Bộ trưởng Nội vụ: Sẽ có một đề án căn cơ về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:35, 29/05/2023
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm trong phiên họp chiều 29/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Chiều 29/5, phát biểu giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 có sự đóng góp to lớn của mô hình tổ chức y tế dự phòng, y tế cơ sở, cũng như vai trò quan trọng của đội ngũ và nhân viên y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Bộ trưởng cũng cho biết, đại dịch đã làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong bộ máy tổ chức và các mặt hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng, y tế cơ sở, vẫn còn những sự thiếu đồng bộ cả về mô hình tổ chức lẫn công tác quản lý. Cùng với đó, nhân lực y tế còn có những bất cập cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu.
Để giải quyết tổng thể vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh cần phải đặt việc giải quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự y tế, nhất là nhân sự y tế dự phòng và y tế cơ sở trong tổng thể tinh thần Nghị quyết 19 là “đổi mới, hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp”.
Đồng thời, cũng theo đúng định hướng, yêu cầu nêu trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, và căn cứ vào yêu cầu thực tiễn với những vấn đề phát sinh như đại dịch Covid-19 để có giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.
Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm triển khai, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ sẽ phối hợp Bộ Y tế tổng rà soát, tham mưu cho Chính phủ một đề án về phát triển nguồn nhân lực y tế trong khu vực công đến năm 2030 một cách căn cơ, cụ thể.
Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu phải đánh giá toàn diện về tổ chức bộ máy, nhân lực y tế dự phòng và y tế cơ sở để đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm ổn định về mô hình tổ chức bộ máy, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, đồng thời phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức này.
Quang cảnh phiên thảo luận ở hội trường chiều 29/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp Bộ Y tế và các bộ có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách về lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù cho nhân viên y tế nói chung và y tế dự phòng, y tế cơ sở, nhưng đặt trong lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
“Hiện nay, Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương, trong đó sẽ tính toán rất kỹ lưỡng về chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung và y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng, để bảo đảm đúng quan điểm của Đảng là ngành y là ngành đặc biệt thì cũng phải bảo đảm chính sách đãi ngộ đặc biệt”, Bộ trưởng nêu rõ.
Tư lệnh ngành Nội vụ cũng nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách tuyển dụng, sử dụng chính sách đào tạo, bồi dưỡng viên chức y tế theo Nghị định 115, Nghị định 101 và chính sách thu hút bác sĩ công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng hải đảo.
Ngoài ra, sẽ xác định rõ định mức biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn trên cơ sở vị trí việc làm, theo quy mô dân số, điều kiện kinh tế-xã hội của các vùng miền, và nhất là liên quan đến y tế cơ sở; đồng thời không đặt vấn đề giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với y tế cơ sở.