Tương lai đầy hứa hẹn của quan hệ hợp tác Việt Nam-Brazil

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:03, 24/09/2023

Việt Nam tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị và quan hệ đối tác toàn diện với Brazil, hy vọng trong tương lai không xa sẽ là cầu nối giữa Brazil với ASEAN.

Tuong lai day hua hen cua quan he hop tac Viet Nam-Brazil hinh anh 1Bài viết Việt Nam-Brazil: 34 năm hợp tác và tương lai đầy hứa hẹn, đăng ngày 22/9 trên trang mạng reporteasia.com. (Ảnh: Mai Phương/TTXVN)

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, trong 34 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Brazil không ngừng phát triển tích cực, xây dựng lòng tin chính trị và hiểu biết lẫn nhau. Sự tin tưởng chính trị, những kết quả hữu hình của mối quan hệ hợp tác trong hơn 3 thập kỷ và tiềm năng của cả hai nước là nền tảng cho quan hệ đối tác toàn diện ngày càng được củng cố và phát triển trong tương lai không xa. Đây là đánh giá của tác giả Ricky Lau về những dấu mốc trong mối quan hệ Việt Nam-Brazil.

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn bài viết của tác giả trên được đăng tải ngày 22/9 trên trang mạng reporteasia.com cho biết Việt Nam và Brazil đã duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài và ổn định kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. 

Kể từ đó đến nay, hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi đoàn cấp cao. Trong đó, nổi bật là chuyến thăm chính thức Brazil hồi tháng 5/2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và chuyến thăm của Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tới Việt Nam vào tháng 7/2008. Trong nhiều dịp gặp gỡ, lãnh đạo hai nước luôn khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.

Cuộc gặp gần đây nhất giữa Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản vào tháng 5/2023.

Mối quan hệ giữa Quốc hội và Nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước cũng ngày càng phát triển, góp phần mở rộng hợp tác song phương thông qua việc ký kết và thực hiện 16 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như khoa học công nghệ, vận tải biển, hàng không dân dụng, nông nghiệp, y tế, thương mại, du lịch, ngoại giao nhà nước, trao đổi và hợp tác văn hóa giữa hai khu vực.

Tương tự như vậy, hai nước đã thiết lập cơ chế ủy ban hỗn hợp và tiến hành tham vấn chính trị liên Bộ Ngoại giao, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm.

Việt Nam và Brazil duy trì phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Brazil ứng cử làm thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Brazil ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực cơ quan này giai đoạn 2020-2021.

Việt Nam là đối tác thương mại chính của Brazil ở Đông Nam Á và Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Đến năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn ở mức chưa đáng kể. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức như tình hình toàn cầu hay đại dịch COVID-19, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn không ngừng gia tăng.

Năm 2022, tổng giá trị thương mại song phương đạt kỷ lục 6,78 tỷ USD (trong đó giá trị hàng hóa Brazil xuất khẩu sang Việt Nam đạt 4,55 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,23 tỷ USD). Những con số này thể hiện mức tăng trưởng đáng kể và nổi bật trong thương mại song phương.

Theo tác giả, giao lưu văn hóa, giáo dục không ngừng được thúc đẩy giữa hai nước, với nhiều hình thức đa dạng từ biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh đến triển lãm ẩm thực, thu hút đông đảo khán giả. Brazil cử giáo viên dạy tiếng Bồ Đào Nha sang Việt Nam và người dân Việt Nam thể hiện sự ngưỡng mộ bóng đá Brazil, ăn mừng chiến thắng của quốc gia Nam Mỹ.

Về du lịch, cả Brazil và Việt Nam đều có cảnh quan đẹp, nền văn hóa truyền thống độc đáo, là những điểm đến hấp dẫn. Những năm gần đây, lượng du khách Brazil tới Việt Nam và du khách Việt Nam tới Brazil đang có xu hướng tăng.

Trong các cuộc trao đổi gần đây, lãnh đạo các cấp đã nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, tận dụng cơ chế Ủy ban hỗn hợp và cơ chế tham vấn chính trị, mở rộng đối thoại, kết nối giữa các bộ, ngành, công ty và khu vực của cả hai nước.

Tuong lai day hua hen cua quan he hop tac Viet Nam-Brazil hinh anh 2Đại biểu hai nước đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay Quốc tế São Paulo-Guarulhos. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lãnh đạo các cấp đã tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết và phối hợp nỗ lực thúc đẩy đàm phán trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, giáo dục, công nghệ, quốc phòng và nông nghiệp để ký kết các thỏa thuận phù hợp vào thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, hai bên tạo điều kiện và khuyến khích người dân và cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước tăng cường trao đổi và thiết lập quan hệ thương mại trực tiếp. Lãnh đạo hai nước duy trì hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà cả hai nước đều là thành viên, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.

Brazil cam kết tiếp tục ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam, quốc gia có vị trí chiến lược và tiềm năng to lớn ở Đông Nam Á. Về phần mình, Việt Nam tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa tình hữu nghị và quan hệ đối tác toàn diện với Brazil, hy vọng trong tương lai không xa sẽ là cầu nối giữa Brazil với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời mở rộng hợp tác trong các khuôn khổ Việt Nam-Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Brazil-ASEAN và ASEAN-MERCOSUR.

Chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong tháng 9 theo lời mời của Tổng thống Lula da Silva diễn ra vào thời điểm hai nước hướng tới kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ gặt hái được những tiến bộ thực chất, mở ra một chương mới đầy hứa hẹn trong quan hệ song phương.

Bài viết cho rằng thương mại hai chiều còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước thành viên MERCOSUR đang nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do MERCOSUR-Việt Nam.

Việt Nam và Brazil có rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam./. 

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)