Dạy nghề, tạo sinh kế lâu dài cho lao động dân tộc thiểu số

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 21:36, 04/10/2023

ào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người dân tộc thiểu số được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Những năm qua, hoạt động này luôn được các ngành, địa phương trong tỉnh Gia Lai chú trọng, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Một lớp đào tạo sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Ðức Cơ.
Một lớp đào tạo sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Ðức Cơ.

Trước đây, cuộc sống gia đình anh Rơ Mah Tưnh ở làng Sung Kép, xã Ia Kla, huyện Ðức Cơ khá khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào công việc làm thuê thời vụ. Với mong muốn có được một nghề nghiệp ổn định, năm 2022, anh Tưnh đăng ký học lớp sơ cấp kỹ thuật xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ðức Cơ.

Anh Tưnh chia sẻ: "Trước đây, tôi chỉ phụ hồ nên hầu như không biết cách đo đạc kích thước công trình, tính toán vật tư. Khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi học được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích. Do đó, kết thúc khóa học, tôi đã tự tin cùng với 4-5 học viên trong lớp thành lập tổ xây dựng và đứng ra nhận thầu một số công trình trên địa bàn. Công việc này đã mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Nếu có công trình đều đặn mỗi tháng, tôi có được 9-10 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình".

Cũng giống như Rơ Mah Tưnh, cách đây 2 năm, sau khi học lớp nghề xây dựng do huyện Ðắk Ðoa phối hợp với Trường cao đẳng Gia Lai tổ chức, anh Hnum ở làng O Yố, xã Ia Băng đã thành lập nhóm thợ nhận xây nhà cho người dân trong làng. Mới đầu, nhóm của anh Hnum nhận xây nhà đơn giản. Dần dần có kinh nghiệm, nhóm của anh nhận xây những căn nhà lớn, giá trị tiền cao hơn. "Ngoài thời gian làm rẫy, trung bình mỗi người trong nhóm có thu nhập thêm 80 đến 100 triệu đồng/năm nhờ nghề thợ xây", anh Hnum phấn khởi cho biết.

Tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ tại xã Ia Piar từ ngày 28/5 đến nay, anh Ksor Trương ở buôn Ia Kơ Al cùng 28 nông dân trong xã đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc bảo dưỡng, sửa chữa máy cày công suất nhỏ.

Mặc dù đã tự trang bị máy cày để phục vụ sản xuất gần 10 năm nay nhưng anh Trương không biết nhiều về cấu tạo, tính năng của máy. Mỗi lần máy bị hư hỏng, anh đều phải mang ra tiệm sửa, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Vì vậy, khi nghe xã thông báo mở lớp học sửa chữa máy nông nghiệp công suất nhỏ, anh đăng ký học. "Với người nông dân, chiếc máy cày khá quen thuộc nên chúng tôi tiếp thu bài nhanh. Trước đây, mỗi lần máy hỏng phải đưa ra tiệm sửa, tốn mất một số tiền, thì nay tôi có thể mua đồ về tự sửa tại nhà. Qua học, tiếp thu, tôi cũng ý thức việc bảo dưỡng máy rất quan trọng, cần thường xuyên kiểm tra, thay nhớt để hạn chế hao mòn, hư hỏng", anh Trương chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 13.725 người được hỗ trợ dạy nghề miễn phí, trong đó có 94% lao động là người dân tộc thiểu số. Một số mô hình đào tạo gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả như: nghề xây dựng, dệt thổ cẩm, sửa chữa máy nông nghiệp, công nhân làm việc trong các nhà máy sản xuất, xí nghiệp và xuất khẩu lao động. Nhờ được học nghề, người lao động đã có thể vận dụng kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào quá trình sản xuất, không chỉ tự tin trong công việc mà nghề đã giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, hiện trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường cao đẳng, 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện, 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 2 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã mở được 114 lớp đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số với 4.157 học viên. Trong đó, số lao động được hỗ trợ học nghề nông nghiệp là 2.398 người, nghề phi nông nghiệp là 1.759 người. Riêng năm 2023, các địa phương đã tuyển sinh 106 lớp và đào tạo nghề cho 3.004 lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai: Công tác đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo... tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Ðáng chú ý, trong những năm qua, tỉnh Gia Lai luôn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với lao động nông thôn học nghề, cho nên số lượng lao động người dân tộc thiểu số tham gia học nghề ngày càng đông (trên 90%). Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng vào phát triển sản xuất, xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề luôn được Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, không chỉ tạo được công ăn việc làm, mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người đồng bào, giúp cho người dân định hướng được nghề nghiệp. Tỉnh rất chú trọng xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương; sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, trình độ vùng miền, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về đào tạo nhân lực chất lượng cao. "Chúng tôi xác định, đào tạo nghề là một trong các giải pháp giảm nghèo bền vững, do vậy, để triển khai tổ chức công tác đào tạo nghề cho lao động người dân tộc thiểu số có hiệu quả trong thời gian đến, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề; trong đó, đặc biệt chú trọng đến người nghèo, người dân tộc thiểu số để giải quyết việc làm, giúp người dân vươn lên thoát nghèo; tập trung đào tạo nghề theo vị trí làm việc; đẩy mạnh việc lồng ghép đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh việc liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp nhằm thu hút lao động tham gia học nghề, đào tạo nghề gắn liền với việc làm", Phó Giám đốc Sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Gia Lai cho biết.

Bài và ảnh: PHAN HÒA