Y tế - Sức khỏe

Có thể điều trị khỏi bệnh ung thư nếu tầm soát, phát hiện sớm

PV 30/09/2023 07:00

Theo các chuyên gia, quan điểm “ung thư là chết” đã không còn đúng, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có thể ngăn chặn sự tiến triển ở giai đoạn sau...

Co the dieu tri khoi benh ung thu neu tam soat, phat hien som hinh anh 1
Tương tác, đặt câu hỏi cho các chuyên gia tại Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

“Ung thư: biết sớm, trị lành” là thông điệp được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Ung bướu Cần Thơ lần thứ XII, do Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ tổ chức ngày 29/9.

Hội thảo gồm 10 phiên với 58 báo cáo, xoay quanh các chủ đề chính: Miễn dịch và sinh học phân tử, xạ trị-y học hạt nhân, phổi-lồng ngực, tiêu hóa-gan mật, đầu-cổ, huyết học, chăm sóc giảm nhẹ-điều dưỡng...

Dẫn giải số liệu do WHO công bố, giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Danh dự Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh khoảng 40% các loại ung thư có thể phòng tránh được. Khi lỡ mắc ung thư, bệnh nhân hoàn toàn có thể được điều trị khỏi bệnh nếu tầm soát phát hiện trong giai đoạn sớm.

Tại Hội thảo, các chuyên gia chỉ ra rằng quá trình hình thành và tiến triển bệnh ung thư trải qua nhiều giai đoạn. Dưới sự tác động của các hóa chất, nếp sống không lành mạnh như chế độ dinh dưỡng, thiếu vận động và béo phì, các bệnh nhiễm, bức xạ..., các thể nhiễm sắc bị tấn công, các gene bị đột biến, từ đó hình thành ung thư. Các tế bào ung thư phát triển, tiếp tục xâm lấn và di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể người bệnh.

Cụ thể, khói thuốc lá chiếm 1/3 nguy cơ gây ung thư (trên 70 chất gây ung thư và 15 loại ung thư), dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt chiếm 1/3 (chế độ ăn ít rau, hoa quả tươi, ít chất xơ, quá béo, quá mặn…), béo phì-ít vận động và bệnh nhiễm chiếm 1/5.

Co the dieu tri khoi benh ung thu neu tam soat, phat hien som hinh anh 2
Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Danh dự Hội Ung thư Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN

Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư, trước hết mọi người cần tránh xa các nguồn có thể gây bệnh. Cộng đồng cần quan tâm đúng mức đến việc tầm soát bệnh nói chung, tầm soát ung thư nói riêng 6 tháng/lần.

Ngoài việc kiểm tra, tầm soát các vấn đề về ruột già, gan, dạ dày là điều cả hai giới phải lưu ý, phụ nữ cần tầm soát ung thư cổ tử cung, tuyến vú, tuyến giáp. Đàn ông cần tầm soát sớm ung thư phổi (người nghiện thuốc trên 40 tuổi), nên lưu ý tuyến tiền liệt (thử PSA)…

Phó Giáo sư, bác sỹ Bùi Diệu, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đưa ra một số lưu ý đặc biệt. Người dân cần đi khám ngay để tầm soát sớm khi trên da xuất hiện những cục u, da sần dày lên bất thường, chảy máu hoặc tiết dịch bất thường, lở loét dai dẳng không lành, ho dai dẳng hoặc khàn tiếng...

Lưu ý quan trọng nữa được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo là người bệnh nếu chẳng may mắc ung thư phải đặt lòng tin vào đội ngũ y, bác sỹ điều trị cùng với những tiến bộ ngày càng vượt trội của máy móc, thiết bị tiên tiến trong điều trị ung thư. Quan điểm “ung thư là chết” đã không còn đúng, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, có thể ngăn chặn sự tiến triển ở giai đoạn sau và có thể được chăm sóc giảm nhẹ ở giai đoạn muộn...

Thạc sỹ Vũ Đình Sơn, Phó Trưởng khoa Y dược (Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc) cho biết tỷ lệ đau trung bình và nặng ở bệnh nhân ung thư dao động từ 44,1 đến 75%. Do đó, các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân cần quan tâm chú trọng điều trị và chăm sóc đau, trong đó chú trọng giáo dục sức khỏe để người bệnh tham gia tích cực vào việc kiểm soát đau của chính họ.

PV