Xác định các biện pháp thích ứng với sự thay đổi dòng chảy của sông Mekong
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 22:05, 05/10/2023
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC). (Ảnh: HẢI TIẾN) |
Ngày 5/10, tại thành phố Luang Prabang, Lào, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) tổ chức Diễn đàn khu vực các bên liên quan MRC lần thứ 13, nhằm thảo luận, chia sẻ, cập nhật thông tin về thủy điện và các hoạt động phát triển khác dọc theo sông Mekong, con sông lớn nhất Đông Nam Á và có ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người dân trong khu vực.
Tham dự Diễn đàn có các quan chức Chính phủ từ các quốc gia thành viên MRC (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam), các Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong các quốc gia, cũng như các bên liên quan đến công tác năng lượng, môi trường, thủy sản, thủy lợi và các hoạt động phát triển khác liên quan đến nguồn nước.
Cùng tham dự diễn đàn còn có sự tham dự của các đối tác đối thoại của MRC (Trung Quốc và Myanmar), các đối tác phát triển khác của MRC, khu vực tư nhân bao gồm các nhà đầu tư và phát triển các dự án thủy điện dọc theo dòng chính sông Mekong và các dòng nhánh.
Thông qua Diễn đàn, Ủy hội sông Mekong quốc tế mong muốn đưa ra các khuyến nghị có thể tăng cường chia sẻ thông tin về vận hành hồ chứa đối với dòng nước, xả nước sông Mekong, cũng như các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với các tác động; cung cấp cơ sở toàn diện để các quốc gia thành viên và các bên liên quan thảo luận và xác định hành động phù hợp để hiện thực hóa mục tiêu của MRC, nhằm phát triển tối ưu và bền vững lưu vực như được quy định trong Hiệp định Mekong năm 1995.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: HẢI TIẾN) |
Đánh giá về kết quả những nghiên cứu của MRC, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC cho biết, sông Mekong hiện có nhiều sự thay đổi lớn, như phát triển thủy điện, thủy lợi, sử dụng nguồn nước và giao thông đường thủy.
Những sự phát triển này mang lại lợi ích cho các quốc gia, nhưng đồng thời cũng mang lại những thách thức và áp lực đối với môi trường, nhất là trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian gần đây.
Theo Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, hiện chế độ dòng chảy của sông Mekong đã thay đổi so với trước đây, điển hình là việc dòng chảy cao hơn mức trung bình trong mùa khô và thấp hơn mức trung bình trong mùa mưa. Điều này mang lại cả những tác động tích cực và tiêu cực.
“MRC cùng với các quốc gia thành viên và Trung Quốc đang nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân và lý do của sự thay đổi này nhằm xác định các biện pháp thích ứng, chẳng hạn như chia sẻ nhiều thông tin hơn, thông báo tốt hơn về hoạt động của cơ sở hạ tầng, và trong trung và dài hạn để đưa ra chiến lược quản lý sự thay đổi này”, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun chia sẻ với báo chí.
Theo Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun, các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, trong đó có Việt Nam, hiện đang phải đối mặt với 3 thách thức: mực nước biển dâng; mỗi quốc gia đều có thách thức phát triển của riêng mình trong việc sử dụng nguồn nước sông Mekong; và những vấn đề đến từ thượng nguồn.
Nhấn mạnh mỗi quốc gia không thể tự mình giải quyết những vấn đề nêu trên một cách riêng lẻ, Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun bày tỏ mong muốn các quốc gia cùng phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề và MRC cũng khuyến khích các dự án và sự quản lý chung.