“Ngân hàng bò sinh sản” ở Cư Pui
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 20:13, 27/09/2023
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm (giữa) thăm mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Thào Sè Lúa ở thôn Ea Uôl. |
Từng là người lãnh đạo cao nhất của xã, đồng chí Nguyễn Văn Tâm luôn phát huy tinh thần nêu gương của người đứng đầu, gần gũi và sâu sát, hết lòng chăm lo cuộc sống nhân dân.
Tôi đã nhiều lần về công tác ở xã Cư Pui, nhưng mỗi lần về với xã vùng sâu này đều được chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từ diện mạo nông thôn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Theo người dân địa phương, để có sự đổi thay lớn này, có công sức đóng góp không nhỏ của đồng chí Nguyễn Văn Tâm.
Lúc còn công tác ở xã, khác với nhiều người khi tan sở là về với gia đình hoặc đi giao lưu, chơi thể thao…, đồng chí Nguyễn Văn Tâm dành khoảng thời gian này và những ngày nghỉ cuối tuần đi xe máy khắp các thôn, buôn, trong đó có những thôn đồng bào H’Mông di cư tự do vào sinh sống như Ea Rớt, Ea Uôl, cách trung tâm xã đến vài chục ki-lô-mét, giao thông đi lại hết sức khó khăn.
Có lúc đồng chí đến thăm, kiểm tra các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; lúc thì khảo sát hoàn cảnh khó khăn về nhà ở hay tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, đặc biệt là việc học hành của con em đồng bào.
Nhờ vậy, những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, nhà ở dột nát, trường học thiếu bàn ghế, thiết bị dạy học… đều được Bí thư Tâm nắm rõ.
Chính việc bám sát cơ sở đã giúp đồng chí Tâm cùng tập thể Đảng ủy xã có những quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội địa phương; đồng thời có nhiều cách làm hay, sáng tạo, cụ thể, thiết thực giúp bà con vươn lên ổn định cuộc sống.
Bản thân đồng chí Tâm đã vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng hàng chục căn nhà cho các gia đình khó khăn và xây dựng “Ngân hàng bò sinh sản” để hỗ trợ sinh kế cho người nghèo...
Trên đường dẫn tôi đi thăm thôn Ea Uôl, một trong hai thôn xa nhất và khó khăn nhất của xã Cư Pui, đồng chí Tâm chia sẻ, Cư Pui là xã vùng III của huyện Krông Bông, với dân số trên 14.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%.
Là xã vùng căn cứ cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, trình độ, nhận thức của nhân dân còn hạn chế và nhiều yếu tố khác như đông con, thiếu vốn sản xuất… nên đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
“Cảm thông với cuộc sống khó khăn của bà con, ngoài sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, bản thân tôi đã kêu gọi, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức thiện nguyện mỗi năm hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng được 8-10 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở”, đồng chí Tâm cho biết.
Đáng chú ý, lúc làm Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Tâm còn kêu gọi, vận động xây dựng được một “Ngân hàng bò sinh sản”, nguồn tư liệu sản xuất quý giá tiếp sức cho người nghèo.
Từ gợi ý của một nhà hảo tâm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, vào năm 2017, “Ngân hàng bò sinh sản” của Bí thư Tâm được triển khai tại thôn Ea Rớt. Mô hình này hoạt động theo hình thức nuôi luân phiên, khi bò sinh sản được 5 tháng, hộ nhận chăm sóc sẽ được giữ lại bê con và chuyển bò mẹ cho gia đình nghèo khác nuôi. Những hộ nghèo trong cùng một dòng tộc được ưu tiên nuôi bò luân phiên trước.
Để triển khai mô hình hiệu quả, đồng chí Tâm đã lập ra ban điều hành. Theo định kỳ, ban này sẽ cử người xuống kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò.
Đến nay, “Ngân hàng bò sinh sản” đã giúp đỡ hộ nghèo phát triển lên hơn 100 con, trong đó có hơn 40 bò mẹ do các nhà hảo tâm hỗ trợ.
“Ngân hàng bò sinh sản” lúc đầu được triển khai ở thôn Ea Rớt, đến nay được nhân rộng sang thôn Ea Uôl là hai thôn khó khăn nhất của xã Cư Pui. Gia đình anh Thào Sè Lúa ở thôn Ea Uôl có đến 8 người, nhưng nương rẫy ít, dù làm đủ mọi việc vẫn đói ăn, thiếu mặc. Năm 2021, gia đình anh được nhận nuôi luân phiên bò mẹ từ “Ngân hàng bò sinh sản”.
Sau hơn 2 năm chăm sóc, nay đã được một bê cái gần một năm tuổi mập mạp, trị giá gần 15 triệu đồng. Anh Thào Sè Lúa phấn khởi cho biết “Khi được nhận nuôi bò luân phiên của Bí thư Tâm, mình mừng lắm! Nay bò mẹ đã sinh bê cái, gia đình mình sẽ giữ lại làm giống để nhân đàn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở hay trao bò sinh sản không chỉ tạo được niềm tin, động lực cho bà con phát triển kinh tế, mà tấm gương sáng của Bí thư Tâm đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của người dân ở Cư Pui. Từ đó, nhiều người nỗ lực, phấn đấu xin đứng vào hàng ngũ của đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tâm tâm sự: “Là xã vùng III có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào H’Mông nên một thời gian dài trước đây, nhiều thôn, buôn chưa có chi bộ, đảng viên. Nhưng chỉ sau một nhiệm kỳ tôi làm Bí thư Đảng ủy xã, tất cả các thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Pui đều có chi bộ và hằng năm Đảng ủy xã đều kết nạp đảng viên mới vượt chỉ tiêu được giao, được cấp trên khen thưởng”.
Bước vào giai đoạn phát triển mới của huyện Krông Bông, mới đây đồng chí Nguyễn Văn Tâm được Huyện ủy Krông Bông điều động, luân chuyển ra huyện và bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường.
Về đơn vị mới, dù công việc rất nhiều nhưng trong những ngày nghỉ cuối tuần về với gia đình ở Cư Pui, đồng chí Nguyễn Văn Tâm vẫn lặn lội xuống cơ sở thăm hỏi, động viên bà con. Đồng thời, vẫn tiếp tục điều hành “Ngân hàng bò sinh sản” và kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ xóa nhà ở tạm bợ, dột nát, giúp cho bà con vững tin vươn lên trong cuộc sống, chung tay xây dựng xã căn cứ cách mạng Cư Pui ngày càng giàu đẹp.