Đời sống

Điểu Hoang lo chuyện "bao đồng" để người dân thoát nghèo

Thanh Hằng 23/09/2023 05:41

Gần 20 năm gắn với công tác của bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), anh Điểu Hoang gây ấn tượng bởi sự nhiệt tình của mình.

cover.jpg

Gần 20 năm gắn với công tác của bon Bù Sê Rê 1, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), anh Điểu Hoang gây ấn tượng bởi sự nhiệt tình của mình. Không chỉ vận động người dân đóng góp cả tỷ đồng để làm đường, trưởng bon Bù Sê Rê 1 còn đứng ra “chịu nợ” vật tư nông nghiệp để người nghèo trong bon có cơ hội vươn lên.

3.jpg

Trong căn nhà khang trang, mới được xây dựng cách đây chưa lâu, anh Điểu Hoang (SN 1985) dành một vị trí để trang trọng, treo những tấm bằng khen, giấy khen ghi tên mình.

Gần 20 năm tham gia công tác mặt trận bon, rồi trở thành Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bon, đối với anh Điểu Hoang, đó là những tài sản vô giá và là một niềm hãnh diện của bản thân, gia đình.

noi-dung-1(1).jpg
Những tấm bằng khen, giấy khen dành cho anh Điểu Hoang.

Năm 2005, anh Điểu Hoang làm Bí thư Chi đoàn bon Bù Sê Rê 1, vài năm sau anh được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng bon. Trong suốt thời gian đó, anh Hoang có cơ hội được cống hiến sức trẻ của mình để thay đổi diện mạo vùng đất nơi anh sinh sống và từng bước đưa bon Bù Sê Rê 1 thoát khỏi bon khó khăn.

Theo anh Điểu Hoang, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với nhiều nguồn vốn hỗ trợ, đời sống của người dân trong bon đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo hằng năm đều giảm. Toàn bon hiện có hơn 310 hộ, trong đó có 28 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo.

Tuy số hộ nghèo, cận nghèo giảm nhưng hiện vẫn còn một số hộ nghèo bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là người dân thiếu tư liệu và nông cụ sản xuất.

1.png

Nhận thức được vấn đề, anh Hoang đã đứng ra làm việc với một số hộ kinh doanh trên địa bàn để hộ nghèo trong bon được “mua chịu” máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Sau mỗi mùa thu hoạch, người dân sẽ có trách nhiệm phối hợp với anh Hoang để trả nợ đại lý.

Chia sẻ về câu chuyện đứng ra “chịu nợ” cho người dân, anh Hoang kể: “Có rất nhiều hộ dân muốn thoát nghèo nhưng không có tiền đầu tư làm ăn. Trong khi sự hỗ trợ của Nhà nước có hạn thì mình phải linh động, tìm cách giúp người dân trong bon thoát nghèo. Do đó, tôi đứng ra mua giúp người dân ống nước, máy cắt cỏ, phân bón… để bà con yên tâm sản xuất”.

7.png

Hiện nay, đã có hàng chục hộ dân được anh Điểu Hoang đứng ra hỗ trợ mua nông cụ sản xuất. Sau khi có máy móc, người dân đã cố gắng làm ăn, tích lũy tiền bạc để trả nợ cho đại lý. Đặc biệt, một số hộ khi mua được máy cắt cỏ còn tranh thủ thời gian đi làm thuê, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Anh Điểu Thuật, một trong những hộ dân được anh Điểu Hoang hỗ trợ mua máy móc kể, biết được hoàn cảnh của gia đình, trưởng bon đã hướng dẫn anh làm kinh tế, đầu tư máy móc để sản xuất hiệu quả hơn. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ ý nghĩa này mà gia đình anh đã ổn định đời sống, không còn cảnh chạy ăn từng bữa.

5-1-.jpg
Anh Điểu Thuật (bên trái), một trong những hộ dân được anh Điểu Hoang hỗ trợ mua máy móc.

“Mấy năm trước tôi không có tiền mua ống dẫn nước, mua máy bơm, Điểu Hoang đã đứng ra mua chịu giúp. Ngày nhận máy về, vợ chồng tôi hứa sẽ tập trung làm ăn. Cuối năm đó, chúng tôi trả được nợ cho đại lý, không làm mất uy tín của trưởng bon”, anh Thuật cho hay.

4.jpg

Từ nhiều năm nay, một số tuyến đường trong bon Bù Sê Rê 1 đã được nâng cấp, mở rộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Có được kết quả này, một phần nhờ công tác tuyên truyền, vận động của Chi bộ, Ban tự quản bon, nhất là trưởng bon Điểu Hoang.

Tự hào giới thiệu về những tuyến đường bê tông kiên cố chạy ngang, dọc, vị trưởng bon người M’nông chia sẻ, bon Bù Sê Rê 1 đăng ký với UBND xã Đắk Ru từ năm 2015 đến năm 2025 sẽ làm mới 8km đường theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

8.jpg
Người dân địa phương phấn khởi khi có nhiều tuyến đường được bê tông hóa.

Đến nay, sau 8 năm thực hiện, toàn bon đã làm mới được 6 km đường. Đặc biệt, trong đó có tuyến đường được hoàn thành do người dân đóng góp 100% kinh phí.

“Trước đây trong bon chỉ có một vài tuyến đường chính được đầu tư kiên cố, còn lại là đường đất nên bà con đi lại rất khổ sở. Sau khi có chủ trương nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, chúng tôi đã đi vận động người dân chung sức để tuyến đường kiên cố, khang trang hơn”, anh Điểu Hoang cho hay.

Kể về những con đường bê tông hóa, anh Điểu Hoang phấn khởi, trong quá trình triển khai làm đường, Bí thư Chi bộ và Trưởng bon đã vận động từng gia đình hiến đất, đồng thời đóng góp sức người, sức của để thi công đường. Điều đáng phấn khởi, đó là người dân trong bon đã tự nguyện đóng góp được hơn 2 tỷ để hoàn thiện các tuyến đường.

11.png

“Hiện nay chúng tôi đã triển khai được 6km đường, trong đó riêng tuyến đường Suối Cọp được người dân đóng góp 100% kinh phí xây dựng. Các tuyến đường đều được làm theo quy chuẩn, mặt đường rộng 3m, độ dày bê tông 16cm. Từ khi có đường kiên cố, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là vào mùa mưa”, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Bù Sê Rê 1 Điểu Hoang hãnh diện nói.

Phấn khởi khi được đi trên con đường mới, ông Lâm Văn Ba (người dân địa phương) nói rằng, chính nhờ uy tín và cách làm công khai, minh bạch, anh Điểu Hoang đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc đóng góp kinh phí làm đường.

Theo ông Ba, tuyến đường này vừa dùng đi lại hàng ngày, vừa là đường phục vụ sản xuất, nên việc đóng góp tiền sẽ căn cứ vào diện tích đất của mỗi hộ dân có tuyến đường chạy qua. Chính vì thế, có hộ dù đóng góp vài chục triệu đồng nhưng vẫn hưởng ứng, nghiêm túc đóng góp.

9.jpg
5.jpg

Đảm nhiệm vai trò trưởng bon Sê Rê 1 nhiều năm qua, điều anh Điểu Hoang trăn trở nhất vẫn là tình trạng nghèo bền vững ở một số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo vị trưởng bon, để người dân thoát được nghèo thì điều quan trọng nhất là khơi gợi ý thức thoát nghèo.

Cũng từ điều này, hàng ngày vào khoảng 19h tối, một lớp học bổ túc văn hóa được anh Điểu Hoang phối hợp mở ra dành cho trẻ em trong bon. Không phân biệt tôn giáo, dân tộc, bất cứ đứa trẻ nào cũng được vào lớp học. Đứng lớp, là hai cô giáo người M’nông, cũng chính là em gái anh Điểu Hoang.

8.png

“Ngày trước, tôi chỉ học đến lớp 9. Khi ấy gia đình không có điều kiện, nên mình phải chấp nhận nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Ngày nay, đời sống kinh tế đã khá hơn, tôi luôn động viên con, em trong nhà đi học để có cuộc sống tốt hơn. Đối với người dân trong bon khó khăn không đủ điều kiện cho con đi học thêm, cứ đến nhà tôi để bổ túc văn hóa”, Trưởng bon Bù Sê Rê 1 nói về lớp học ngay bên hiên nhà mình.

Lớp học đã được duy trì trong suốt gần 2 năm qua. Học sinh là trẻ em trong bon, gồm cả học sinh người M’nông, Dao, Hoa và Kinh. Tham gia lớp học, các em được hỗ trợ sách, vở và bổ trợ kiến thức, phục vụ việc học tập tại trường.

Ngoài việc mở lớp học bổ túc văn hóa ngay trong nhà, anh Điểu Hoang còn vận động nhiều cá nhân, tổ chức hỗ trợ người nghèo trong bon, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ việc làm để người dân có thu nhập ổn định.

"Hiện nay tỷ lệ người dân của bon trong độ tuổi lao động tương đối lớn, chính vì thế tôi rất muốn người dân có cơ hội được học nghề, được làm tại các nhà máy, xí nghiệp. Để làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần, ý chí của mỗi người dân trong bon", anh Điểu Hoang chia sẻ quan điểm của mình.

Ông Nguyễn Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ru đánh giá, trong thời gian qua, anh Điểu Hoang đã tích cực tham gia công tác của bon, đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động người dân thoát nghèo và làm đường giao thông nông thôn. Để người dân nghe và làm theo, anh Điểu Hoang đã phát huy trách nhiệm là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bon, đi đầu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và nuôi dạy con cái.

Nội dung: Thanh Hằng
Trình bày: Thanh Hằng
Đắk Nông, ngày 18/9/2023

Thanh Hằng