Lũ lụt tại Libya: Chia rẽ, xung đột là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:43, 23/09/2023
Cảnh đổ nát sau trận ngập lụt do bão Daniel tại thành phố Derna, ngày 11/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khi cơn bão Daniel quét qua Địa Trung Hải về khu vực ven biển phía Đông Libya, các quan chức địa phương đã đưa ra nhiều cảnh báo khi chỉ vài ngày trước đó, bão đã gây ra lũ lụt ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria khiến hơn chục người thiệt mạng.
Nhưng ở Libya - quốc gia Bắc Phi đang bị chiến tranh và xung đột tàn phá, không ai chuẩn bị cho một thảm họa quy mô lớn sắp xảy ra.
Bão Daniel gây mưa lớn và gió mạnh khiến hai con đập đầu nguồn ở thành phố Derna bị vỡ. Nước tràn ra xối xả trong đêm, quét qua trung tâm thành phố ven biển với 100.000 dân và cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ra Địa Trung Hải, gây ra một thảm họa kinh hoàng.
Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) dẫn số liệu của tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Libya cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa này lên tới 11.300 người.
Tuy nhiên, người phát ngôn của OCHA nhấn mạnh khó xác định con số thương vong chính xác khi thành phố Derna vẫn ngổn ngang trong đống đổ nát và lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người mất tích. Đến nay, giấy chứng tử đã được cấp cho khoảng 4.000 người.
Thảm họa đặt ra thách thức to lớn cho bất kỳ quốc gia nào nhưng tại Liyba, tình trạng này còn tồi tệ hơn.
Các phe phái chính trị đối địch và được lực lượng dân quân hậu thuẫn đã chia rẽ đất nước thành hai miền Đông và Tây.
Giờ đây, họ phải chịu phần lớn trách nhiệm về thảm kịch đã xảy ra với những người dân Libya.
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng do thảm họa lũ lụt tại Derna, Libya, ngày 15/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ vỡ hai con đập cũ, trong tình trạng hư hỏng tại Derna nếu không được duy tu, sửa chữa đúng cách.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán Libya hai năm trước đã cảnh báo hai con đập này đã không được quan tâm mặc dù chính quyền đã nhận hơn 2 triệu USD để sửa chữa chúng trong năm 2012 và 2013.
Gần đây, vào tháng 11/2022, nghiên cứu do trường Đại học Libya công bố đã cảnh báo về khả năng tồn tại các vết nứt trong thân đập và “hậu quả thảm khốc” nếu đập bị vỡ.
Rất ít người ở Libya ngạc nhiên trước sự vô trách nhiệm này. Tình trạng hỗn loạn và xung đột đã tàn phá đất nước kể từ khi cựu Tổng thống Muammar Gaddafi bị giết vào năm 2011, khi một cuộc nổi dậy biến thành nội chiến.
Libya là quốc gia Trung Đông duy nhất mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp quân sự với lý do hỗ trợ cuộc nổi dậy chống lại chế độ chuyên quyền vào năm 2011.
Thay vì đem lại cuộc sống tốt hơn, Libya trở thành bài học về những thách thức trong việc xây dựng lại một quốc gia trong bối cảnh xuất hiện khoảng trống quyền lực.
Các quốc gia phương Tây tham gia vào hoạt động can thiệp quân sự của NATO tại Libya đã không quan tâm đến quá trình tái thiết tại quốc gia này.
Mỹ chủ yếu nhìn Libya qua lăng kính cuộc chiến chống khủng bố trong khi Pháp và Italy thường có những chương trình nghị sự khác biệt nhau.
Các chủ thể trong khu vực, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, ủng hộ những phe phái đối địch ở Libya để theo đuổi lợi ích riêng của họ.
Những nỗ lực do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm khuyến khích bầu cử và thiết lập một nền hành chính quốc gia thống nhất đã thất bại.
Một người đàn ông đau buồn khi ngôi nhà bị phá hủy sau thảm họa lũ lụt tại thành phố Derna, Libya, ngày 15/9/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Trong một thế giới lý tưởng, thảm kịch Derna sẽ đóng vai trò như lời cảnh tỉnh đối với giới tinh hoa cầm quyền ở Libya rằng đất nước này cần phải thay đổi hướng đi.
Nhưng trách nhiệm giải trình mà nhiều người dân Libya mong đợi rất khó thành hiện thực khi các phe phái chỉ muốn tranh giành nguồn tài nguyên của quốc gia giàu dầu mỏ này.
Sau thảm họa tại Derna, các chính phủ phương Tây cần phải tập trung vào việc thúc đẩy những nỗ lực ổn định Libya và gây áp lực buộc các phe phái chính trị tại đây sớm tiến hành bầu cử.
Việc cho phép tồn tại tình trạng bất ổn ở Libya không chỉ phản bội nguyện vọng của người dân nước này mà còn là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực Bắc Phi./.