Hơn 3,3 ha cây trồng ở thượng nguồn thủy điện N&S héo úa, chết dần
Giữa mùa mưa, nhiều diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái của các hộ dân thôn 4, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) héo úa và chết dần, gây thiệt hại về kinh tế.
Chị Thị Quan, thôn 4, xã Quảng Tín, có 3 ha đất sản xuất nông nghiệp gần suối Đắk R’lấp - khu vực thượng nguồn của đập thủy điện N&S. Sau nhiều ngày bị ngập nước, hàng chục cây tiêu, cà phê và sầu riêng trong vườn đã ngả màu vàng, rụng lá và chết rũ.
Chị Thị Quan cho biết, từ năm 2009 trở về trước, khi chưa có công trình thủy điện, việc canh tác ở khu vực này khá ổn định. Sau khi có thủy điện đi vào hoạt động, năm nào vào mùa mưa cũng xảy ra ngập lụt. Riêng năm nay, tình trạng ngập lụt kéo dài khiến nhiều cây trồng bị úng và chết.
Chị Quan lo lắng: “Đến thời điểm này gia đình tôi đã phải chặt bỏ gần 100 trụ tiêu sắp tới ngày thu hoạch. Nhiều cây sầu riêng 3 năm tuổi của gia đình do ngập nước lâu ngày nên cũng đã chết khô. Nếu tình trạng mưa, ngập tiếp tục diễn ra, vườn cà phê của gia đình cũng không thể sống nổi”.
Canh tác ở vùng thượng nguồn hồ thủy điện, từng bị thiệt hại nhiều trong các đợt mưa lũ các năm trước, anh Nguyễn Thanh Mỹ đã tìm nhiều cách để ứng phó như đào rãnh thoát nước quanh vườn, đắp các ụ đất cao để trồng sầu riêng… Thế nhưng trong mùa mưa năm nay, vườn cây trồng 1,7 ha của anh vẫn thường xuyên bị ngập nước. Anh Mỹ cho biết, ngày 26/8 vừa qua, dù không có mưa nhưng nước vẫn dâng rất cao và kéo dài nhiều ngày. Hậu quả là 250 cây chanh dây, 60 cây cau, 20 cây điều và 10 cây sầu riêng của gia đình đã bị chết.
Trước những thiệt hại mà gia đình phải đối diện, anh Mỹ đề nghị: “Để khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay, người dân chúng tôi đề nghị Công ty N&S phải nạo vét lòng hồ để chứa nước từ thượng nguồn đổ về. Ngoài ra, đơn vị vận hành thủy điện phải có biện pháp điều tiết nước khi có mưa lớn để bảo đảm việc sản xuất của người dân địa phương”.
Tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND xã Quảng Tín đã thành lập Hội đồng rà soát, thống kê thiệt hại của các hộ gia đình. Xã Quảng Tín cũng đã có Tờ trình số 88, ngày 15/9/2023 đề nghị UBND huyện hỗ trợ thiệt hại cho 18 hộ, với tổng diện tích cây trồng bị chết hơn 3,3 ha.
Liên quan đến vấn đề này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R’lấp cũng đã tham mưu UBND huyện mời các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty N&S về làm việc, xác định rõ nguyên nhân gây ngập lụt để có hướng giải quyết phù hợp.
Ông Vũ Trọng Tài, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk R’lấp khẳng định: “Trong thời gian tới, sau khi các bên làm việc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện sẽ thống nhất phương án, cách hỗ trợ để bảo đảm quy định và không gây thiệt hại kinh tế cho người dân trong quá trình xây dựng, vận hành công trình thủy điện”.