Phát triển kinh tế từ cây măng cụt

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:05, 21/09/2023

Vài năm trước măng cụt còn là loại trái cây chưa phổ biến tại Lâm Đồng do diện tích khiêm tốn và là cây trồng thử nghiệm của nông dân. Tuy nhiên, hiên nay măng cụt ở Lâm Đồng cũng đã được trồng theo hướng hàng hoá. Đặc biệt là khu vực Bảo Lộc, Bảo Lâm. Cứ đến khoảng tháng 8,9 hàng năm, măng cụt tại khu vực Bảo Lâm, Bảo Lộc sẽ bắt đầu vào vụ, năm nay, nông dân khá phấn khởi vì măng cụt được mùa được giá.

Ngay khi định cư tại Bảo Lâm những năm 1990, ông Vũ Hoàng Dũng ở thôn 1 xã Tân Lạc đã thử trồng ít cây măng cụt, một loại trái cây đặc sản của xứ miền Tây Nam Bộ. Măng cụt vốn là cây trồng mới của nông dân nơi đây và thời gian cho quả dài hơn các cây trồng khác nhưng ông Dũng không nản lòng. Với cách làm lấy ngăn nuôi dài, vừa kiên trì chăm măng cụt, vừa trồng thêm cây ngắn ngày để có thu nhập, đến năm thứ 7 vườn măng cụt của ông đã cho quả. Và bất ngờ hơn là trái măng cụt ở đây khá to, cơm dày và không bị sượng, với thành công này, ông Dũng tiếp tục nhân rộng diện tích măng cụt vườn nhà. Hiện, ông đang có vườn măng cụt trồng thuần trên 1 ha, với 120 cây đều đang cho trái, cây trồng lâu nhất đã ở tuổi 30, cây nhỏ nhất 16 năm. Niên vụ 2023, ông thu hoạch được 15-18 tấn trái và là vụ cho năng suất cao trong những năm qua.
Cũng như Dũng ở huyện Bảo Lâm, ông Vũ Phi Hùng, xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc cũng gắn bó với cây măng cụt nhiều năm nay, mỗi năm vườn ông Hùng cho thu hoạch trung bình 15 tấn trái, năm nay dự kiến sản lượng có tăng khoảng 20-30%. Ông cho biết, trồng măng cụt cần kỹ thuật cao nhưng chi phí không quá tốn kém, công lao động không nhiều, rất phù hợp với nông hộ ít người và thêm vào đó thị trường tiêu thụ của quả măng cụt vẫn còn khá lơn vì vậy đây là xu hướng lựa chọn của nhiều nông dân hiên nay.
Hiện nay, ở các địa phương, nhất là huyện Bảo Lâm, Tp Bảo Lộc, huyện Đạ Huoai bà con nông dân phát triển khá mạnh diện tích trồng cây măng cụt, cả trồng xen và trồng thuần, là nguồn cung ứng trái dồi dào cho thị trường trong tỉnh. Với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên trái măng cụt ở các khu vực trên rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày, độ chua ngọt rất thanh và tỷ lệ hư hao thấp nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Không riêng các hộ trồng thuần măng cụt, dù năng suất cây măng cụt “năm được, năm mất”, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, nhưng đa số các nông hộ đều dành sự ưu ái cho cây trồng này khi đã trồng xen vào vườn.
Với giá thành tương đối ổn định, nông dân trong tỉnh đang tích cực mở rộng diện tích măng cụt, đa số là trồng xen trong vườn cà phê, với các loài cây ăn trái khác. Đây là xu thế phát triển loại cây trồng này phù hợp với quy hoạch ở địa phương nhằm hạn chế tình trạng cung vượt cầu./.

pv