Việt Nam dang rộng vòng tay bè bạn với các nước Mỹ Latinh
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 12:07, 21/09/2023
Bài viết về quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh trên Tạp chí bán nguyệt san Voces Del Periodista. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 23-26/9, tạp chí Voces Del Periodista - tiếng nói của các nhà báo Mexico, đã nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam-Mỹ Latinh nói chung và Brazil nói riêng, trong đó khẳng định bắt nguồn từ sự tương đồng về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tình đoàn kết nay đã phát triển thành đối tác hội nhập trên mọi lĩnh vực.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, với tiêu đề “Việt Nam dang rộng vòng tay bè bạn với các nước Mỹ Latinh,” tạp chí bán nguyệt san Voces Del Periodista số ra cuối tháng 9 mở đầu bài xã luận bằng việc khắc họa hình ảnh một Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực với bạn bè năm châu, qua đó đưa quốc gia Bắc Bán cầu này trở thành nhân tố quan trọng trong khu vực cũng như tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khu vực vốn đóng vai trò chiến lược trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Điểm lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của Việt Nam, Voces Del Periodista khẳng định bằng xương máu của nhiều thế hệ, quốc gia Đông Nam Á này đã giành được tự do và độc lập, từ đó tạo nguồn cảm hứng cho hàng triệu người yêu chuộng hòa bình trên thế giới bằng tấm gương sáng về phẩm giá và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cũng với phẩm giá và chủ nghĩa anh hùng cách mạng đó, theo Voces Del Periodista, lặng lẽ và bền bỉ, Việt Nam đã trỗi dậy, vươn lên từ đống tro tàn chiến tranh để trở thành một quốc gia vững mạnh, đóng vai trò nổi bật trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong bài xã luận, tạp chí chuyên ngành báo chí-truyền thông có ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực đã điểm lại những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, như việc trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 của thế giới trong năm 2022 với quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 toàn cầu.
Cũng trong năm 2022, tạp chí Mỹ US News & World Report (US News) đưa Việt Nam đứng thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, dựa trên 5 yếu tố cơ bản bao gồm năng lực lãnh đạo, tầm ảnh hưởng kinh tế, ảnh hưởng chính trị, liên minh quốc tế mạnh và quân đội mạnh.
Đề cập tới quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh, tạp chí đại diện cho hơn 44.000 nhà báo tại Mexico nêu rõ đây là mối quan hệ truyền thống đặc biệt khăng khít và có lịch sử lâu đời.
Những hiểu biết và tiếp xúc giữa Việt Nam với các nước Mỹ Latinh được ghi nhận ngay từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi đó Việt Nam còn đang trong ách nô lệ của thực dân trong khi đa số các nước Mỹ Latinh cũng vừa giành được độc lập.
Cũng giai đoạn này, Voces Del Periodista kể lại rằng trong quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, năm 1912, Người đã từng dừng chân tại đảo Martinique thuộc vùng Caribe, tại Uruguay và Argentina. Đây chính là nền tảng để Bác Hồ gieo những hạt giống đầu tiên cho tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh.
Bài viết về quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh trên Tạp chí bán nguyệt san Voces Del Periodista. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, giữa khói lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam, phong trào ủng hộ Việt Nam chống giặc ngoại xâm đã phát triển mạnh mẽ với nhiều cuộc biểu tình lớn diễn ra rộng khắp ở các nước Mỹ Latinh.
Những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Việt Nam với Cuba, Chile và Argentina đã được thiết lập.
Sau thắng lợi lịch sử của Việt Nam năm 1975, quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh tiếp tục được mở rộng.
Trong giai đoạn 1975-1980, Việt Nam thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 10 nước Mỹ Latinh.
Việt Nam cũng đã sát cánh cùng các nước bạn bè Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Các nước Mỹ Latinh đã ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận.
Từ khi Việt Nam tiến hành Công cuộc Đổi mới năm 1986, quan hệ của Việt Nam với các nước Mỹ Latinh không ngừng phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với tất cả 33 nước trong khu vực Mỹ Latinh.
Đề cập tới quan hệ kinh tế-thương mại, tạp chí học thuật và là tiếng nói của các nhà báo Mexico cho biết trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung cũng như của Việt Nam và các nước Mỹ Latinh nói riêng trải qua nhiều biến động, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đáng khích lệ.
Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 lên mức 23 tỷ USD năm 2022.
Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực là Brazil, Mexico, Argentina, Chile..., nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh.
Về đầu tư, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD, điển hình là các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng...
Ở chiều ngược lại, hiện Mỹ Latinh có 21 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với 114 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 671 triệu USD.
Việt Nam và các đối tác Mỹ Latinh cũng đang triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại để tạo đòn bẩy cho quan hệ kinh tế thương mại đầu tư, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam cùng với Mexico, Chile, Peru là thành viên; Hiệp định Thương mại Tự do với Chile (VCFTA) hay Hiệp định Thương mại với Cuba.
Đề cập tới Brazil, quốc gia có diện tích lớn nhất và cũng là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, Voces Del Periodista cho biết chuyến thăm chính thức đến Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 23-26/9 sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trước thềm dịp kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2024.
Sau khi nâng cấp lên quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2007, quan hệ hai nước ngày càng đi vào thực chất hơn.
Hai bên đã ký kết và triển khai 16 hiệp định, nghị định thư, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, vận tải biển, hàng không dân dụng, nông nghiệp, y tế, thương mại, du lịch, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và hợp tác giữa các địa phương.
Hai bên cũng đã thiết lập, duy trì cơ chế Ủy ban Hỗn hợp giữa hai chính phủ và tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, qua đó tạo động lực hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng có nhu cầu, trong đó nổi bật là việc Việt Nam ủng hộ Brazil ứng cử trở thành ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi được mở rộng và Brazil ủng hộ Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực của cơ quan này nhiệm kỳ 2020-2021.
Bên cạnh đó, thương mại luôn là điểm sáng nổi bật trong quan hệ hai nước.
Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở Mỹ Latinh và Việt Nam là bạn hàng lớn nhất của Brazil ở Đông Nam Á và thứ 5 ở châu Á.
Theo Voces Del Periodista, thương mại Việt Nam-Brazil còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa vì cơ cấu hàng hóa trong trao đổi giữa hai nước mang tính bổ sung cho nhau và đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước thành viên Khối Thị trường Chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đang tiến hành nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do MERCOSUR-Việt Nam./.