Áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông
Chiều 24/9, vùng áp thấp ở phía đông nam quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, khả năng đi vào khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 9, biển động mạnh.
Do hình thành gần bờ, không được tiếp thêm năng lượng nên áp thấp nhiệt đới ít khả năng mạnh thành bão. Tuy nhiên, hình thái thời tiết này sẽ khiến vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh từ chiều 25/9.
Đến đêm cùng ngày, khi áp thấp nhiệt đới áp sát đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía bắc của Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.
Từ ngày 25 đến 27/9, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to. Cụ thể Bắc và Trung Trung Bộ mưa phổ biến 100-300 mm, có nơi trên 350 mm mỗi đợt. Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa 100-150 mm, có nơi trên 200 mm mỗi đợt.
Chiều tối nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, quản lý, kiểm đếm phương tiện ra khơi, thông báo chủ tàu thuyền hướng đi của áp thấp nhiệt đới để thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Các tỉnh thành Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Do ảnh hưởng của El Nino, Việt Nam năm nay được dự báo ít chịu ảnh hưởng của bão so với mọi năm. Từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, Biển Đông có khả năng xuất hiện 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.