Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Toạ đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Chính sách - Ngày đăng : 09:59, 09/10/2023
Toàn cảnh toạ đàm. |
Tham dự toạ đàm có các đồng chí trong Thường trực UBQPAN, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học...
Quy định đầy đủ, chuyên sâu từng lĩnh vực
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức cho biết, Luật Giao thông đường bộ sau 15 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.
Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông; tình trạng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến; các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến phức tạp; ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến...
Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu tại toạ đàm. |
"Việc tách các nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và xây dựng 2 dự án luật là Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ để quy định đầy đủ, chuyên sâu về từng lĩnh vực, phù hợp với xu thế chung trên thế giới", Phó Chủ nhiệm UBQPAN khẳng định và đề nghị các đại biểu thể hiện trí tuệ, tích cực thảo luận, nêu bật những vấn đề cần được điều chỉnh, bổ sung và đề xuất các phương án cụ thể, qua đó giúp Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến.
Đại diện Cơ quan soạn thảo trình bày một số nội dung cơ bản dự án Luật TTATGT đường bộ, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết, Luật TTATGT đường bộ quy định về TTATGT đường bộ, bao gồm quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Còn Luật Đường bộ quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên trình bày một số nội dung dự án luật tại toạ đàm. |
Trên cơ sở phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh nêu trên đã chuyển chương "Phương tiện giao thông đường bộ" của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật TTATGT đường bộ; chuyển các nội dung về vận tải có tính chất "động" và liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo đảm TTATGT đường bộ trong chương "Vận tải đường bộ" của dự thảo Luật Đường bộ sang quy định tại chương "Phương tiện giao thông đường bộ" và chương "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" của dự thảo Luật TTATGT đường bộ.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ hiện tại gồm 9 chương, 81 điều so với dự thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng 01 chương và 19 điều do chương "Phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" tách thành 02 chương "Phương tiện giao thông đường bộ" và "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".
Đề xuất nghiên cứu tính điểm GPLX
Thảo luận tại toạ đàm về quy định đào tạo, sát hạch GPLX tại Điều 52, Điều 53 dự thảo Luật, Uỷ viên chuyên trách UBQPAN Trịnh Xuân An thống nhất câu chuyện không thay đổi cơ quan làm công tác sát hạch, cấp GPLX, nhưng vì GPLX phản ánh chất lượng và ảnh hưởng trực tiếp công tác an toàn giao thông, đặc biệt thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến chất lượng đào tạo, sát hạch GPLX, do đó, đại biểu đề nghị nên tách bạch khâu đào tạo và khâu sát hạch để thực sự bảo đảm chất lượng.
Uỷ viên chuyên trách UBQPAN Trịnh Xuân An thảo luận tại toạ đàm. |
"Điều 52, Điều 53 giao một đầu mối là Bộ Giao thông vận tải (GTVT), quy định cả quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình... Tôi không muốn đưa nội dung sát hạch này sang nơi khác, nhưng phải độc lập với khâu đào tạo, phải tách bạch, thực sự khách quan vì đây là một lĩnh vực rất quan trọng, liên quan sinh mạng con người. Và phải làm tốt công tác quản lý sau sát hạch, khi được cấp bằng xong chúng ta xử lý như thế nào, vì hiện gần như không có theo dõi, đánh giá? Ngoài tính điểm ra còn phải giám sát bằng lái sau khi được sát hạch, cũng như chất lượng người lái trên môi trường thực", đại biểu Trịnh Xuân An nêu.
Cũng về GPLX, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia ủng hộ quy định tính điểm GPLX vì các nước làm hết rồi, chẳng hạn bên Đức đã triển khai từ lâu. Tuy nhiên, có thể cân nhắc cách làm của Đức, ban đầu mới ban hành luật thì tổng là 16 điểm, sau đó nếu nhân dân chấp hành tốt thì xuống 14 điểm, bây giờ ở Đức là 12 điểm. "Việc này Bộ Công an nên xem xét, cân nhắc đưa ra quy định cụ thể", TS. Khương Kim Tạo đề nghị.
"Tôi đồng ý là nên tính điểm GPLX, nhưng cần nghiên cứu kỹ, xem trình độ của chúng ta ở tầm nào, nên 16 điểm hay đưa ngay xuống 12 điểm?" - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBQPAN Lê Việt Trường góp ý. Đối với việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, theo ông nên tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, như ở Úc có người thi đến lần thứ 9 mới đỗ. Hay cần siết chặt việc sát hạch; trung tâm đào tạo có thể cho xã hội hoá, ai đủ điểu kiện thì cho mở, nhưng lúc sát hạch phải chặt chẽ, đồng thời, nên chăng đưa quy định Bộ Công an hay cơ quan nào đó có quyền tổ chức phúc khảo một đợt thi, tránh việc chất lượng cứ thả nổi...
Phát biểu giải trình tại toạ đàm, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đồng tình quan điểm, về đào tạo có thể xã hội hoá nhưng riêng sát hạch GPLX phải làm rất nghiêm. Dự thảo luật quy định Bộ Công an, Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ để giải quyết vấn đề sát hạch, cấp phép, nhưng sau cấp phép thì sau này chúng ta sẽ có cơ chế tính toán, quản lý những người được cấp phép lái xe, sử dụng như thế nào...
Cân nhắc lợi ích doanh nghiệp và an toàn tính mạng con người
Về thời gian lái xe, khoản 3 Điều 56 dự thảo luật quy định tổng thời gian lái xe trong một ngày của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không quá 480 phút. Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, trong kinh doanh vận tải có ngày chạy không đến 8 tiếng, có ngày chạy quá 8 tiếng tùy vào thực tế thị trường kinh doanh và loại hình kinh doanh. Ví dụ như xe taxi, xe hợp đồng và các loại hình khác, thời gian hoạt động 12 tiếng nhưng chỉ phục vụ đón trả khách theo nhu cầu của khách theo cung giờ không cố định và thời gian dừng nghỉ rất nhiều. Ông đề xuất quy định ở mức không quá 10 tiếng như Luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp, hạn chế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc điều hành kinh doanh sản xuất...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng thảo luận tại toạ đàm. |
Tuy nhiên, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết, việc quy định thời gian lái xe từ 22h đến sáng hôm sau liên tục không quá 180 phút; từ 6h sáng đến 22h liên tục không quá 240 phút; tổng thời gian không quá 480 phút là đã tham khảo kỹ các nước, phù hợp quy định của pháp luật và đặc thù nghề lái xe - một nghề rất căng thẳng, liên quan an toàn tính mạng con người.
"Do đó, chúng tôi quy định rất rõ ràng trong luật để doanh nghiệp sử dụng lái xe phải chấp hành điều này. Vừa rồi xem clip trên cabin nhà xe Thành Bưởi, đâm vào làm xe 16 chỗ làm 6 người tử vong. Lái xe có những dấu hiệu không đảm bảo về sức khoẻ, để xảy ra tai nạn như gãi đầu, cố gắng để không buồn ngủ... Nguyên nhân chủ yếu có thể do sử dụng ma tuý hoặc buồn ngủ, lái xe phải điều khiển phương tiện liên tục trong khoảng thời gian dài, không còn tỉnh táo, tạo ra vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng", Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp lấy ví dụ.
Theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, khi quy định thời gian lái xe như vậy liên quan lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng cũng cần đảm bảo tính mạng của người tham gia giao thông. Ban soạn thảo cân nhắc rất kỹ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như việc đảm bảo an toàn, quyền được đảm bảo an toàn tính mạng của người tham gia giao thông...