Kinh nghiệm xử lý “fake news” của một số nước trong khu vực ASEAN
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:03, 22/09/2023
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Diễn đàn ngày 19/9 tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN về Ứng phó và Xử lý Tin Sai Sự thật trên Không gian Mạng, diễn ra ngày 19/9 vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, đại diện các nước ASEAN đã khẳng định quyết tâm giảm thiểu tác hại của tin giả và hướng đến một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.
Từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của tin giả và tin sai sự thật.
Năm ngoái, Hội nghị Các Quan chức Cấp cao Phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI) lần thứ 19 đã chính thức thông qua sáng kiến của Việt Nam về việc thành lập Nhóm Đặc trách ASEAN về Tin giả.
Diễn đàn tại Đà Nẵng lần này tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí, và một số nền tảng công nghệ xuyên biên giới, bao gồm Google và TikTok, liên quan vấn đề tin giả, tin sai.
Theo Ủy ban Truyền thông và Đa Phương tiện Malaysia, quốc gia này phải liên tục xử lý những thông tin không chính xác và các tin tức giả mạo tràn lan, nhằm tránh những hậu quả “hỗn loạn” và sự tổn thất kinh tế nghiêm trọng.
Những tin tức giả mạo có thể kích động và gây ra sự thù hận giữa các cộng đồng đa dạng ở Malaysia, ảnh hưởng đến sự thống nhất và ổn định của đất nước.
Một “tuyến phòng thủ” hiệu quả đầu tiên chống lại sự “lây lan” của các tin tức giả mạo là thông qua quan hệ đối tác công-tư, với việc các cơ quan Chính phủ làm việc cùng các công ty và cộng đồng để ngăn chặn mối đe dọa của các tin tức giả mạo trong thời gian ngắn nhất có thể.
Năm 2021, Malaysia đã thi hành một Pháp lệnh Khẩn cấp nhằm ngăn chặn tin giả liên quan đến COVID-19 - trong bối cảnh tin giả (fake news) có thể làm suy yếu những nỗ lực của Chính phủ phòng chống đại dịch.
Malaysia cũng đã thực hiện Chiến dịch “Tự do ngôn luận nhưng không phải tự do nói dối” - một chiến dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của việc người dân có trách nhiệm với quyền tự do ngôn luận của họ để duy trì sự hòa hợp quốc gia.
Đại diện Malaysia phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Quyền Vụ trưởng Tet Hun Toee của Vụ Thông tin và Quan hệ Công Chúng-Bộ Thông tin Myanmar cho biết các phương tiện truyền thông xã hội là nơi các thông tin sai lệch và tin tức giả mạo lan truyền nhanh chóng.
Chỉ riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Myanmar đã phát hiện gần 1.600 thông tin được “thêu dệt” và gần 1.700 thông tin khác là tin giả - những con số cho thấy thách thức lớn đối với nước này trong cuộc chiến với “fake news.”
Những giải pháp của Myanmar là “cắt cử” người phát ngôn tại các cơ quan, tạo lập những kênh Telegram chính thức, công bố thông tin thường xuyên qua các hãng tin quốc gia cũng như trên các website, trang mạng của Chính phủ… Các công ty công nghệ cũng cần bảo đảm sự an toàn và “khỏe mạnh” cho người dùng của họ.
“Myanmar sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN trong việc chống tin giả, chúng tôi kêu gọi sự hợp tác từ các nước ASEAN,” đại diện của Myanmar cho hay.
Tại Thái Lan, Bộ Xã hội và Kinh tế Số đã thành lập Trung tâm Chống Tin giả (AFNC) nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề lan truyền tin tức giả mạo. Cùng với đó, nước này cũng nỗ lực nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự chung tay của cộng đồng trong việc chống lại thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.
Một trong những ví dụ được phía Thái Lan đưa ra là Cuộc thi Diễn thuyết ASEAN 2023 - “Stop Cyberbullying in ASEAN” (Tạm dịch: “Ngưng bắt nạt trên mạng ở ASEAN”).
Cuộc thi này đã giúp nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của việc bắt nạt trên mạng, giáo dục người trẻ về cách đối phó với những thách thức kỹ thuật số, cũng như tăng cường nhận thức về khủng hoảng số ở giới trẻ.
Hình ảnh từ tham luận của Thái Lan. (Ảnh: Vietnam+)
Trong tham luận về các chính sách thúc đẩy Hiểu biết Số và Truyền thông, đại diện Philippines cho biết hiện nay ở nước này, tỷ lệ người dân có “Kỹ năng Số cơ bản” mới chỉ chiếm 6%, trong khi tỷ lệ nhóm có “Kỹ năng Số tiêu chuẩn” là 2%, và nhóm có “Kỹ năng Số cao cấp” là 1%.
Tham luận của Philippines cũng chỉ ra rằng Bộ Giáo dục nên hợp tác với các bên liên quan thông qua cách tiếp cận toàn xã hội để cải thiện năng lực Số của người dân.
Năm 2020, Ngân hàng Trung ương Philippines đã triển khai Chương trình Kiến thức Kỹ thuật Số như một phần của giáo dục tài chính. Chương trình nhằm mục đích tăng niềm tin của công chúng vào hệ sinh thái tài chính Kỹ thuật Số, khuyến khích người tiêu dùng - bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn và cả các cơ quan Chính phủ - sử dụng các dịch vụ tài chính Kỹ thuật Số trên tất cả các lĩnh vực.
Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội hiện nay cũng khiến các thông tin sai lệch lan truyền nhanh chóng, trong bối cảnh có đến 70 triệu người - tương đương với 71% dân số - là cư dân mạng xã hội.
Theo cập nhật của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam năm 2023, các nền tảng trực tuyến, trong đó có Zalo, YouTube, Facebook và TikTok, là nơi những thông tin sai lệch được đăng tải và lan truyền nhanh chóng nhất.
Để ngăn chặn và xử lý một cách hiệu quả các thông tin sai lệch, cần có sự vào cuộc của các cơ quan Chính phủ, báo chí chính thống; sự tham gia của các nền tảng trực tuyến (đặc biệt là mạng xã hội), ngành truyền thông và quảng cáo; cùng sự chung sức của tất cả người dân - theo Bộ Thông tin và Truyền thông./.
Philippines kêu gọi cách tiếp cận toàn xã hội để cải thiện năng lực Số của người dân. (Hình ảnh từ tham luận của Philippines/Vietnam+)