Kinh tế

Nỗi buồn đất công ở Đắk Nông (kỳ 2): Thất thu ngân sách

Nguyễn Lương 29/09/2023 06:19

Lãng phí đất công khiến cho nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực đất đai ở Đắk Nông đạt khá thấp. Điều này cũng gây ra nhiều điểm nghẽn về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

that-thu.png

Lãng phí đất công khiến cho nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực đất đai ở Đắk Nông đạt khá thấp. Điều này cũng gây ra nhiều điểm nghẽn về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thiếu ngân sách, thừa đất công

Hàng năm, số thu từ lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 20-25% trong tổng số thu ngân sách tại Đắk Nông. Nguồn thu từ đất bao gồm: đấu giá đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cho thuê đất; giao đất có thu tiền sử dụng đất… Trong năm 2023, Đắk Nông được giao dự toán ngân sách Nhà nước 3.650 tỷ đồng. Trong đó, riêng nguồn thu từ lĩnh vực đất đai 866 tỷ đồng, chiếm gần 24%.

dat-cong.png

Đến hết tháng 8/2023, số thu ngân sách Đắk Nông thực hiện được 1.931 tỷ đồng, đạt 53% dự toán cả năm. Đây là mức thu thấp nhất tại Đắk Nông trong vòng 5 năm trở lại đây. Nguồn thu đạt thấp nguyên nhân một phần là do số thu từ lĩnh vực đất đai đạt thấp. Đến ngày 15/8, lĩnh vực này mới thực hiện được 200 tỷ đồng, đạt 23% dự toán được giao. Trong đó, số thu từ giao đất, đấu giá đất chỉ chiếm con số rất thấp (chỉ 50 tỷ đồng).

Từ đầu năm tới nay, có nhiều địa bàn hầu như không thu được đồng nào trong hoạt động giao đất, đấu giá đất. Đơn cử như Đắk Mil, Đắk R’lấp, Cư Jút, Gia Nghĩa...

Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh nhìn nhận, hầu hết các dự án kêu gọi đầu tư đều tập trung ở thành phố. Tuy nhiên, có những dự án chưa bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng. Một số dự án khác mới giải quyết xong thủ tục, đang trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại huyện Đắk Mil, hiện có 9 khu đất công, giá trị ước tính hơn 400 tỷ đồng có thể đưa ra đấu giá ngay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, huyện vẫn chưa đấu giá được khu nào. Còn huyện Đắk Glong có 10 khu đất công; Cư Jút có 7 khu đất công, cũng nằm trong tình cảnh tương tự.

Lãng phí tài nguyên

Hàng loạt khu đất công ở Đắk Nông quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua, gây lãng phí tài nguyên, chưa tạo nguồn lợi lớn cho sự phát triển cũng như thu ngân sách địa phương.

Theo Sở Tài chính, ngoại trừ đất Nhà nước giao cho các công ty, tổ chức quản lý, Đắk Nông còn có 285 khu đất công. Trong số này, có gần 100 khu có thể đưa ra đấu giá ngay (cấp tỉnh 13 khu; cấp huyện, thành phố 84 khu). “Chúng tôi chưa thể thống kê được số liệu chính xác. Tuy nhiên, nếu tính bài toán sơ sơ, chỉ cần 100 khu đất trong diện "sạch" đấu giá thành công, có thể thu về cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng”, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phò khẳng định".

luong-phat-ngon-.jpg

Thực tế, trong số 285 khu đất công hiện có, tỷ lệ đấu giá thành công chiếm rất ít. Như vậy, đất công đang lãng phí đồng nghĩa với việc ngân sách từ lĩnh vực này chiếm tỷ trọng thấp là điều không tránh khỏi. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Văn Hiệp khẳng định: “Đất chưa bán, chưa cho thuê thì còn đó. Tuy nhiên, xét về mặt ngắn hạn, đất để lâu không phát huy giá trị sẽ gây thất thu về ngân sách”.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Anh Đông, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh cho hay, đơn vị có 39 khu đất công được giao quản lý. Trong số này, có khoảng 7 khu đất đắc địa. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm mới đấu giá thành công duy nhất 1 khu. Một số trường hợp đang chuẩn bị hoàn tất thủ tục để đưa ra đấu giá. “Nếu đấu giá thành công, thuận lợi, tất cả các khu đất này sẽ đưa về cho tỉnh tầm 150 đến 200 tỷ đồng. Ngược lại, nếu đấu giá kéo dài, lẻ tẻ, giá trị nguồn tiền về cho ngân sách hàng năm sẽ không đáng bao nhiêu”, ông Đông nhận định.

dat-dak-mil(1).jpg
Khu đất trụ sở Chi cục Thuế Đắk Mil cũ có vị trí đắc địa tại trung tâm thị trấn Đắk Mil đang bỏ không

“Điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế

Đất công không phát huy giá trị, đồng nghĩa với giá trị thặng dư sẽ không tăng. Đây chính là “điểm nghẽn” rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Số thu ngân sách Nhà nước hàng năm bao gồm: thu từ thuế, phí, thu sử dụng đất và thu các biện pháp tài chính khác.

Nguồn thu thuế, phí, lệ phí chủ yếu dành cho công tác chi thường xuyên. Nguồn thu từ lĩnh vực đất đai sẽ dành phần lớn cho tái đầu tư cơ sở hạ tầng, đô thị… Như vậy, nếu tài nguyên đất lãng phí, số thu từ đất thấp đồng nghĩa với nguồn chi cho lĩnh vực đầu tư phát triển sẽ gặp khó.

Phó Chủ tịch UBND TP. Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh cho rằng, đất là tài sản giá trị lớn. Khi nguồn đất phát huy hiệu quả nghĩa là đấu giá thành công, tìm được nhà đầu tư có năng lực. Từ đây, tỉnh thu được tiền từ thuê đất. Về phía các doanh nghiệp sẽ hình thành các dự án, sản phẩm. Nhiều dịch vụ khác sẽ được kích cầu. “Nếu tài sản đất đai không phát huy giá trị thì cũng chỉ là miếng đất nằm đó mà thôi”, ông Tịnh nêu quan điểm.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là đất công tại Đắk Nông, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh nhận định, diện tích đất đai Đắk Nông rất lớn, nhất là đất công. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng này của tỉnh còn hạn chế. “Nếu như không chú trọng, quản lý kém trong vấn đề khai thác nguồn lực đất đai thì sẽ gặp khó trong phương thức huy động vốn. Một khi huy động vốn gặp khó, tỉnh nhà lấy nguồn lực ở đâu để tái đầu tư”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân chỉ ra.

ngan(1).png

Đơn cử như Khu công nghiệp Tâm Thắng. Theo tìm hiểu, chỉ có vài năm trở lại đây, khu công nghiệp mới có nhiều nhà đầu tư vào đặt vấn đề. Còn hầu như trước đó, không có nhà đầu tư nào nhòm ngó nên tỷ lệ lấp đầy diện tích không cao. Vì ít nhà đầu tư nên khu công nghiệp chưa có sự lựa chọn nhà đầu tư hiệu quả. Thực tế, vai trò quan trọng của khu công nghiệp là làm tăng giá trị thặng dư, đóng nộp ngân sách Nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Xét về các yếu tố này, Khu công nghiệp Tâm Thắng thực sự chưa làm được.

cum-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-thuan-an.jpg
Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thuận An, huyện Đắk Mil còn nhiều diện tích bỏ trống

Tương tự, Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Thuận An (Đắk Mil) đi vào hoạt động từ 2014 nhưng đến nay vẫn thiếu nhiều hạng mục cần thiết. Thiếu hệ thống hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt… Đến thời điểm này, tại đây đã có 17 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy dự án lên đến 96%. Tuy nhiên, giá trị từ cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mang lại cho tỉnh còn hạn chế.

(Còn nữa)

Nội dung, ảnh: Nguyễn Lương

Thiết kế, đồ họa: Hoài Anh

Nguyễn Lương