Kinh tế

Đắk Nông chuyển đổi số để phát triển bền vững

Lê Dung 10/10/2023 17:11

Chuyển đổi số (CĐS) đang giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Để khai thác hiệu quả những thành tựu của công nghệ, Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp CĐS đồng bộ trên mọi lĩnh vực.

Nền móng hạ tầng số

Nếu ví CĐS là ngôi nhà thì hạ tầng số chính là nền móng. Hạ tầng số đóng một vai trò không nhỏ trong việc thu thập dữ liệu và dữ liệu lại được coi là “trái tim” của CĐS.

Đến nay, toàn tỉnh có 71 xã, phường, thị trấn đã được kết nối cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động theo công nghệ 4G đạt 99%.

img_4967(1).jpg
Người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) quét mã QR tra cứu thủ tục hành chính.

Đắk Nông đã triển khai thử nghiệm mạng di động 5G (của Viettel Đắk Nông) trên địa bàn TP. Gia Nghĩa. Tổng số thôn, bon, buôn, tổ dân phố được kết nối băng rộng cố định (cáp quang FTTH) là 585/624, đạt tỷ lệ 93,8%.

Số thuê bao băng rộng cáp quang (FTTH) là hộ gia đình: 103.184; tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cố định chiếm 59,52%; số thuê bao băng rộng cố định/100 dân: 15,84; số thuê bao băng rộng di động/100 dân: 84,88.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, một số các cơ quan, đơn vị đã nâng cấp máy tính, thiết bị công nghệ thông tin từ nguồn chi thường xuyên của đơn vị. Hạ tầng công nghệ thông tin tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện, xã hầu hết đã và đang triển khai nâng cấp.

Đội ngũ nhân lực số cũng được tỉnh quan tâm trang bị kiến thức phục vụ chuyên môn. Trong 9 tháng, Đắk Nông đã có 8 lớp tập huấn được tổ chức cho công chức, viên chức, Tổ Công nghệ số cộng đồng, với gần 1.000 đại biểu, thành viên tham gia; hơn 400 lượt cán bộ, công chức, viên chức được tham gia tập huấn các kiến thức về CĐS.

img_4985(1).jpg
Các địa phương trang bị, nâng cấp máy tính cho cán bộ, công nhân viên chức.

Động lực từ chính quyền số

Sự cam kết mạnh mẽ từ chính quyền trong việc thúc đẩy CĐS được xem là một yếu tố quan trọng đem lại thành công cho công cuộc CĐS tại địa phương.

Thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) do Bộ TTTT quản lý, đến nay, Đắk Nông đã kết nối với 11/23 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia.

img_5015(1).jpg
Hướng dẫn cài đặt pần mềm VssID trong tra cứu bảo hiểm xã hội cho người dân

Các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh. Đến nay, 6/19 sở, ban, ngành đã triển khai và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP).

Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh đã triển khai chạy thử nghiệm Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Đắk Nông do Viettel Đắk Nông xây dựng và cung cấp.

Qua 3 tháng thử nghiệm, Hệ thống đã thu hút khoảng gần 300.000 lượt truy cập. Hệ thống du lịch thông minh đã cung cấp được một số thông tin, hình ảnh quảng bá dịch vụ du lịch đến với du khách.

Sở NN - PTNT đang triển khai các thủ tục để chính thức xây dựng Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, bao gồm: 6 phân hệ chính, 47 nhóm chức năng và thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.

Về Cổng thông tin dữ liệu đất đai, hiện nay, các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa toàn tỉnh. Trong đó, các huyện: Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk Song và Đắk Mil đã hoàn thành công tác đo đạc, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

img_2267(1).jpg
Đắk Nông khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC) vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỉnh mới hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính huyện Đắk R’lấp (huyện điểm). Các huyện còn lại đang tiếp tục thực hiện công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai.

Đáng chú ý, Đắk Nông đã cơ bản hình thành chính quyền số với việc khai trương Trung tâm giám sát điều hành thông minh vào tháng 11/2022. Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; 100% các cơ quan nhà nước gửi, nhận văn bản điện tử đã thay thế văn bản giấy. Từ cấp tỉnh đến cấp xã để gửi nhận văn bản điện tử qua môi trường mạng và đã liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia của Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành.

cong-nghe-10.10(1).jpg
Doanh nghiệp công nghệ đồng hành với Đắk Nông trong chuyển đổi số

Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh, bao gồm: 19/19 sở, ngành tập trung tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh; 8/8 UBND huyện, thành phố; 71/71 xã, phường, thị trấn; 352 các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc.

Tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh là 1.710; trong đó, số DVCTT toàn trình là 804; DVCTT một phần: 906, tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận toàn trình: 17,3%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý toàn trình: 17,3%.

Tác động mọi mặt của đời sống

Chương trình CĐS của Đắk Nông đã tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

img_5710(1).jpg
Truyền tải điện Đắk Nông ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vận hành.

Cụ thể như trong kinh tế số. Tính đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 4.081 người nộp thuế, bao gồm: 2.849 doanh nghiệp, 265 tổ chức, 967 hộ kinh doanh đang hoạt động áp dụng hóa đơn điện tử, đạt tỷ lệ 100%.

Toàn tỉnh có tỷ lệ người nộp thuế đăng ký nộp thuế điện tử đạt 99,29%, tỷ lệ chứng từ nộp thuế điện tử đạt 95,6%, tỷ lệ số tiền nộp thuế điện tử đạt 92,05%.

Đắk Nông hiện đã thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, nhất là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP… lên sàn 2 thương mại “Voso.vn” và “Postmart.vn”.

Đến nay đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm; trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác. Tổng số giao dịch 27.528 lượt. Tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%. Số hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2%.

Công bố xếp hạng của Bộ TTTT cho thấy, tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh Đắk Nông năm 2022 đạt 8,27%, tương ứng hơn 3.300 tỷ đồng. Với tỷ trọng này, Đắk Nông được xếp hạng thứ 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, sau tỉnh Kon Tum.

Việc phổ cập danh tính số, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức rà soát đăng ký, thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh.

img_2957(1).jpg
Các mô hình sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông đang đẩy mạnh chuyển đổi số vào trong quá trình sản xuất.

Toàn tỉnh đã thu nhận 322.313/324.898 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 99,2%; trong đó, đã thực hiện kích hoạt 241.498/324.898 tài khoản, đạt tỷ lệ 74,3%.

Tính đến nay, Đắk Nông đã triển khai thực hiện 18/25 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Số lượng căn cước công dân gắn chip được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh bằng Căn cước công dân là 490.670 người.

Đối với dịch vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử. Các khoản thu NSNN thực hiện qua ngân hàng ước đạt 1.400 tỷ đồng…

Việc triển khai các hoạt động CĐS tại Đắk Nông đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Những thành quả trên sẽ tạo động lực, nền móng vững chắc cho Đắk Nông bứt phá, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian sớm nhất.

img_2180(1).jpg
Nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ trong đời sống được doanh nghiệp số triển khai tới người dân

Lê Dung