Giáo dục - Đào tạo

Giáo viên gặp khó khi dạy học liên môn

Nguyễn Hiền 02/10/2023 05:11

Nhiều khó khăn phát sinh đối với giáo viên bậc THCS trong quá trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhất là trong dạy học liên môn.

Đào tạo 3 tháng để dạy tích hợp

Theo cô giáo Trịnh Thị Thanh Thủy, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), một trong những điểm mới của Chương trình GDPT 2018 là dạy học tích hợp. Trước đây, chương trình có các môn độc lập; vật lý, hóa học và sinh học thì Chương trình GDPT mới gộp các môn này lại thành môn Khoa học Tự nhiên. Tương tự, các môn lịch sử, địa lý gộp thành môn Khoa học Xã hội.

Như vậy, thay vì dạy kiến thức một môn, giáo viên phải dạy kiến thức liên môn trong 1 tiết. Cô Thủy cho biết: “Tôi từng được đào tạo Trình độ Cao đẳng nên có thể dạy tích hợp môn Hóa học và môn Sinh học nhưng vẫn chưa thể dạy kiêm được môn Vật lý. Trước khi triển khai chương trình mới, giáo viên được tập huấn 3 tháng về kỹ năng dạy liên môn. Tuy nhiên, một giáo viên đào tạo mấy năm đại học, cao đẳng một chuyên môn ra dạy còn khó khăn huống gì chỉ 3 tháng cho dạy liên môn”.

1(1).jpg
Cô giáo Trịnh Thị Thanh Thủy, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho rằng việc dạy liên môn là khó khăn khi giáo viên chưa được tập huấn chuyên sâu

Còn thầy Lê Hữu Vọng, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Trần Văn Ơn, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thông tin, hiện nay trường mới chỉ có 2 giáo viên được đào tạo dạy liên môn nhưng mới là mức chứng chỉ, chưa được đào tạo chuyên sâu. Ở lớp 6, kiến thức các liên môn còn ở mức độ đại cương, giáo viên có thể dạy tạm ổn. Lên các lớp 7 và lớp 8 thì kiến thức nối tiếp và mức độ nâng cao hơn nên nếu giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu sẽ khó đảm trách hiệu quả được. Năm học 2024-2025 triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 9, nếu giáo viên không được đào tạo chuyên sâu thì khó triển khai theo tinh thần đổi mới.

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, nhiều cán bộ, giáo viên đã chia sẻ, ý kiến những khó khăn vướng mắc khi triển khai Chương trình GDPT mới.

Theo ông Bùi Văn Út, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Krông Nô, việc dạy học liên môn nếu triển khai hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Tuy nhiên, do được đào tạo đơn môn, nên khi phải dạy kiến thức liên môn đòi hỏi mức độ chuyên môn cao hơn nhưng thực tế hiện nay chưa có giáo viên được đào tạo chuyên sâu.

Để bảo đảm chất lượng, đơn vị chỉ đạo các trường linh động tổ chức cho giáo viên bộ môn nào thực hiện giảng dạy ở bộ môn đó. Đối với tiết liên môn, các trường lựa chọn giáo viên có khả năng nhất để đảm nhận. Tuy nhiên, việc tổ chức linh động này cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình khi xây dựng các bài kiểm tra đánh giá học sinh thì giáo viên ở ba phân môn phải ngồi lại để cùng nhau xây dựng bộ đề. Khi chấm bài cũng phải ba giáo viên cùng chấm 1 bài nên mất nhiều thời gian”.

Chia sẻ những khó khăn này, tham dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Việc triển khai Chương trình GDPT mới là cần thiết. Một trong những thách thức khi triển khai chương trình GDPT mới là giáo viên không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Do đó, ngành Giáo dục Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung phải hỗ trợ, tập huấn nhiều hơn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Về phía Bộ GD-ĐT cũng sẽ có giải pháp để giải quyết vấn đề này”.

Nguyễn Hiền