Bí mật của Tà Đùng
Chưa thấy ai kỳ cục giống Tà Đùng. Lần đầu tiên trình diện, vừa cất tiếng gọi “Tà Đùng ơi” thì bỗng đâu ào tới một cơn mưa. Giám đốc Vườn Quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long nói với tôi: “Đại ngàn chào em đấy. Ở đây đôi khi rừng vẫn có cách chào hỏi rất riêng”.
Tôi xoay một vòng 360 độ nhìn tám hướng bốn phương. Tà Đùng hùng vĩ mà gần gũi quá. 21 nghìn hecta bao gồm cả núi, cao nguyên, bình địa và lòng hồ, nước mặt… Có cảm giác con người đang lọt thỏm trong vòng tay giăng giăng vây kín của màu xanh. Một không gian bao la xanh thẫm như bức tranh thủy mặc người họa sĩ nhỡ tay đánh đổ lọ mực màu xanh vào toan vẽ một cách có ý đồ. K,tang - “kiểm lâm viên” không sắc phục kiêm ca sĩ người dân tộc Mạ đi cùng Long khoát tay chỉ về phía những cánh rừng xa xa. Anh quả quyết, Tà Đùng là vùng đất ngự trị của thần linh. “Kia, màu xanh phủ trên các dải núi là chiếc khăn của chàng trai, còn màu xanh mềm mại hơn nơi 5 nghìn hecta mặt nước lòng hồ là chiếc khăn của người con gái. Họ là hai vị thần được mẹ thiên nhiên ban cho Tà Đùng để rừng không cô độc, rừng mãi mãi sinh sôi”.
Không ngờ bài học vỡ lòng về Tà Đùng lại đột ngột bắt đầu bằng những câu chuyện kích thích trí tò mò bởi cách kể hồn nhiên của K,tang và nụ cười có phần “bí hiểm” của Long, nó khác với những gì tôi tưởng tượng ra trước đó. Chưa biết đâu là thực là hư, nhưng nếu xét “tiểu sử” Tà Đùng thì thực ra hai con người trong trí tưởng tượng của K,tang đã từng lạc nhau rất lâu. Lúc mà nơi đây chỉ mỗi núi với cây rừng và muông thú, còn lòng chảo như các tiểu thung lũng vẫn trơ đáy và chiếc thuyền duyên phận vẫn loay hoay đâu đó thì lời thề hẹn vẫn treo mãi trên đỉnh B’nâm Tào Dung. Treo mãi, đêm đêm thần Gió đi qua, đêm đêm thần Muối đi qua, không ai giúp chàng trai tìm được người con gái. Chỉ đến khi con người nghĩ ra cách ngăn dòng để nước ngập lòng hồ thì mối lương duyên mới vẹn thành.
Trong cuộc đời của mình, tôi đã nghiệm ra ở đâu có sự “môi giới” của thiên nhiên, ở đó, khoảng cách giữa con người nhanh chóng xóa nhòa. Như giữa chúng tôi ở Tà Đùng cũng có thể được xem như vậy. Sau cái buổi chiều đầu tiên trôi qua rất nhanh, đêm đó, những con người từ các vùng rừng, hạt kiểm lâm, trạm, chốt… trở về để chuẩn bị cho Lễ Chào cờ sáng thứ Hai trong tuần đầu tiên của tháng đã tụ tập quây quần bên nhau. Bữa cơm có thịt lợn nuôi, cá hồ và rau rừng. Nếu ai đó muốn vào làm khách Vườn Quốc gia Tà Đùng để thưởng thức đặc sản của rừng thì có chăng chỉ có thể là lá bép - thứ lá ưa mọc ở những vùng rừng ẩm ướt. Bằng không, những thứ như chim muông, thịt thú rừng là… tuyệt đối không. Nếu lời này chỉ có riêng tôi và Long, tôi cho rằng có thể anh nói để làm màu. Nhưng trước rất đông cán bộ, nhân viên, kiểm lâm viên, đó chắc chắn là sự thật. Sự thật đôi khi vẫn được kiểm chứng bằng cách rất giản đơn.
Chúng tôi ngồi bên nhau từ chiều muộn tới đêm khuya. Xen trong những câu chuyện đời chuyện nghề là tiếng hát. Tiếng hát trong đêm tĩnh mịch lan lan trên mặt hồ, vọng vào rừng thẳm. Núi khe khẽ trở mình. Bầy thú đi ăn đêm dừng lại hểnh tai nghe ngóng. Và trong hơi nước trĩu trịt, có tiếng gì đó rất mỏng xe vào không gian, như một cánh lá rơi nghiêng.
Chẳng ai bảo ai, sáng ra, những bước chân tự dưng rủ nhau đi về nơi đêm qua phát ra tiếng động mơ hồ. Cái gì kia? Trên đám lá thông ẩm mục hoai hoải, một chiếc lông chim đại diện cho chủ nhân, kiêu hãnh điểm danh trong im lặng. Một chiếc lông chim dài cỡ gang tay, cuối dải đen nhánh mượt như nhung là một vệt màu trắng. Chiếc lông chim được các anh sốt sắng chuyền tay nhau ngắm nghía. Lạ quá, chỉ một chiếc lông chim rụng xuống mà cả cánh rừng bỗng xôn xao: “Hồng Hoàng về! Hồng Hoàng về! Hồng Hoàng trở lại Tà Đùng!”. Loài chim đại diện khắt khe cho sự an toàn, chỉ báo của tầng rừng cao và cây lâu năm biết mình là niềm mong nhớ nhưng lại không thích ồn ào nên đêm qua đã âm thầm rứt một chiếc lông thả xuống để báo với con người rằng nó đã trở về. Bên chiếc lông chim thấm đẫm mùi vị rừng già, một cánh nấm mối non cũng vừa mới mọc lên.
Cha ông xưa có câu “đất lành chim đậu”. Không chỉ với loài chim mà đất lành đều khiến giống loài muốn đậu lại, tìm về. Quả nhiên, 760 loài nấm có mặt ở đây vừa chào đón 2 thành viên nấm chưa từng xuất hiện bất cứ nơi đâu trên thế giới. Và 19 loài cũng vừa mới được bổ sung vào Danh lục Tà Đùng. Đây là kết quả từ chương trình nghiên cứu thực địa Tà Đùng của các nhà khoa học Liên bang Nga mà Phan Văn Sự - cán bộ phụ trách Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế vui mừng tiết lộ với tôi. Những số liệu nghiên cứu này đồng nghĩa với thách thức bảo tồn, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội đột phá đối với phát triển tiềm năng từ rừng thông qua triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học; cũng như tạo lập và thúc đẩy thị trường trao đổi các-bon giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực trong tương lai.
“Nếu phát huy được các giá trị này thì bài toán về phát triển xanh, phát triển bền vững đã tìm ra lời giải; hóa giải mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn các giá trị tài nguyên, thiên nhiên. Đã đến lúc rừng được trả về đúng vị trí của mình”. Long nói điều này bằng nét rạng rỡ nhất kể từ khi tôi tiếp xúc với anh.
Khương Thanh Long - người đã xem rừng là một phần đời không thể thiếu của mình với ngót 30 năm gắn bó chưa quên được mươi năm về trước, khi những cánh rừng bị xâm phạm không thương tiếc, anh cảm thấy đớn đau như ai đó đang cầm dao lóc nham nhở vào da thịt của chính mình. Vậy nên sau thành công ban đầu của hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng thì phát triển kinh tế thông qua trao đổi tín chỉ các bon thu được từ rừng là bài toán mà anh mong đợi nhất. Nếu đúng như những gì đặt ra, điều này không chỉ đáp ứng một phần thu nhập nâng cao đời sống cho nhân viên mà còn tăng hiệu quả giữ rừng. Khi giá trị kinh tế thu được càng lớn sẽ đồng nghĩa với việc rừng càng được giữ gìn phát triển. Và khi đó, những kiểm lâm viên, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của anh không chỉ được hưởng không khí trong lành từ rừng mà còn được thụ hưởng thành quả kinh tế do rừng mang lại.
Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn giờ đây, lòng anh vẫn chưa trút được ưu tư. 21 nghìn hecta rừng trong mươi năm trở lại đây, nhất là 5 năm gần nhất chưa hề có một vụ cháy hay đốn chặt gỗ quý xảy ra. Cũng tức là đồng nghiệp của anh, những cán bộ nhân viên của Vườn Quốc gia trong từng ấy năm căng mình để giữ rừng. Họ cũng như anh, có nhiều cái Tết xa nhà, nhiều năm đón giao thừa trong chốt, trạm… và nhiều ngày Lễ “du lịch” tại nơi làm việc trong khi đời sống, thu nhập còn rất đỗi thiếu thốn, khó khăn. “Chứng kiến nỗi vất vả thiệt thòi của anh em thì đến đá cũng phải mủi lòng chứ không phải con người. Thế nhưng trước nhiều cám dỗ mà anh em vẫn chấp nhận khó khăn gian khổ để chung thủy với rừng thì đây là điều quý giá không lời nào nói hết. Nếu không có sự chung lòng, chung chí hướng, làm sao có vùng rừng cấm và những loài gỗ quý được bảo vệ nghiêm ngặt đến hôm nay, làm sao có thêm 19 loài bổ sung vào danh lục, làm sao có 2 loài nấm lần đầu tiên được tìm thấy ở đây, và làm sao em được biết dù đang là nghi hoặc nhưng có khả năng Hồng Hoàng đã trở về”.
Anh nói một thôi trong xúc động. Tôi nhìn thấy một Long khác thẳm sâu bên trong Giám đốc Khương Thanh Long - người nổi tiếng “nguyên tắc” đang nắm giữ chiếc chìa khóa kho báu Tà Đùng và rất nhiều bí mật, bí quyết giữ rừng, nhất là bí quyết bảo vệ cây quý, vùng rừng cấm theo phương cách “gia truyền”. Trong câu chuyện, dù có thân quý đến bao nhiêu thì Long vẫn không tiết lộ những gì thuộc về bí mật giữ rừng mà chỉ có anh và những người thực hiện bí quyết ấy được phép biết. Tôi hiểu và càng thêm trân trọng bởi tôi đâu phải là một phần ruột thịt của Tà Đùng.
Tôi như chim sẻ chim sâu được người mang vào thưởng thức đại ngàn rồi vội vã bay ra. Rất nhiều người cũng như tôi, đến rồi đi. Chỉ có những người giữ rừng thủy chung ở lại. Tôi không cố gắng đi tìm bí quyết nhà nghề của Long. Và nếu ai đó hỏi tôi ước gì sau chuyến công tác Tà Đùng, tôi cũng sẽ không ước đọc được những gì mà các anh không nói. Bởi với tôi, đó là thể hiện sự tôn trọng những người giữ rừng; nhưng với các anh, đó còn là lời thề thiêng liêng với rừng mà bằng bất cứ giá nào cũng không thể đánh đổi, xâm phạm được!