Chính trị

Tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng tiếp tục phát triển bền vững

Trần Phong - Sơn Hải 06/10/2023 18:00

Chiều ngày 6/10, tại Nghệ An, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 06 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam cho các cấp Hội, các cơ quan báo chí.

Chủ trì Hội nghị có các ông: Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-1.jpg
Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Cùng dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, báo chí khu vực miền Trung – Tây Nguyên; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo, đài trung ương và tỉnh Nghệ An.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Trọng Dũng khẳng định, sau 6 năm thực hiện, Luật Báo chí 2016 gắn với 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá tích cực những người làm báo và toàn xã hội. Với nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí, mang tính thời đại, Luật Báo chí 2016 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, và chỗ dựa của những người làm báo để thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ xã hội và nhân dân tốt hơn.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-2.jpg
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Nhờ đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí. Đặc biệt, Luật đã luật hóa việc xây dựng quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, là cơ hội để nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, giúp nhà báo và cơ quan báo chí hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của mình”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Để phát huy những thành tựu, khắc phục chấn chỉnh những tồn tại, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hy vọng: “Hội nghị sẽ đón nhận nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá một cách thẳng thắn, trách nhiệm về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Báo chí 2016 gắn với việc thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo VN, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo ngõ hầu cùng với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo để góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại như tình thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhiều quy định mới tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đời sống của báo chí, công tác báo chí

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua báo cáo tổng kết 06 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 gắn với 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-3.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã thông qua báo cáo tại hội nghị

Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam thông qua việc giám sát, xử lý các vi phạm Điều lệ hội, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, xử lý các sai phạm. Trong đó đã chú trọng phân tích, thảo luận những điểm mới, những việc được làm và không được làm với cơ quan báo chí và người làm báo, những nội dung thường gặp trong tác nghiệp. Đặc biệt, những vấn đề nảy sinh trong hoạt động tác nghiệp của nhà báo mà Luật không thể chế tài đầy đủ nhưng nếu hành xử là vi phạm đạo đức người làm báo. Mười điều quy định đó là những tiêu chí phổ quát nhất, cơ bản nhất, tương ứng với ý thức công dân, nền tảng đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Về thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp hội địa phương. Đến nay, trên toàn quốc có 260/301 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. Bên cạnh xử lý vi phạm, Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Trước kia, khi Hội đồng chưa thành lập, những trường hợp phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp (dù có đầy đủ giấy tờ và đúng quy trình) gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý thì nay với việc ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã tạo ra được bộ khung để Hội đồng có căn cứ xử lý những vi phạm và bảo vệ một cách hiệu quả quyền hành nghề hợp pháp của hội viên-nhà báo.

Về xây dựng và ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam bao gồm 03 Chương và 07 Điều quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể. Quy tắc này cũng xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc tổ chức quán triệt và thực hiện Quy tắc; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện; đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-4.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Về thực hiện chức năng là cơ quan Thường trực của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Kể từ khi có hiệu lực đến nay, đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm: Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.

Về công tác bảo vệ quyền hành nghề chính đáng, hợp pháp của nhà báo, hội viên. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ban đã trực tiếp gửi công văn can thiệp, tham mưu lãnh đạo Hội ký 10 công văn can thiệp đối với những vụ việc phức tạp.

Tăng cường công tác, giám sát đối với các cấp Hội cơ sở. Trong 6 năm qua, Hội đã có hơn 100 cuộc giám sát các tổ chức Hội, kịp thời nắm bắt được tình hình chấp hành, thực hiện Điều lệ Hội, Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các cấp hội, hội viên, đồng thời chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức Hội để lãnh đạo Hội có những chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Để khắc phục, chấn chỉnh “báo hoá” tạp chí, trang thông tin, mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí giúp cơ quan chức năng, các báo, tổ chức, cá nhân... nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 302 ngày 27/9/2022 về việc thực hiện Kế hoạch 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Tăng cường công tác chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay”, tuyên truyền, phổ biến rộng đến các cấp Hội. Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp, tham gia ý kiến để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hoá” mạng xã hội và biển hiện “tư nhân hoá” báo chí.

Nhiều ý kiến đóng góp nhằm góp phần xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-5.jpg
Ông Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại hội nghị

Tại Hội nghị, nhà báo Luật gia Đoàn Minh Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ; Thường trực Hội phải đoàn kết, nhất trí, duy trì nghiêm túc quy chế làm việc; mọi chủ trương, kế hoạch công tác đều được bàn bạc dân chủ, công khai; thường xuyên gắn bó với cơ sở, các chi hội nhà báo và các cơ quan báo chí biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của hội viên, tạo sự đồng thuận cao trong hội viên. Sự chủ động, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là cán bộ chuyên trách công tác Hội. Sự phối hợp giữa Hội Nhà báo tỉnh với lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan tham gia hoạt động báo chí của tỉnh là yếu tố góp phần thành công các hoạt động của Hội nhà báo tỉnh Khánh Hòa trong thời kỳ mới.

Ông Trần Cao Tánh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi đã đóng góp nhiều ý kiến để các quy định đạo đức nghề nghiệp không phải áp dụng cho mọi tình huống, mà chỉ mang tính hướng dẫn, khuyến khích, nhắc nhở nhà báo thực hiện nên cần viết sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, càng ngắn gọn càng tốt.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-6.jpg
Ông Trần Cao Tánh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội nghị

Ông Trần Cao Tánh cũng chỉ rõ những điểm chưa thực sự thuyết phục cần xem xét sửa đổi, như tại Điều 10 của quy đinh: Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo là không thật cần thiết vì chỉ mang tính nhắc nhở, động viên thực hiện 09 điều trên chứ không phải là một nội dung riêng biệt. Ở Điều 2: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền…nên sửa thành: Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ (Việt Nam không có Luật bản quyền). Điều 8: Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại nên sửa thành: Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, phấn đấu vì một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Ở Điều 9: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nên sửa thành: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, góp phần phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới. Tôn trọng các giá trị chung và sự đa dạng văn hóa. Điều 7 của quy định: Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp cũng có thể gộp vào Điều 8 sẽ hợp lý hơn.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-7.jpg
Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thanh Hóa cũng đã có nhiều kiến nghị, đề xuất tại hội nghị. Theo bà Thương cần sửa đổi bổ sung Luật Báo chí quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo địa phương trong việc quản lý hội viên thực hiện Quyết định 979/QĐ-HNBVN, ngày 6/4/2018 của Hội Nhà báo Việt Nam. Có chế tài đối với những hội viên không chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương và coi đây là tiêu chí trong việc bình xét thi đua hàng năm, cấp đổi thẻ hội viên đối với những hội viên là phóng viên thường trú đang hoạt động tại địa phương chưa chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo tỉnh. Gắn trách nhiệm của các cơ quan báo chí có hội viên là phóng viên thường trú, các văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn không giới thiệu hội viên chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo địa phương.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-8.jpg
Bà Võ Thị Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà bảo tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị

Bà Võ Thị Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà bảo tỉnh Kon Tum cho rằng, để công tác kiểm tra vào nề nếp, hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là trong thời đại số liên quan đến những chia sẻ thông tin của hội viên, chế độ chính sách của hội viên là lãnh đạo hội các cấp. Bà đề nghị Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam có nội dung, định hướng cụ thể những thông tin mới phát sinh liên quan đến hoạt động báo chí để hội địa phương nắm bắt, triển khai đến hội viên kịp thời ứng xử thông tin một cách tích cực, hạn chế những tiêu cực, vi phạm nảy sinh như các vụ việc vừa nêu trên.

Giám sát và có kiến nghị với các cơ quan bộ, ngành trung ương về chế độ, chính sách đối với hội viên là lãnh đạo hội nhà báo các cấp. Cụ thể như việc thực hiện Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị “về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, có những bất cập đối với chức danh lãnh đạo hội nhà báo đương chức gây tâm lý lo lắng, bức xúc trong hội viên là lãnh đạo hội địa phương. Để động viên, khuyến khích hội viên là lãnh đạo hội, những hội viên tương lai gánh vác công tác hội, gắn bó lâu dài với hội, đề nghị Ban Kiểm tra nghiên cứu, có văn bản trình cấp có thẩm quyền xem xét giữ nguyên danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo ở các cấp hội có biên chế hiện nay. Chức danh Chủ tịch Hội tương đương với cấp trưởng các sở, ban, ngành và tương đương, cấp Phó chủ tịch Hội tương đương với cấp phó các sở, ban, ngành.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-9.jpg
Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, từ khi Luật Báo chí ra đời cho đến này, đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội cho những mục đích phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề được không chỉ báo giới mà dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại. Công tác tự kiểm tra giám sát ở một số cấp hội còn yếu, nhiều Ban Kiểm tra cấp hội địa phương cơ sở hoạt động kém hiệu quả, vai trò mờ nhạt. Nghiệp vụ kiểm tra, nhất là quy trình thủ tục xử lý vụ việc ở cơ sở ở một số cấp hội còn yếu, còn nặng xu hướng đẩy vụ việc lên Trung ương giải quyết...

Trước sự thay đổi nhanh, Luật Báo chí cần phải thay đổi để theo kịp tình hình mới. Phương thức tác nghiệp, tổ chức sản xuất các ấn phẩm báo chí hiện nay khác xa so với năm 2016, khiến cho Luật đã trở nên lạc hậu, chưa theo kịp đạo đức nghề nghiệp người làm báo, trong đó người làm báo cần quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là trách nhiệm chung của những người làm báo. Xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp để để phát triển lành mạnh, tạo dựng uy tín trong xã hội và bạn đọc, mọi nền báo chí luôn coi trọng, đề cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”, ông Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

hanh-lang-phap-ly-bao-chi-10.jpg

Kết luận hội nghị, ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá cao các kiến nghị tâm huyết của đại biểu. Đồng thời nhìn nhận: Việc đi sâu phân tích, trao đổi mổ xẻ những vấn đề còn tồn tại trong chính sách pháp luật về báo chí, những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hội viên là một đòi hỏi cấp thiết trong đời sống báo chí và đội ngũ những người làm báo, để xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh, tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với nền báo chí cách mạng và đội ngũ những người làm báo.

Trần Phong - Sơn Hải