Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tiếp xúc quan chức cấp cao Lào, Uganda và EU
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:29, 21/09/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. (Ảnh: TTXVN phát)
Ngày 20/9, nhân dịp tham dự Phiên thảo luận Chung Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc tiếp xúc với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ liên thể chế và tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Uganda.
Vui mừng gặp lại Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt-Lào, đặc biệt là việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, cũng như việc thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác trọng điểm thời gian qua.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào đánh giá cao thành công của các hoạt động trao đổi đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai bên, đặc biệt là cuộc gặp giữa các lãnh đạo ba Đảng của Việt Nam, Lào và Campuchia ngày 6/9 vừa qua tại Hà Nội.
Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị tốt cho các hoạt động cấp cao trên các kênh Đảng, Chính phủ cũng như các cơ chế hợp tác liên ngành sắp tới và một số dự án hợp tác giữa hai nước; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẽ nỗ lực hỗ trợ Lào đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2024.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Solomon Jeremiah Manele, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia đảo Thái Bình Dương, đặc biệt là Quần đảo Solomon.
Hai bên nhất trí xem xét thiết lập các cơ chế hợp tác, ký kết văn kiện, thỏa thuận trong các lĩnh vực có thế mạnh như thương mại-đầu tư, nghề cá, nông nghiệp, du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác, đồng thời tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Uganda Henry Oryem Okello. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Uganda Henry Oryem Okello, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni (tháng 11/2022) và đề nghị hai nước tiếp tục triển khai kết quả chuyến thăm, góp phần đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt đi vào chiều sâu.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Henry Oryem Okello nhấn mạnh Uganda rất coi trọng, ngưỡng mộ những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và mong muốn hai bên tích cực trao đổi để mở rộng hợp tác về nông nghiệp, hạ tầng viễn thông.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và Nhóm các Nước đang Phát triển (G77).
Tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ liên thể chế Maros Sefcovic, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ vui mừng về những bước phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất trong quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách quan hệ liên thể chế Maros Sefcovic. (Ảnh: TTXVN phát)
Khẳng định EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại.
Bộ trưởng đề nghị Hội đồng châu Âu có tiếng nói để EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Ông Maros Sefcovic khẳng định coi trọng quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam, đồng thời tích cực chia sẻ các đề xuất của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Hai bên cùng thảo luận các biện pháp thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu và việc triển khai Tuyên bố Chính trị về Thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các nước trong Nhóm các Nước Công nghiệp Phát triển (G7).
Tại các cuộc tiếp xúc nói trên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã khẳng định lập trường chung của Việt Nam và ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông./.