Trồng khoai tây bằng phương pháp giâm ngọn giúp tăng năng suất
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:58, 02/10/2023
Đây là kết quả đề tài nghiên cứu: “Cải tiến quy trình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng nuôi cấy mô tế bào kết hợp phương pháp khí canh, ngắt ngọn, tạo cây giống” của 3 kỹ sư: Nguyễn Như Liên, Ðoàn Thị Kim Tứ, Nguyễn Văn Nghiễm ở Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình).
Phương pháp giâm ngọn giúp cải thiện chất lượng cây giống khoai tây (ảnh minh họa)
Ths. Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình, cho biết, hiện nay trên cả nước trồng khoai tây chủ yếu bằng củ, giống khoai tây được nhập từ Trung Quốc giá rẻ nhưng nhiều bệnh. Nhập từ Ðức, Hà Lan giống tốt nhưng giá thành cao, nhiều khi nhập giống về chậm không bảo đảm thời vụ.
Ðể giải quyết những khó khăn trên, từ năm 2012 các kỹ sư đã nghiên cứu tài liệu quy trình sản xuất giống khoai tây bằng phương pháp cấy mô tế bào kết hợp với phương pháp khí canh của các nước để thử nghiệm. Tuy thời gian đầu gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, kinh nghiệm nhưng cuối cùng công trình nghiên cứu đã thành công từ công đoạn nuôi cấy mô tế bào trong phòng thí nghiệm, chuyển cây giống trồng cách ly, nhân và tạo giống củ bằng phương pháp khí canh (trồng cây trên giàn khí canh, không dùng đất, chỉ dùng nước có đủ chất dinh dưỡng phun vào rễ để nuôi cây và tạo củ).
Mỗi cây trồng trên giàn khí canh cho năng suất rất cao, từ 50 đến 60 củ bi/gốc. Từ củ bi giống siêu nguyên chủng sẽ chuyển xuống các địa phương trồng tạo ra giống nguyên chủng sạch bệnh.
Tuy nhiên sự thành công của nghiên cứu này chưa đáp ứng đủ về số lượng giống cho thị trường, do kinh phí khó khăn Trung tâm chưa thể mở rộng điều kiện sản xuất bằng phương pháp khí canh. Các kỹ sư đã nghiên cứu tạo một bước đột phá nữa là phương pháp ngắt ngọn giâm trong hệ thống khí canh để tạo rễ, tạo cây mới, sau đó giâm cây trong bầu một thời gian để chuyển đến nơi trồng.Trồng bằng cây giống giâm trong bầu, cây sẽ không bị chột, phát triển nhanh, vận chuyển dễ dàng, cây vận chuyển về trồng không hết trong ngày, để hôm sau trồng vẫn không bị ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Nhân giống cây bằng phương pháp này rất nhanh, trong thời gian ngắn sẽ tạo ra được số lượng lớn cây giống, do việc ngắt ngọn, giâm tạo cây con có thể làm liên tục.
Tuy nhiên hiện nay trong giai đoạn thử nghiệm, việc làm bầu bằng phương pháp thủ công nên chưa thể sản xuất nhiều cây giống trong một thời gian ngắn. Kỹ sư Nguyễn Như Liên cho biết: “Thời gian tới Trung tâm sẽ mua máy đóng bầu, đóng khay để thay cho việc làm thủ công và sẽ liên kết vớidoanh nghiệp để đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất cây giống. Nếu cách làm này thành công, trong tương lai sẽ đáp ứng đủ nhu cầu về giống khoai tây sạch bệnh, có chất lượng cao cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh bạn và giúp người trồng khoai tây vận chuyển cây giống dễ dàng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận”.
Theo tính toán của các kỹ sư, giá thành sản xuất củ giống nguyên chủng từ cây giống của công trình nghiên cứu chỉ hết 11.212 đồng/kg, còn sản xuất với giống nhập nội là 25.000 đồng/kg.
“Với kết quả nghiên cứu này, trong thời gian tới sẽ tạo bước đột phá trong quy trình sản xuất khoai tây của tỉnh cũng như cả nước, giúp chủ động cung cấp cây giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành rẻ, chủ động mùa vụ, không mất chi phí bảo quản củ giống bằng kho lạnh như hiện nay và người trồng khoai tây sẽ thu được lợi nhuận cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp”, Ths. Lê Hồng Sơn nhận định.