Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp phát triển sâu rộng
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:46, 24/09/2023
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Pháp Nicolas Warnery. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Việt Nam và Cộng hòa Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược (25/9/2013-25/9/2023), phóng viên TTXVN tại Paris đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng về những thành quả của mối quan hệ này.
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Đại sứ đánh giá như thế nào về những thay đổi về lượng và chất trong mối quan hệ giữa hai nước kể từ khi nâng tầm lên Đối tác Chiến lược trong 10 năm qua? Đâu là những thế mạnh cần phát huy?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực, thể hiện qua các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ khi được thiết lập, Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Pháp đã nhanh chóng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, phát huy nền tảng hợp tác song phương phong phú, đồng thời có nhiều bước triển khai cụ thể, đa dạng trên các lĩnh vực.
Trước hết, mối quan hệ hữu nghị truyền thống với những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa và sự thân thiết, gắn bó, mối thiện cảm giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp tiếp tục được vun đắp và phát huy được tính lan tỏa sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân và các giới của hai nước.
Phong trào hội đoàn người Pháp đoàn kết và hữu nghị với nhân dân Việt Nam, phát triển trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay tiếp tục được nhân rộng.
Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với 4 kỳ Hội nghị Hợp tác Địa phương Việt-Pháp trong 10 năm qua là minh chứng cho sức sống của gắn kết hai bên.
Việt Nam và Pháp cũng ngày càng trở thành những đối tác đồng hành và tin cậy của nhau, thắt chặt những mối hợp tác đa dạng, đa lĩnh vực, đồng thời phát triển những mối hợp tác đó toàn diện hơn, với những gắn kết mới hiệu quả và thiết thực.
Tần suất các chuyến thăm, điện đàm cũng như tiếp xúc bên lề các hội nghị, sự kiện quốc tế giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong thời gian qua thể hiện quan hệ chính trị khăng khít.
Hai nước chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề an ninh và phát triển của khu vực và thế giới hiện nay, hợp tác chặt chẽ trên bình diện đa phương, tích cực hỗ trợ nhau trong đại dịch COVID-19 cũng như chống biến đổi khí hậu, cùng nhau thúc đẩy phát triển bền vững, giữ gìn hòa bình, ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương và các khu vực.
Trên bình diện song phương, hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định mới cũng đã được ký kết làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Các cơ chế trao đổi trên 4 lĩnh vực trụ cột của Đối tác Chiến lược là chính trị-ngoại giao; quốc phòng-an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, luật pháp và tư pháp được đẩy mạnh hơn và thực sự đang đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển tương lai.
Hai nước cũng đang có dự án hợp tác mới, không chỉ về thương mại, đầu tư mà còn về công nghệ, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường. Hợp tác hai nước cũng được đặt trong những mối hợp tác đang mở rộng giữa Pháp với ASEAN và giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).
- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế, tại các diễn đàn đa phương?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Quan hệ Việt Nam-Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Hệ thống đối tác hết sức phong phú và trải đều trên tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, từ bộ ngành đến doanh nghiệp, từ hội đoàn đến các thiết chế văn hóa-giáo dục.
Những kết quả tích cực đạt được và những nội hàm phong phú cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ thông qua quan hệ Đối tác Chiến lược đang là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình phát triển sâu rộng hơn.
Các chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đứng trước các thách thức vẫn đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
EU, một khuôn khổ hành động quan trọng của Pháp, cũng ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện cũng như các mối quan hệ đối tác tại đây. Trong khi đó, vị thế địa kinh tế, địa chính trị của Việt Nam đang được nâng cao. Việt Nam có chỗ đứng đáng kể trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á- Thái Bình Dương.
Chính sách hội nhập chủ động, tích cực và với các thành tựu phát triển, tiềm năng tăng trưởng, vị trí địa kinh tế rất hấp dẫn của Việt Nam tạo tiền để các mối quan hệ tiếp tục phát triển.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Nền kinh tế Việt Nam và Pháp đang phát triển theo những định hướng mới vẫn luôn có tính bổ sung cho nhau cao. Pháp tiếp tục triển khai nhiều công cụ hợp tác quan trọng với Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và phát triển, nhất là các hoạt động của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Chúng ta có cũng các mối kết nối mới với Pháp và khu vực như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Các cơ chế điều phối hợp tác song phương đang được hai bên quan tâm nâng cao hiệu quả hơn nữa để có thể định hướng và hỗ trợ các đối tác mở rộng hợp tác và thực hiện tốt các chương trình, dự án liên quan.
Hai nước cũng đang thúc đẩy nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú, đa dạng với hàng trăm thỏa thuận được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu.
Hợp tác y tế quy tụ 30 hội hợp tác y học Pháp-Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn với các trao đổi rất thường xuyên. Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ và tư pháp tiếp tục được đổi mới và phát huy, hướng tới các yêu cầu phát triển mới của hai nước tiếp theo nền tảng vững chắc của các chương trình, dự án quy mô trong các lĩnh vực này giữa hai nước.
- Thưa Đại sứ, trong năm nay, hai bên đã phối hợp với nhau như thế nào để tổ chức kỷ niệm sự kiện này tại hai nước?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: 5 thập kỷ quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác Chiến lược là những cột mốc lớn trong quan hệ hai nước, đánh dấu những giai đoạn và sự phát triển đáng tự hào của quan hệ Việt Nam-Pháp.
Để góp phần tạo dấu ấn cho những cột mốc này, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí các cơ quan chức năng phối hợp xây dựng và triển khai một chương trình hoạt động phong phú, phản ánh được sự trưởng thành và phát triển sâu đậm của mối quan hệ song phương, đồng thời cũng là dịp để trao đổi, đúc kết và đưa ra những ý tưởng mới, những dự án mới để quan hệ ngày càng thắt chặt và hiệu quả hơn, vừa hun đúc cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, vừa tạo được sức bật cho hợp tác song phương.
Hai bên đã và đang triển khai hàng loạt các hoạt động giao lưu, trao đổi trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Có các hoạt động văn hóa nghệ thuật; có các chuyến đi của lãnh đạo cấp cao, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đối tác hai bên; có các hội thảo, diễn đàn, bàn luận để nhìn lại chặng đường đã qua và hình dung chặng đường sắp tới của quan hệ hai nước.
Các kênh ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y dược... đều có những hoạt động tiêu biểu, đặc trưng.
Có thể nói đây thực sự là một đợt hoạt động sôi nổi và cần phải nhấn mạnh là chúng ta cũng đang chứng kiến sự hưởng ứng rất lớn của các đối tác và bạn bè Pháp đối với những hoạt động trong khuôn khổ năm kỷ niệm này. Điều đó tạo cho chúng ta sự tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Pháp trong tương lai.
- Theo Đại sứ, Việt Nam và Pháp cần làm gì để quan hệ song phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Hai nước cần tận dụng tốt các định hướng chiến lược và vị thế đang có. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong ASEAN và Đông Nam Á.
Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế, chia sẻ tầm nhìn chung về chủ nghĩa đa phương, cùng nỗ lực phấn đấu vì hoà bình và phát triển bền vững bao trùm.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy các biến động địa chính trị và khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, khu vực hiện nay đã và đang tác động không nhỏ đến nguồn lực và chính sách của cả hai nước, đòi hỏi sự chuyển dịch mạnh mẽ cùng các chiến lược thích ứng khác nhau đặt ra cho chuỗi cung ứng, cho phục hồi kinh tế đi đôi với đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng và phát triển.
Các đối tác hai bên cần nỗ lực và triển khai các biện pháp nhanh chóng để có những hướng đi đáp ứng được các yêu cầu mới đang đặt ra ngày càng khẩn trương hơn và đa dạng hơn.
Quan hệ kinh tế Việt Nam-Pháp cũng đã phát triển mạnh và có sự tương tác tích cực, song các kết quả thực sự chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cần tiếp tục được tận dụng như một đòn bẩy cho xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp. Cần tiếp tục nỗ lực để các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản... phát huy được các lợi thế của hiệp định này trên thị trường Pháp.
Chúng ta cũng cần triển khai nhiều biện pháp bài bản hơn để thu hút các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Pháp cũng cần được cổ vũ để hướng tới các chiến lược bài bản hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để phát huy được sự hiện diện tại thị trường Việt Nam và tranh thủ thị trường Việt Nam để vươn ra khu vực.
Tôi cũng mong có sự đóng góp tích cực của thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân hai nước hiện nay, những người đã tạo động lực cho quan hệ Việt Nam-Pháp trong thời gian qua.
- Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo?
Đại sứ Đinh Toàn Thắng: Có thể nói chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa hợp tác Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới trong những năm tới và những thập kỷ tới. Sự quyết tâm của lãnh đạo, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, sự tích cực của các đối tác trên mọi lĩnh vực đang cho chúng ta một niềm tin vào sự phát triển sâu rộng và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Pháp trong tương lai.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Mối quan hệ đó sẽ giúp cho cả hai nước tiếp tục xây dựng sức mạnh và chỗ đứng của mình trong một thế giới đang có nhiều biến động và rất cần các mối hợp tác tăng cường để cùng ứng phó với các thách thức chung về phát triển và ổn định.
Tăng cường hơn nữa trao đổi chính trị cấp cao và các cấp khác nhau là một định hướng rất quan trọng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại London (Anh).
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đã thăm Việt Nam và cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc Năm Việt Nam-Pháp.
Trong Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Pháp nhân chuyến thăm chính thức Pháp năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao và hợp tác sâu rộng nhằm hướng tới một giai đoạn đối tác mới trong các dự án liên quan đến công nghệ cao có tính chất chiến lược.
Trong điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 11/2022, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là năng lượng tái tạo. Có thể thấy đây là những lĩnh vực tiềm năng mà các bộ, ngành, doanh nghiệp và đối tác hai bên có thể trao đổi, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Những lĩnh vực tiềm năng hàng đầu trong hợp tác giữa Pháp và Việt Nam sẽ tiếp tục là những lĩnh vực hợp tác truyền thống, nhất là y tế. Pháp có hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe rất phát triển, bao gồm dược phẩm, thiết bị y tế hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giữa hai nước đã có một nền tảng hợp tác rất sâu rộng.
Pháp cũng là nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp cũng như là nước có vai trò, đóng góp lớn cho tài chính khí hậu. Chuyển đổi sinh thái, chống biến đổi khí hậu hiện cũng trở thành nội dung xuyên suốt mà Pháp nêu với Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Hiện nay Pháp dành ưu tiên cao cho Việt Nam trong hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sinh thái, bao gồm các lĩnh vực hợp tác mà Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, giao thông vận tải, hạ tầng bền vững, Công nghệ Xanh.
Các chuyến thăm và trao đổi lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đã làm rõ hơn những nhu cầu và tiềm năng hợp tác, tiếp tục thúc đẩy kết nối cho các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, dựa trên nền tảng hợp tác Việt Nam-Pháp đã có từ nhiều năm nay.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển du lịch giữa hai nước. Thế mạnh của quan hệ Việt Nam-Pháp là sự sâu rộng, nhưng hai bên cũng cần đầu tư cho các định hướng mũi nhọn.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.