Bangkok chú trọng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại chung cư
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:38, 28/09/2023
Là đô thị sầm uất và đông đúc bậc nhất của Thái Lan, không có gì ngạc nhiên khi thủ đô Bangkok là “điểm đến” của rất nhiều người để học tập, làm việc và kiếm sống.
Bên cạnh những toà chung cư cao tầng và hiện đại đang mọc lên ngày càng nhiều làm nên diện mạo mới của thành phố, thì tại rất nhiều khu dân cư bình dân vẫn hiện diện các chung cư mini hay khu căn hộ cho thuê để đáp ứng nhu cầu lưu trú của những người trẻ tuổi, người ngoại tỉnh học tập và làm việc tại Bangkok.
Công tác đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy tại các chung cư mini này cũng luôn được chính quyền thủ đô Bangkok quan tâm.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, quy định đầu tiên về hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà mới ở Thái Lan được thông qua vào năm 1992, trong đó chỉ yêu cầu các tòa nhà lớn cao tầng phải lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy ở mức tối thiểu. Các quy định cấp bộ tiếp theo vào các năm 1994, 1997, 2000 và 2005 ngày càng cụ thể, chi tiết với nhiều điều kiện nghiêm ngặt hơn về phòng cháy chữa cháy.
Quy định năm 1997 yêu cầu tất cả các tòa nhà, bất kể năm xây dựng, phải được trang bị tối thiểu 6 hệ thống phòng cháy chữa cháy, bao gồm: lối thoát hiểm bằng cầu thang khẩn cấp đối với mọi toà nhà cao trên 4 tầng, hệ thống báo cháy, đèn và biển báo chỉ dẫn lối thoát hiểm khi cháy, bình cứu hoả cầm tay, sơ đồ mặt bằng rõ ràng thể hiện lối thoát hiểm khi cháy và vị trí bình chữa cháy, hệ thống bảo vệ chiếu sáng. Quy định này cũng được áp dụng với các toà căn hộ cho thuê để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.
Anh Sarun Wannapanit, chủ sở hữu khu căn hộ cho thuê Metro Place ở quận Din Daeng, Bangkok, cho biết khu nhà của anh được xây dựng và cho thuê khoảng hơn 10 năm nay. Tuỳ thuộc chiều rộng của đường vào (trong trường hợp nhà anh là đường ngõ có bề rộng dưới 10 mét) mà khu nhà được yêu cầu xây cao không quá 15 mét, tương đương 5 đến 6 tầng.
Theo chân Sarun, chúng tôi nhận thấy mặc dù toà căn hộ chỉ có 6 tầng, mỗi tầng 10 phòng, song có 2 cầu thang bộ và 1 thang máy. Cầu thang bộ chính có chiều rộng 1,2 mét trong khi cầu thang bộ thoát hiểm được bố trí ở cuối hành lang, có bề rộng 90 cm và có các ô cửa kính cỡ lớn chạy dọc từ tầng thượng xuống, thông ra mặt đường và có thể mở ra dễ dàng để thoát hiểm.
Mỗi tầng trong toà nhà đều đặt bình cứu hoả ở vị trí gần thang bộ chính, cùng hệ thống đèn và chuông báo cháy. Theo anh Sarun, các bình chữa cháy được kiểm tra định kỳ theo lịch của công ty cung cấp, thường là 2-3 năm/lần bởi bột chữa cháy bên trong bình cứu hoả có thời hạn và chúng cần được thay.
Bên cạnh đó, anh Sarun cũng cho hay do diện tích mỗi căn phòng cho thuê nhỏ, chỉ 18 m2, nên trong phòng không có bếp. Điều này cũng góp phần giảm bớt nguy cơ cháy trong phòng. Trên thực tế, phòng không có bếp được nhiều người thuê trọ ở Bangkok ưa thích bởi giá thuê rẻ hơn, trong khi do bận rộn công việc, họ cũng không có thời gian nấu nướng mà có thể mua đồ ăn sẵn vốn rất phổ biến.
Anh Phi, một người thuê nhà ở đây cho biết anh cảm thấy an toàn bởi vì trong phòng trọ không có bếp nấu lớn như bếp gas mà chỉ có thiết bị điện nhỏ như ấm đun nước. Ngoài ra, tầng nào cũng có chuông báo cháy và bình cứu hoả nên anh có cảm giác yên tâm, không lo lắng về nguy cơ cháy.
Ngoài ra, người thuê cũng được yêu cầu không hút thuốc lá trong căn hộ để phòng cháy, song họ có thể hút thuốc ngoài hiên nhà. Toà nhà cũng lắp đặt camera ở các tầng và khu vực để xe để nhân viên bảo vệ toà nhà có thể theo dõi an ninh và an toàn cháy nổ.
Toà nhà dành toàn bộ mặt trước để khách thuê để xe máy trong khi garage bên cạnh được dành cho khách thuê đỗ ô tô. Khu để xe máy có mái che nhưng 2 đầu đều để mở thông ra đường. Khi được hỏi về khu vực dành riêng cho xe điện, Sarun xác nhận khu nhà của anh hiện chưa có chỗ dành cho phương tiện này bởi xe điện còn khá mới mẻ ở Bangkok.
Thực tế là khu nhà trọ của Sarun không có bất kỳ khách thuê nào sử dụng xe điện. Anh khẳng định trong tương lai, khi xe điện trở nên phổ biến hơn và nhiều người sử dụng hơn thì toà nhà cũng sẽ bố trí một khu vực dành cho loại phương tiện này.
Hồi mùa Hè vừa qua, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) đã tiến hành tổng kiểm tra các bình cứu hỏa trên khắp thủ đô để đảm bảo an toàn công cộng. Trong đợt kiểm tra đó, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10.000 bình cứu hỏa cần được thay thế khẩn cấp.
Phó Thống đốc Bangkok - bà Tavida Kamolvej - cho biết sẽ tốn 16,5 triệu baht để thay thế các thiết bị. Sau khi được thay thế, mỗi bình cứu hỏa sẽ được gắn mã QR riêng, có thể được sử dụng để xác định thông tin về thời điểm kiểm tra gần nhất.
BMA cũng chuẩn bị ngân sách để mua 30.000 bình cứu hỏa thay thế những sản phẩm đang được sử dụng tại 2.000 khu dân cư trên 50 quận của thành phố trong năm tới. Bên cạnh đó, chính quyền đã yêu cầu lãnh đạo các quận tiến hành kiểm tra bình cứu hỏa định kỳ 2 năm/lần để phát hiện rỉ sét, rò rỉ và các dấu hiệu hư hỏng khác nhằm đảm bảo hoạt động tốt và có thể được sử dụng hiệu quả trong trường hợp xảy ra cháy./.