Đời sống

“Bóng hồng” duy nhất của lớp Điện Công nghiệp ở Đắk Nông

Thanh Hằng - Nguyễn Hiền 11/10/2023 05:17

Chị Nguyễn Thị Hường là sinh viên nữ duy nhất của lớp Điện Công nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

“Ngược dòng” đi học nghề

Tháng 9/2022, chị Nguyễn Thị Hường (SN 2003) "ngược dòng" bắt xe khách từ Đắk Lắk xuống tỉnh Đắk Nông để nhập học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Chia sẻ về quyết định đi học nghề, chị Hường cho biết, một năm sau khi tốt nghiệp THPT và đi làm tự do, chị quyết định đi học nghề để tìm cho mình một công việc ổn định. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo nên khi tốt nghiệp THPT, chị Hường đã chọn đi làm để phụ giúp bố mẹ. Sau một năm tích góp, cô gái 19 tuổi quay trở lại học nghề, với mong muốn mình sẽ có một vị trí việc làm ổn định sau khi được đào tạo bài bản.

nguyen-thi-huong-1(1).jpg
Chị Hường quyết định đi học nghề sau một năm đi làm tự do, với mong muốn có một công việc ổn định hơn khi được đào tạo qua trường lớp.

“Em chọn học nghề Điện công nghiệp trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Thời điểm đó, em cũng tìm hiểu kỹ nên cũng đoán sẽ rất ít bạn nữ học ngành này. Tuy nhiên, ngày nhập học, em thực sự bất ngờ khi cả lớp chỉ có một mình em là nữ”, chị Hường kể lại thời điểm bước chân vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

Cô gái quê Đắk Lắk, dáng người nhỏ nhắn, với nước da trắng hồng bước vào lớp học với những bỡ ngỡ và lo lắng nhất định bởi xung quanh toàn là nam sinh và ngành học cũng khó khăn, vất vả với nữ giới. Sau gần 2 năm theo học, chị Hường có thêm kiến thức về ngành điện và cũng dần thay đổi tư duy của rất nhiều bạn nam trong lớp “phụ nữ cũng làm được nhiều nghề mà trước nay chỉ có nam giới làm được !”.

nguyen-thi-huong-2(1).jpg
Nguyễn Thị Hường là nữ sinh duy nhất của lớp Điện Công nghiệp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông.

“Trong quá trình học, tôi luôn cố gắng để theo kịp mọi người. Dù có khó khăn, hạn chế một chút về hình thể và sức khỏe nhưng sau gần 2 năm theo học, tôi tự tin với quyết định của mình. Bây giờ thay vì dành nhiều thời gian để mua sắm, tôi hay đọc sách và mày mò tháo lắp các thiết bị điện”, nữ sinh dí dỏm nói.

Học nghề để khẳng định bản thân

Hàng ngày sau mỗi giờ học, chị Hường làm thêm tại căng tin của trường học, kiếm thêm thu nhập. Chị Hường chia sẻ: “Số tiền kiếm được hàng tháng đủ để trả tiền ký túc xá và tiền ăn mỗi ngày. Dù đi làm thêm nhưng tôi vẫn bảo đảm việc học tập trên lớp”.

nguyen-thi-huong-3(1).jpg
Chị Hường mong muốn, sau khi tốt nghiệp sẽ có được một việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo, tù đó có thể tự khẳng định bản thân mình.

Bước sang năm thứ 2, với những kiến thức và thử thách mới, chị Hường cho biết ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị còn nhận được sự khích lệ, động viên của bạn bè trong lớp. Cũng theo chị Hường, là phụ nữ, sau này đi làm việc sẽ có những vướng bận và hạn chế nhất định, nhất là vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, khi đam mê và đã lựa chọn theo đuổi ngành nghề kỹ thuật, phải chấp nhận những thiệt thòi, chị sẽ cố gắng bù lại bằng sự tỉ mỉ và khéo léo mỗi khi làm việc.

Chị Hường mong muốn, sau khi ra trường sẽ được làm đúng ngành nghề được đào tạo, đó là quản lý, theo dõi và xử lý thiết bị điện tại các nhà máy, xí nghiệp. “Có việc làm, không chỉ là để tôi tự nuôi sống bản thân mà còn để khẳng định, nữ giới cũng làm được nhiều việc mà từ trước đến nay xã hội quan niệm chỉ có nam giới mới làm được”.

Thanh Hằng - Nguyễn Hiền