Đắk Lắk: Tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 20:49, 16/05/2023

Chiều 16/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu các tiềm năng, sản phẩm, dịch vụ du lịch giữa hai tỉnh Bình Định và Đắk Lắk. Thông qua hội nghị nhằm tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu phát biểu tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cùng đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trên địa bàn 2 tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, đồng thời kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai.

Đắk Lắk có sân bay Buôn Ma Thuột, một trong những cảng hàng không lớn, hiện đại, là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và trong tương lai kết nối với các sân bay thị trường quốc tế.

Đắk Lắk cũng là mảnh đất sở hữu đa dạng văn hóa truyền thống vùng miền với 49 dân tộc anh em. Bên cạnh các di sản văn hóa vật thể nổi tiếng như các loại nhạc cụ cồng chiêng, đàn đá, tre nứa, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt thổ cẩm, tạc tượng..., Đắk Lắk còn là vùng đất của những lễ hội đặc trưng đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như Hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ bỏ mả… Đặc biệt, Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận là lễ hội cấp quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.

Cùng với đó, Đắk Lắk còn có hệ thống tài nguyên thiên nhiên phong phú với 41 di tích đã được xếp hạng, trong đó thế mạnh là các thắng cảnh hùng vĩ, mang đậm dấu ấn đại ngàn, những di tích lịch sử tái hiện những trang sử bi tráng và hào hùng của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ… Đây chính là tiềm năng dồi dào để Đắk Lắk phát triển du lịch.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 225 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, có 33 khách sạn được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao, 55 khách sạn chưa xếp hạng, 137 nhà nghỉ, nhà khách; có 27 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch; 26 khu, điểm tham quan du lịch; 9 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Những năm qua, Đắk Lắk đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tiến hành khảo sát, xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà-phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… Bình quân mỗi năm tỉnh Đắk Lắk đón trên dưới 1 triệu du khách, trong đó có khoảng 10% du khách quốc tế.

Về định hướng đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vườn rừng kết hợp du lịch trải nghiệm, nông nghiệp kết hợp du lịch tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch; đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, nhất là chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đặc sản, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ẩm thực; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà-phê của thế giới”.

Đối với Bình Định là tỉnh nằm ven biển thuộc khu vực Nam Trung Bộ, có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và cả nước. Biển Bình Định với những bãi cát dài thơ mộng, nơi có sự u huyền cổ kính của những tháp Chàm và nhiều di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng.

Nơi đây còn có núi non hùng vĩ ghi dấu bao chiến công hiển hách của người Anh hùng dân tộc áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ vào cuối thế kỷ XVIII, của quân và dân Bình Định trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bên cạnh đó, Bình Định là vùng đất truyền thống thượng võ từ lâu và thấm sâu vào trong máu thịt của người dân và trở thành bản sắc riêng của Bình Định. Nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng của nhiều nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn,…

Cùng với đó, Bình Định là mảnh đất hòa quyện giữa đồng bằng, đồi núi, sông suối và biển cả với những danh thắng nổi tiếng như: Ghềnh Ráng, đầm Thị Nại- bán đảo Phương Mai, Đảo Yến, bãi biển Quy Hòa, Eo Gió, Nhơn Lý… Đồng thời, Bình Định còn là nơi tụ hội của các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Đống Đa, Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội làng rèn Tây Phương Danh, Lễ hội làng đúc đồng Băng Châu, Lễ hội đô thị Nước Mặn, Lễ hội cư dân miền biển, Lễ hội Đổ Giàn…

Bình Định còn là quê hương của các loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo như: Võ cổ truyền Việt Nam, tuồng, bài chòi. Các làng nghề truyền thống độc đáo như: Làng nghề rượu, mộc mỹ nghệ, gốm Gò Sành, nón ngựa Gò Găng, bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa…

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thời gian gần đây ngành du lịch hai tỉnh Đắk Lắk và Bình Định đã mở cửa và phục hồi trở lại. Ngành du lịch hai tỉnh đang tập trung nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng của Đắk Lắk, Tây Nguyên và Bình Định đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu du lịch sau đại dịch của du khách. Đồng thời, hai tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát huy hiệu quả liên kết du lịch; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch.

Đắk Lắk: Tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng ảnh 4

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Huỳnh Cao Nhất đề nghị tăng cường kết nối hơn nữa du lịch giữa Bình Định và Đắk Lắk, nhằm khai thác tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, đặc sắc của mỗi tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định Huỳnh Cao Nhất cho biết, trong năm 2022 tỉnh Bình Định tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu, tăng cường sức hấp dẫn cho du lịch Bình Định.

Đặc biệt trong năm 2023 này, tỉnh Bình Định tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa đặc sắc, như: Lễ hội Du lịch Bình Định 2023 với chủ đề “Quy Nhơn - Thiên đường biển”; Lễ hội Chùa Bà Nước Mặn (Đô thị Nước Mặn); Lễ hội Khinh khí cầu năm 2023; Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhon 2023; Lễ hội đường phố Quy Nhơn-Bình Định năm 2023; Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hoá tại thành phố Quy Nhơn năm 2023; Hội chợ Triển lãm sản phẩm OCOP và Làng nghề truyền thống Bình Định 2023; Giải Võ cổ truyền các Võ đường Cúp Hoàng đế Quang Trung; Liên hoan Diều Quy Nhơn-Bình Định; Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc miền trung; Đua xe địa hình quốc tế Challenge Quy Nhơn 2023; Liên hoan ẩm thực Bình Định,…

Với các hoạt động này, ngành du lịch tỉnh Bình Định hy vọng sẽ kết nối với nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành ở Đắk Lắk tham gia và thu hút được lượng lớn du khách ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đến với Bình Định.

Đắk Lắk: Tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng ảnh 5

Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của hai tỉnh dự hội nghị đều mong muốn tăng cường kết nối du lịch giữa hai tỉnh là hết sức cấp thiết.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch mới cho Đắk Lắk và Bình Định, thúc đẩy khả năng kết nối, khai thác du lịch giữa các doanh nghiệp và địa phương, giữa Đắk Lắk và Bình Định nói riêng, giữa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung, góp phần tăng cường kết nối du lịch giữa biển với rừng.

NGUYỄN CÔNG LÝ