Tòa án Hàn Quốc bỏ luật chống phát truyền đơn sang Triều Tiên
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:10, 27/09/2023
Trạm gác của quân đội Triều Tiên (phía trên) và Hàn Quốc (phía dưới) được nhìn từ khu vực biên giới liên Triều ở thành phố Paju (Hàn Quốc) ngày 27/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 26/9, sau gần 3 năm cân nhắc về vụ việc, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng Luật Cấm Gửi Truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới liên Triều là vi hiến.
Cơ quan tư pháp độc lập của Hàn Quốc đã đứng về phía các nhà hoạt động nhân quyền kêu gọi bãi bỏ luật này vì lý do tự do ngôn luận.
Tòa án cho biết Luật Cấm Gửi Truyền đơn vi phạm quyền tự do ngôn luận theo hiến pháp, với 7 trong số 9 thẩm phán phán quyết rằng luật này vi hiến.
Tòa án khẳng định: “Việc hạn chế nội dung biểu đạt chỉ được phép khi về nguyên tắc, việc làm đó là không thể tránh khỏi vì (bảo vệ) lợi ích công cộng đáng kể” và “cần áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt khi hạn chế các biểu hiện chính trị dựa trên lập trường, hệ tư tưởng hoặc quan điểm nhất định.”
Tòa án cho biết thêm theo quy định của Luật Cấm Gửi Truyền đơn, những người vi phạm có thể phải đối mặt với án tù 3 năm hoặc mức phạt tối đa 30 triệu won (23.000 USD), thể hiện quyền trừng phạt quá mức của nhà nước vì nó sẽ trừng phạt ngay cả những nỗ lực thực hiện các hoạt động như vậy.
Tòa án cũng nói rằng những người vận động phát tờ rơi không nên gánh trách nhiệm liên quan đến sự an toàn của công chúng vì chính quyền Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc đó.
Phán quyết này phù hợp với phán quyết của Tòa án Tối cao. Nó đã đảo ngược quyết định của tòa án cấp dưới nhằm biện minh cho động thái của Bộ Thống nhất nhằm thu hồi giấy phép của một nhóm nhân quyền vì những lo ngại về an ninh xung quanh chiến dịch gửi bóng bay chứa đầy truyền đơn chống chế độ tới Bắc Triều Tiên.
Sau hai hội nghị thượng đỉnh không có kết quả với Mỹ, Kim Yo-jong, người đứng đầu hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên và là em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vào tháng 6/2020 đã đe dọa hủy bỏ hiệp định hòa bình với Seoul vì các hoạt động rải truyền đơn từ Hàn Quốc vào Triều Tiên.
Vào cuối năm đó, nhằm đáp ứng yêu cầu của phía Triều Tiên, các nhà lập pháp của đảng DP cầm quyền lúc bấy giờ đã đơn phương phê chuẩn dự luật tại Quốc hội, nơi họ chiếm đa số, tuyên bố rằng việc gửi những tờ rơi như vậy vào Triều Tiên sẽ gây rủi ro cho sự an toàn của người dân sống gần biên giới./.