Giá lúa gạo hôm nay 9/10/2023: Duy trì ổn định

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:14, 09/10/2023

Giá lúa gạo hôm nay 9/10 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng nhẹ. Trong khi giá gạo Việt xuất khẩu không thay đổi so với tuần trước.

Giá gạo hôm nay 9/10/2023

Trên thị trường gạo, hôm nay gạo nguyên liệu về ít, giá gạo có xu hướng đi ngang.

Tại các chợ lẻ, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 - 14.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg; gạo nàng nhen 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo nàng hoa 19.000 đồng/kg; gạo sóc thường 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo sóc thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 613 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 598 USD/tấn.

Giá lúa hôm nay 9/10/2023

Theo cập nhật của Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá lúa tươi IR 50404 dao động trong khoảng 7.800 - 7.900 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 7.700 - 8.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.100 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.200 - 8.400 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang (khô) ở mức 9.000 - 9.200 đồng/kg; nếp Long An (khô) còn 9.100 - 9.200 đồng/kg.

Giá lúa gạo nguyên liệu, thành phẩm hôm nay 9/10/2023

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm đi ngang. Theo đó, hiện giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.200 - 12.250 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 14.200 - 14.250 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm hôm nay cũng không có biến động. Hiện giá tấm IR 504 duy trì ở mức 12.100 - 12.200 đồng/kg; giá cám khô ở mức 6.900 - 7.000 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu ổn định

Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua được chào ở mức từ 610 - 620 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Theo một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh, động thái dỡ bỏ trần giá gạo của Philippines chưa có tác động ngay lập tức đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, nhưng giới thương nhân vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Trong khi giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần qua giảm do các mức thuế gần đây áp lên các lô hàng gạo đồ đang làm nản lòng người mua. Loại gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu nước này được báo giá ở mức từ 520 - 530 USD/tấn, giảm so với mức từ 525 - 535 USD/tấn của tuần trước.

"Thuế xuất khẩu đã khiến gạo Ấn Độ trở nên đắt đỏ và hạn chế sức mua", một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết. Một số khách hàng đang hy vọng chính phủ sẽ không áp thuế tiếp sau ngày 15/10.

Ấn Độ đã áp đặt loại thuế này vào tháng 8 trong nỗ lực kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay. Thuế được ấn định sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/10.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng đã giảm xuống còn 585 USD/tấn so với mức từ 590 - 607 USD/tấn của tuần trước, do đồng Baht giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng so với đồng USD trong tuần này.

Các thương nhân xuất khẩu dự báo, từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục đi ngang, riêng gạo Việt Nam nhiều khả năng vẫn giữ mốc trên 600 USD/tấn.

‘Cửa sáng’ cho xuất khẩu gạo đến năm 2024?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng đâu năm nay xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6,6 triệu tấn, với trị giá xuất khẩu đạt 3,66 tỉ đô la Mỹ. Đây là con số cao kỷ lục của ngành lúa gạo Việt Nam khi xét về mặt giá trị (cả năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn với trị giá đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ – PV).

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cũng khẳng định, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ vượt qua con số của năm 2022 khi xét về mặt khối lượng. “Tình huống xấu do ảnh hưởng của mưa bão, trong những tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng cũng xuất khẩu được 400.000 tấn, tức đạt 1,2 triệu tấn cho 3 tháng cuối năm”, ông cho biết.

Như vậy, với kịch bản nêu trên, xuất khẩu gạo Việt Nam cả năm 2023 sẽ đạt con số 7,8 triệu tấn, tức vượt năm ngoái đến 700.000 tấn. “Sau khi cân đối sản lượng lúa gạo hàng hoá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì xuất khẩu sẽ vượt so với 2022”, ông Nam tái nhấn mạnh.

Tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2023-2024 diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) gọi kết quả xuất khẩu nêu trên là “điểm sáng” rất lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. “Từ năm 2019 đến nay, chúng ta không còn phải giải cứu lúa gạo nữa”, ông nói.

Theo ông Việt Anh, để có được kết quả như hiện nay là nhờ định hướng dịch chuyển phân khúc sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, nhất là với Philippines- thị trường chiếm hơn 40% tỷ trọng trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

“Suốt từ đó (năm 2019) đến nay, hầu như chúng ta không đủ gạo để bán”, ông Việt Anh cho biết và dẫn chứng, từ chỗ Philippines mua gạo Việt Nam và Thái Lan với tỷ lệ 50-50 trong những năm 2015, thì hiện quốc gia này nhập gạo từ Việt Nam chiếm đến 80% tổng nhập khẩu của Philippines.

Điểm đặc biệt, đó là sau khi Philippines có chính sách “tư nhân hoá”, khối lượng nhập khẩu của quốc gia này đã tăng từ 1,8 triệu tấn (năm 2019) lên 3,6 triệu tấn vào năm ngoái, tức tăng gấp đôi sau 4 năm và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.

Quan trọng hơn, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam rất chuộng dòng sản phẩm nằm ở phân khúc “gạo chất lượng cao và thơm nhẹ”- một lợi thế khác biệt riêng có của Việt Nam. “Philippines ưa chuộng sản phẩm gạo mềm cơm, hương vị thơm nhẹ như giống OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8…”, ông Việt Anh cho biết.

Theo chủ tịch VFA, thị trường Philippines đã quen ăn các chủng loại gạo do Việt Nam cung cấp là gạo chất lượng cao và thơm nhẹ, trong khi đây là phân khúc khác biệt của Việt Nam, tức nằm trên phân khúc gạo cấp thấp, nhưng nằm dưới phân khúc gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nên có khả năng cạnh tranh rất tốt, nhất là về giá bán.