Năm 2025, thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc-nam
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 13:43, 27/07/2023
Đoàn tàu bắc-nam trên tuyến đường sắt hiện hữu. |
Bộ Giao thông vận tải đang dồn sức triển khai các thủ tục, công việc, phấn đấu trong năm 2025 trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Lập Ban Chỉ đạo về dự án đường sắt tốc độ cao
Ngày 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5/8/2023 hoàn thành đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban Chỉ đạo) theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là Trưởng Ban Chỉ đạo; 3 Bộ trưởng: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính làm Phó Trưởng Ban; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thành lập Tổ tư vấn là các chuyên gia đầu ngành, tâm huyết về giao thông đường sắt (kể cả chuyên gia đã nghỉ hưu) làm việc chuyên trách, giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo căn cứ lịch công tác, chương trình làm việc 6 tháng cuối năm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kịp thời hoàn thiện Đề án, báo cáo Thường trực Chính phủ theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm, chiều dài khoảng 1.545 km, lộ trình nghiên cứu đầu tư đến năm 2030 (Hà Nội-Vinh và Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh), sau năm 2030 (Vinh-Nha Trang).
Khẳng định dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam là dự án có tầm chiến lược, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đánh giá, dự án này chưa có tiền lệ, lần đầu được triển khai tại Việt Nam nên cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật, mô hình khai thác hợp lý trên cơ sở phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế, điều kiện thực tế của Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn chiến lược, dài hạn.
Tàu chở hàng trên tuyến đường sắt bắc-nam hiện hữu. |
Thời gian qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có ý kiến về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến của Hội đồng, đồng thời tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản để cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, minh bạch, Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ huy động một số chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm, phối hợp với tư vấn trong nước để nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
"Chạy" nhiều phương án, kịch bản so sánh
Trước đó, vào tháng 2/2019, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao bắc-nam đi qua 20 địa phương, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án xây dựng tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ; trên tuyến có 20 ga hành khách; tổng mức đầu tư sau thẩm tra 64 tỷ USD.
Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao 350km/giờ và kiến nghị phương án tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/giờ cho tàu khách, 160 km/giờ cho tàu hàng; trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa, tổng mức đầu tư sơ bộ 61 tỷ USD.
Tháng 5 vừa qua, trong cuộc họp với các đơn vị trực thuộc và tư vấn dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy đánh giá, dự án đường sắt tốc độ cao bắc-nam là dự án có quy mô lớn, công nghệ-kỹ thuật phức tạp, là động lực quan trọng để tạo đột phá phát triển kinh tế-xã hội cả nước và được Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu cẩn trọng, toàn diện, kỹ lưỡng, đồng thời cần nhiều nguồn lực lớn để đầu tư.
Tàu khách Thống Nhất trên tuyến bắc-nam. |
Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy yêu cầu các đơn vị trên tập trung nghiên cứu, so sánh 2 phương án: làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách vừa chở hàng. Trong đó, xây dựng kịch bản đường sắt mới chỉ chở khách, bổ sung đường sắt hiện hữu sẽ cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa; kịch bản thứ hai là xây dựng mới đường sắt trên trục bắc-nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa; phân tích 2 kịch bản để làm cơ sở so sánh, lựa chọn.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy yêu cầu: "Các đơn vị tư vấn cần tập trung nghiên cứu, so sánh 2 phương án: làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách vừa chở hàng làm cơ sở so sánh, lựa chọn. Xây dựng kịch bản đường sắt mới chỉ chở khách, còn tuyến đường sắt hiện hữu sẽ cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa; kịch bản thứ hai là xây dựng mới đường sắt trên trục bắc-nam theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa để vận tải hành khách và hàng hóa".
Các đơn vị tư vấn cần tập trung nghiên cứu, so sánh 2 phương án: làm một tuyến đường sắt mới chỉ chở khách và tuyến đường sắt mới vừa chở khách vừa chở hàng làm cơ sở so sánh, lựa chọn.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy
Liên danh tư vấn Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (CCTDI) cũng vừa hoàn tất báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội; trong đó, đề xuất đường sắt tốc độ cao vào đến ga Hà Nội. Ga Hà Nội là ga có chức năng phục vụ hành khách đường sắt đô thị kết hợp với hành khách đường sắt tốc độ cao.
Tư vấn đề xuất ga đầu mối phía nam là ga Ngọc Hồi, chuyển depot Thường Tín (nơi lập tàu, tập kết tàu, thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác) về khu vực ga Ngọc Hồi; ga đầu mối phía đông là ga Lạc Đạo (Hưng Yên).
Đại diện đơn vị tư vấn phân tích, các quy hoạch, dự án liên quan hầu hết đều định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam có kết nối vào trung tâm Hà Nội (tại vị trí ga Hà Nội hiện tại). Còn quy hoạch mạng lưới đường sắt định hướng chuyển đổi công năng toàn bộ đoạn tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm và xuyên tâm (phía trong đường sắt vành đai), đồng thời xác định ga Ngọc Hồi là ga đầu cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam.
Tàu cao tốc Shinkanshen Nhật Bản. |
Tuy nhiên, qua nghiên cứu kinh nghiệm phát triển đường sắt trên thế giới cho thấy, đối với loại hình dịch vụ tàu đường sắt tốc độ cao, thường được bố trí tiếp cận sâu trong trung tâm các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp),... Vì thế, nếu bố trí ga đầu cuối tuyến đường sắt tốc độ cao bắc-nam tại ga Ngọc Hồi, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km sẽ làm giảm tính hấp dẫn trong việc thu hút hành khách đi tàu, nhất là khu vực phía bắc sông Hồng.
Bên cạnh đó, loại hình đường sắt tốc độ cao sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng đường riêng, giao cắt lập thể, không xung đột loại hình giao thông đô thị nên về cơ bản sẽ không vấp phải bất cập của hệ thống đường sắt quốc gia hướng tâm hiện nay.
Về phương án tổ chức khai thác vận tải đường sắt khu đầu mối Hà Nội, tư vấn đề xuất giai đoạn đầu, toàn bộ tàu khách hướng tâm sẽ dừng tại các ga đầu mối trên tuyến vành đai, trung chuyển thông qua hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội (xe buýt, đường sắt đô thị), riêng tàu khách tốc độ cao tiếp cận vào ga Hà Nội.
Trong giai đoạn sau, các đô thị vệ tinh phát triển đủ lớn, nhu cầu kết nối giữa đô thị vệ tinh và đô thị hạt nhân tăng cao, sẽ xem xét tổ chức các đoàn tàu khách ngoại ô chạy hướng tâm để vận chuyển hành khách giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh; hướng đến các đối tượng người lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu đi lại thường xuyên.