưu đãi tài chính kết hợp nguồn tài chính đổi mới sẽ là chìa khóa để triển khai các dự án điện không nối lưới ở những vùng xa xôi của châu Phi và thúc đẩy sự tăng trưởng.
Đứng trước những khoản nợ chồng chất trong khi thiếu vốn trầm trọng, các nước châu Phi kêu gọi cải cách toàn bộ cấu trúc tài chính toàn cầu, trong đó có các biện pháp tái cấu trúc và giãn nợ, mở đường cho hoạt động đầu tư và tài chính khí hậu của châu Phi. Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hối thúc các nước phát triển, vốn là những nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tôn trọng các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc cung cấp 100 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Châu lục này cũng kêu gọi ủng hộ đề xuất cơ chế đánh thuế carbon toàn cầu, giúp bảo đảm nguồn cung tài chính quy mô lớn cho các khoản đầu tư liên quan khí hậu. Châu Phi cần một sân chơi công bằng để tiếp cận đầu tư cần thiết giúp giải phóng tiềm năng tăng trưởng xanh và kiến tạo cơ hội cho châu lục này.