Đổi vận bằng nông nghiệp hữu cơ: Người mở lối dưới chân núi Langbiang

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 14:46, 02/10/2023

Trải qua hàng loạt khó khăn, thử thách, cuối cùng bà Lê Thị Thu Hậu cũng gây dựng thành công mô hình rau hữu cơ và lan tỏa trong cộng đồng.

Đương đầu thách thức làm nông nghiệp hữu cơ

Sáng sớm, khu vực trồng rau của Công ty Nông sản Tổ hợp tác hữu cơ Hiếu Linh (gọi tắt là Hiếu Linh Farm) chìm trong lớp sương mờ ảo. Toàn bộ cây trên vườn ướt đẫm sương và bà Lê Thị Thu Hậu, Giám đốc Hiếu Linh Farm cùng những người trong Công ty tổ chức thu hái rau, củ, quả để kịp đóng gói, chuyển cho đối tác tại TP.HCM.

Sau nhiều năm kiên trì sản xuất rau hữu cơ, bà Lê Thị Thu Hậu đã đạt thành quả xứng đáng. Ảnh: Minh Hậu.

Sau nhiều năm kiên trì sản xuất rau hữu cơ, bà Lê Thị Thu Hậu đã đạt thành quả xứng đáng. Ảnh: Minh Hậu.

Khu sản xuất rau hữu cơ của Hiếu Linh Farm rộng khoảng 3ha, nằm lọt thỏm ở thung lũng dưới chân núi Langbiang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Tại đây, khu trồng rau, thảo dược được bao bọc bởi những cánh rừng thông bạt ngàn và chính rừng thông trở thành lớp che chắn, tạo vùng đệm lý tưởng cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Trong không gian mờ ảo sương sớm cùng cái se lạnh xứ núi, bà Lê Thị Thu Hậu không giấu được niềm tự hào, tâm sự: “Ở khu vực này, thỉnh thoảng công ty cũng đón các đoàn chuyên gia nước ngoài, khách nước ngoài đến tham quan. Dù chúng tôi không làm du lịch nhưng nhiều vị khách nước ngoài đến rồi xin được trải nghiệm việc sản xuất, thu hoạch, chế biến món ăn ngay tại vườn. Khu sản xuất cũng liên tục đón các tốp sinh viên của các trường đại học trên cả nước về tham quan, học tập”.

Bà Lê Thị Thu Hậu gắn bó với ruộng vườn từ năm 1990. Thời bấy giờ, gia đình tổ chức trồng bắp cải và một số loại nông sản đặc thù của vùng núi Langbiang để bán ra thị trường. Với 1ha vườn, gia đình bà tổ chức sản xuất rau theo phương thức truyền thống và sản phẩm làm ra được các thương lái địa phương thu mua toàn bộ.

Sản phẩm cà rốt baby hữu cơ đang được Hiếu Linh Farm sản xuất, cung ứng ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm cà rốt baby hữu cơ đang được Hiếu Linh Farm sản xuất, cung ứng ra thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Đến năm 2017, trong một lần tham gia chương trình giao lưu, xúc tiến thương mại, bà nhận thấy nhiều doanh nghiệp tỉnh bạn xây dựng được sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khoẻ nên đã học hỏi và đi đến quyết định chuyển đổi.

“Thời gian đó, khi tôi nói chuyển qua làm nông nghiệp hữu cơ, hàng xóm cho rằng tôi bị khùng. Thậm chí những người thân trong gia đình cũng không tin tưởng, không ủng hộ”, bà Hậu kể. Để thuyết phục người thân trong gia đình, bà đã phân tích những lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại. Theo đó, đây là nền nông nghiệp hợp xu thế thị trường, sản phẩm được đảm bảo về chất lượng nên tốt cho sức khỏe người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Nông nghiệp hữu cơ cũng góp phần bảo vệ môi trường, phát triển cuộc sống xanh, sạch đẹp hơn…

Sau những ngày tháng kiên trì thuyết phục người thân, cuối cùng bà Hậu cũng nhận được sự đồng thuận. Khoảng cuối năm 2017, bà bắt tay vào cải tạo đất, xây dựng lại hệ thống tưới và tiến hành trồng những lứa rau hữu cơ đầu tiên.

“Tôi vẫn trồng bắp cải, cải ngọt và astiso nhưng ở một quy trình hoàn toàn mới. Nguồn phân bón cho cây trồng lúc bấy giờ là phân vi sinh và có sử dụng một số loại chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, bệnh hại.

Hiện nay, Hiếu Linh Farm đã liên kết với các hộ dân, mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ lên 3ha. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, Hiếu Linh Farm đã liên kết với các hộ dân, mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ lên 3ha. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian đầu cây phát triển tương đối ổn định nhưng sau đó hàng loạt vấn đề bắt đầu xảy ra. Những luống cải ngọt trên vườn gần đến ngày thu hoạch bị sâu bùng phát, gây hại toàn bộ. Bắp cải và astiso càng về sau càng teo tóp, nhỏ bé và năng suất chỉ bẳng 50% so với cách làm truyền thống”, bà Hậu kể.

Không chấp nhận lùi bước trước khó khăn, bà Hậu tiếp tục thuyết phục người thân để thực hiện mô hình. Nữ giám đốc Hiếu Linh Farm chia sẻ, thời gian đầu đến với nông nghiệp hữu cơ là thời gian đầy sóng gió và đơn độc. Để vươn lên với con đường đã chọn, bà không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức về nông nghiệp thuận tự nhiên. Phải mất một thời gian dài, việc sản xuất hữu cơ mới cho hiệu quả. Bà đã biết cách khắc chế sâu bệnh hại, đặc biệt là cách sản xuất cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên.

Khi có trong tay bí quyết về nông nghiệp thuận tự nhiên, bà Hậu mạnh dạn phát triển đa dạng các loại cây trồng. Đặc biệt là tổ chức sản xuất rau, dược liệu trên nền đất theo mùa vụ và không sử dụng nhà lưới, nhà kính để bảo vệ môi trường.

Sản phẩm rau hữu cơ của bà Lê Thị Thu Hậu được các đối tác tại TP.HCM hợp đồng bao tiêu với mức giá cao hơn 20% so với sản phẩm thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Sản phẩm rau hữu cơ của bà Lê Thị Thu Hậu được các đối tác tại TP.HCM hợp đồng bao tiêu với mức giá cao hơn 20% so với sản phẩm thông thường. Ảnh: Minh Hậu.

Để nông nghiệp hữu cơ được lan tỏa, năm 2019, bà Hậu liên kết với 2 bạn trẻ mở rộng diện tích sản xuất các loại rau. Khi mô hình liên kết bắt đầu cho hiệu quả thì đầu năm 2020 lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. “Lúc bấy giờ, việc sản xuất bị ảnh hưởng. Sản phẩm làm ra không bán được nên mô hình liên kết thua lỗ nặng nề. Diện tích 1ha vườn của 2 bạn trẻ lỗ lên đến 1,4 tỷ đồng. Năm đó, một trong 2 bạn trẻ quyết định bỏ luôn nông trại. Người còn lại vì quá tâm huyết nên bám trụ và sản xuất”, bà Hậu thổ lộ.

Hành trình đưa rau hữu cơ ra thị trường

Sau nhiều năm tâm huyết, kiên định với nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết của Hiếu Linh Farm đã thu thành quả ngọt ngào. Hệ sinh thái vườn được tái sinh, toàn bộ cây trên vườn có sự sinh trưởng tốt và các loại sâu bệnh hại được khống chế. Tuy vậy, những người sản xuất tại nông trại này lại gặp vấn đề lớn trong việc đưa sản phẩm ra với thị trường.

Bà Hậu chia sẻ: “Rau hữu cơ đảm bảo về chất lượng nhưng mẫu mã không bắt mắt bằng các loại rau sản xuất theo hình thức thông thường nên chả mấy ai mua. Hơn nữa, người tiêu dùng chưa thực sự chú tâm đến sản phẩm sạch nên chúng tôi khó phát triển thị trường”.

Rau hữu cơ được Hiếu Linh Farm tổ chức đóng gói cẩn thận để chuyển cho đối tác. Ảnh: Minh Hậu.

Rau hữu cơ được Hiếu Linh Farm tổ chức đóng gói cẩn thận để chuyển cho đối tác. Ảnh: Minh Hậu.

Để đưa rau hữu cơ đến với người tiêu dùng, bà Hậu đã cùng các thành viên trong tổ liên kết tổ chức tìm kiếm thị trường.

Bà cho biết, khoảng đầu năm 2022 đến nay, hễ chính quyền huyện Lạc Dương và tỉnh Lâm Đồng tổ chức các hội chợ, triển lãm, giới thiệu nông sản là đơn vị tranh thủ tham gia. Cùng với đó là tham gia, đưa sản phẩm giới thiệu đến các tổ chức xã hội như “cộng đồng minh bạch”, “cộng đồng nông nghiệp hữu cơ”… Nữ giám đốc 57 tuổi nói: “Có lần tôi mang rau, củ lặn lội về tận hội chợ ở TP.HCM để bán. Áo, mũ nông dân và rau đơn sơ như ngoài chợ nên ai nhìn cũng cười”.

Năm 2022, sau hàng loạt những kiểm tra, đánh giá từ các chuyên gia và cơ quan quản lý, mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hiếu Linh Farm với tổng cộng 3ha đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN).

Sản xuất hữu cơ được chứng nhận kết hợp nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình tìm kiếm thị trường, cuối cùng sản phẩm của Hiếu Linh Farm đã được thị trường đón nhận. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp sản xuất khoảng trên 1 tấn rau hữu cơ các loại. Toàn bộ nguồn sản phẩm được đối tác tại TP.HCM ký hợp đồng bao tiêu với mức giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%.

Cùng với việc sản xuất rau ăn lá, củ, quả, Hiếu Linh Farm cũng tổ chức sản xuất cây dược liệu như bồ công anh, astiso, hương thảo, tía tô để sản xuất trà và chiết xuất tinh dầu. Ảnh: Minh Hậu.

Cùng với việc sản xuất rau ăn lá, củ, quả, Hiếu Linh Farm cũng tổ chức sản xuất cây dược liệu như bồ công anh, astiso, hương thảo, tía tô để sản xuất trà và chiết xuất tinh dầu. Ảnh: Minh Hậu.

Giám đốc Hiếu Linh Farm cho biết, hiện doanh nghiệp đã và đang tổ chức sản xuất 15 loại rau, củ, quả. Trong đó gồm các loại rau hữu cơ ăn lá như súp lơ, bắp cải, xà lách, cải các loại, su su, cần tây…; các loại rau lấy củ gồm cà rốt, củ dền. Ngoài ra doanh nghiệp cũng sản xuất các loại thảo dược như astiso, tía tô, bồ công anh, hương thảo… để chiết xuất tinh dầu và sản xuất các dòng sản phẩm trà hữu cơ cao cấp.

Về định hướng trong tương lai, bà Hậu chia sẻ: “Các đối tác tại TP.HCM đã đặt hàng và sắp tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết, mở rộng vùng sản xuất hữu cơ. Hiện nay, một số đơn vị ở Hà Nội, Đà Nẵng đã đến làm việc và chúng tôi định hướng phát triển các chuỗi cửa hàng rau hữu cơ ra các thành phố này”.

PV