Kinh tế Eurozone đình trệ, đồng euro giảm về gần mốc 1 USD
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 18:32, 04/10/2023
Đồng euro. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Giá dầu tăng trở lại đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vốn đang xấu đi và những lo ngại về tình hình tài khóa của Italy có nghĩa những yếu tố bất lợi đối với đồng euro đang gia tăng, làm tăng khả năng đồng tiền này giảm về gần mốc 1 USD/euro.
Đồng euro hiện giao dịch ở mức thấp nhất trong năm nay là gần 1,05 USD, giảm 3% so với đồng bạc xanh trong quý 3/2023. Đồng tiền châu Âu trên đà giảm năm thứ ba liên tiếp.
Nguyên nhân chủ yếu là do đồng USD mạnh khi kinh tế Mỹ vững. Tuy nhiên, có những yếu tố nội tại, đặc biệt là tác động từ việc giá dầu tăng, nền kinh tế Eurozone đang đình trệ có nguy cơ suy yếu hơn.
Đồng tiền chung dễ bị tổn thương trước việc giá dầu tăng, khi nhập khẩu ròng chiếm trên 90% nguồn cung các sản phẩm dầu mỏ tại Liên minh châu Âu.
Giá dầu tăng gần 30% trong quý 3/2023, ở mức gần 98 USD trong tuần trước, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh thắt chặt nguồn cung.
Barclays, cùng với các ngân hàng khác, nhận định giá dầu sẽ lên đến 100 USD/thùng trong những tháng tới.
Nomura cũng dự báo đồng euro sẽ giảm xuống 1,02 USD/euro vào cuối năm, giảm thêm 3% từ mức hiện nay.
Nhà kinh tế trưởng tại châu Âu của Morgan Stanley, Jens Eisenschmidt, cho rằng đồng euro chịu tác động lớn hơn từ các cú sốc về năng lượng cũng như rủi ro địa chính trị so với đồng USD.
Morgan Stanley cho rằng đồng euro sẽ không về mức ngang giá với đồng USD, nhưng sẽ tiếp tục giảm xuống 1,03 USD/euro.
Đồng euro yếu sẽ tăng năng lực cạnh tranh của các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng sức ép giá cả khi giá hàng nhập khẩu tăng, kết hợp với tác động từ việc giá dầu tăng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cần chú ý nhiều hơn, dù hiện không quá lo ngại.
Khi đồng euro ngang giá với đồng USD vào năm ngoái, lần đầu tiên trong 20 năm, ECB cho biết sẽ theo dõi thị trường tiền tệ do tác động đến lạm phát, nhưng không đặt ra mức mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, nhà chiến lược về tiền tệ tại ING, Francesco Pesole, cho rằng một dấu hiệu cảnh báo khác là về Italy. Mức lợi suất chênh lệch giữa trái phiếu của Italy và của Đức đã chạm mức 200 điểm./.