Tổng thống Nga Putin yêu cầu nhanh chóng hạ nhiệt giá xăng dầu

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:11, 28/09/2023

Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị các cơ quan hữu quan của nước này phản ứng nhanh hơn trước xu hướng giá xăng và dầu diesel tăng cao.

Tong thong Nga Putin yeu cau nhanh chong ha nhiet gia xang dau hinh anh 1Một trạm bán xăng dầu ở Moskva, Nga. (Nguồn: Reuters)

Tại cuộc họp ngày 27/9 với các thành viên Chính phủ Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ thị các cơ quan hữu quan của nước này phản ứng nhanh hơn trước xu hướng giá xăng và dầu diesel tăng cao.

Tổng thống Putin lưu ý giá xăng dầu bắt đầu tăng sau khi Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, biện pháp này, như Bộ Năng lượng Nga tuyên bố, nhằm mục đích tăng nguồn cung xăng dầu trong nước để giảm giá. 

Ông bày tỏ: “Ngày 21/9, chúng ta đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu. Có vẻ như thị trường xuất hiện tình trạng sụt giảm và ngày hôm qua (26/9), giá bán lẻ 1 lít xăng AI-92 (là) 51,6 ruble (khoảng 0,53 USD), trong khi đến ngày 21/9 là 49,7 ruble (khoảng 0,51 USD) - tức là giá bán lẻ đang tăng. Các biện pháp đã được thực hiện nhưng giá vẫn tăng.”

Theo Tổng thống Nga, giá dầu diesel tăng và các nhà sản xuất nông nghiệp buộc phải đi đến những vùng lân cận để mua vì “không có gì giảm giá đối với họ.”

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nga Aleksander Novak đã giải thích những biện pháp được áp dụng để kiềm chế tăng giá. Cụ thể là lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu.

Ông Novak cũng đề xuất Chính phủ Nga áp thuế bảo hộ đối với hoạt động xuất khẩu xăng dầu ở mức từ 20-50.000 ruble/tấn, đồng thời đưa ra lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu xăng dầu được mua trên thị trường mà không sản xuất.

Đáp lại, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Chúng ta biết tại sao tình trạng này lại xảy ra.” Ông cũng đề nghị hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp dầu mỏ để họ hiểu rõ trách nhiệm của mình.

Ngày 21/9, Chính phủ Nga đã ban hành các biện pháp hạn chế tạm thời đối với hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia.

Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với 4 quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, cũng như Abkhazia và Nam Ossetia.

Lệnh cấm được áp dụng trong bối cảnh giá xăng dầu bán buôn ở Nga tăng gần như liên tục, bắt đầu từ tháng 5, sau khi Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov công bố kế hoạch giảm một nửa số tiền bồi hoàn cho các công ty dầu mỏ vì đã kiềm chế giá xăng dầu trên thị trường nội địa từ mức 60 tỷ ruble xuống còn 30 tỷ ruble mỗi tháng./.

Duy Trinh (TTXVN/Vietnam+)