Chính trị

Nông nghiệp Đắk Nông và vai trò trụ cột của kinh tế

Hoàng Hoài 01/10/2023 05:38

Đắk Nông xác định nông nghiệp là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, từ đó ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

Những kết quả tích cực

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII xác định “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), bền vững theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế rừng, trồng và chế biến dược liệu; tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực” là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm nâng cao giá trị, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

bac-danh-bao-in.png

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, để nghị quyết đi vào cuộc sống, ngành Nông nghiệp chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành 3 nghị quyết, 3 chương trình; UBND tỉnh ban hành 1 chương trình, 10 đề án, 1 phương án, 35 kế hoạch và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

dsc04556(1).jpg
Ông Nguyễn Công Vỹ, xã Thuận An (Đắk Mil) thực hiện tái canh cà phê già cỗi bằng giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đến nay, Đắk Nông đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể. Như cà phê 139.932 ha với 356.612 tấn, đứng thứ 3 toàn quốc; hồ tiêu 33.985 ha, với 69.762 tấn, đứng thứ nhất toàn quốc; sầu riêng 6.139 ha, với 22.281 tấn; bơ hơn 3.151 ha, với 15.766 tấn; mắc ca 1.946 ha, với 268 tấn.... Giá trị sản xuất trung bình trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng năm 2022. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm...

Việc phát triển NNƯDCNC, bền vững theo chuỗi giá trị ngày càng được chú trọng. Tỉnh đã thành lập 1 khu NNƯDCNC với diện tích 120 ha; công nhận được 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423,17 ha và 2 doanh nghiệp NNCNC. Toàn tỉnh hiện có trên 85.000 ha ứng dụng một phần công nghệ cao, với sản lượng trên 400.000 tấn/năm... góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Đối với phát triển kinh tế rừng, hiện tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, người dân đầu tư vào một số lĩnh vực như phát triển rừng trồng nguyên liệu giấy (keo lai), phát triển cây đa mục đích (cao su); hình thành mô hình trồng nông lâm kết hợp theo hình thức giao khoán, hợp tác đầu tư tại Công ty lâm nghiệp Nam Tây Nguyên với gần 530 ha; thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch...

Toàn tỉnh hình thành 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng nông sản với 9.660 hộ dân tham gia; 72 doanh nghiệp chế biến và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến quy mô nhỏ; 22 mã số vùng trồng và 5 cơ sở được cấp mã số đóng; 68 cơ sở/139 sản phẩm áp dụng mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nhận được 60 sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa 15 sản phẩm lên sàn shopee, 47 sản phẩm tham gia sàn voso.vn, 25 sản phẩm được tạo gian hàng trên sàn postmart và 22 sản phẩm lên sanocop.vn...

img_4782(2).jpg
Ông Tạ Văn Quyết, xã Cư K'nia (Cư Jút) đưa cây nhãn vào trồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Phát triển nông nghiệp bền vững, sinh thái, trách nhiệm

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa tập trung. Nông sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô, tỷ lệ qua chế biến sâu không đáng kể, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái, trách nhiệm. Cụ thể, Đắk Nông chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp và ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế, nhu cầu lớn. Tỉnh tập trung phát triển các ngành hàng có tiềm năng và thị trường như lợn thịt, thịt gia cầm; phát triển kinh tế rừng thông qua trồng rừng kinh tế, trồng cây đa mục đích, dược liệu dưới tán rừng, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

img_4673(1).jpg
Ông Trần Văn Hùng, xã Cư K'nia (Cư Jút) thường xuyên học hỏi,áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây cà phê để tăng sản lượng trên cùng một diện tích.

Việc phát triển NNƯDCNC tiếp tục được ưu tiên. Trọng tâm là hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản; mở rộng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chứng nhận để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, địa phương cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, phát triển sản phẩm OCOP, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử... để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản cả về số lượng và giá trị.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tỉnh cần tập trung xác định, xây dựng các sản phẩm đặc trưng so với các tỉnh bạn. Đối với Đắk Nông các ngành hàng cây chủ lực, tiềm năng để bảo đảm xuất khẩu cần xây dựng chuẩn về kỹ thuật, tránh rào cản xuất khẩu, cũng như cung vượt cầu dẫn đến trồng – chặt, chặt - trồng...

anh-yen-bao-in.png

“Điều quan trọng trong phát triển NNƯDCNC đó là con người. Do đó, muốn thay đổi tư duy sản xuất truyền thống sang sản xuất kinh tế nông nghiệp thì cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Địa phương kịp thời hỗ trợ những khu vực, đơn vị, địa phương chưa đủ điều kiện bảo đảm sản xuất tập trung như cải tạo đồng ruộng, cải tạo vườn tạp hoặc liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng...”, đồng chí Lê Trọng Yên nhấn mạnh.

Việc phát triển mạnh kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng. Trong đó, toàn tỉnh chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hợp tác; thúc đẩy liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị tại các vùng sản xuất tập trung; chuyển đổi mạnh mẽ từ các “chuỗi cung ứng nông sản" sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”.

“Chúng ta cần xây dựng các chuỗi giá trị, trong đó xác định hợp tác xã là trung tâm và các hộ dân, tổ hợp tác kết nối với doanh nghiệp; đồng thời cần có sự hỗ trợ giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Các hợp tác xã phải kết hợp với nhau để tạo chuỗi giá trị”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên chia sẻ thêm.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12, khóa XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh yêu cầu, toàn tỉnh tiếp tục thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, sinh thái, trách nhiệm; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị (liên kết người nông dân, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã) nhằm huy động được nguồn lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa, tập trung, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững”.

Hoàng Hoài