Chính trị

Đắk Nông đẩy mạnh xã hội học tập

Dương Cầm - P.V 21/09/2023 08:48

Thực hiện các chỉ thị, đề án về xây dựng xã hội học tập, thời gian qua, Đắk Nông đã nỗ lực triển khai đạt một số kết quả.

Xóa mù chữ ở Đắk Mil

Mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm lớp học xóa mù chữ tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Chứng kiến những phụ nữ đã có tuổi cặm cụi tập đọc, tập viết từng con chữ, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý chí, nghị lực vượt khó trong quá trình dạy-học của thầy trò nơi đây.

Lớp xóa mù chữ dành cho lứa tuổi từ 15 đến 65 tuổi được thầy, cô giáo Trường tiểu học Bi Năng Tắc xã Đắk Gằn quản lý. Lớp học được các thầy, cô giáo duy trì tới lớp 5. Người nhỏ tuổi nhất sinh năm 1995, người lớn tuổi nhất sinh năm 1962. Mỗi tuần lớp học diễn ra 5 buổi, từ thứ 2 đến thứ 7, mỗi buổi dạy từ 19h tới 21h30’. Số lượng duy trì mỗi buổi khoảng 15 đến 18 học viên.

xoa-mu-chu-dak-gan-jpg-1-.jpg

Cô giáo Trần Thị Hồng Phượng, chủ nhiệm lớp chia sẻ: “Lớp học được duy trì đến nay là sự cố gắng của cả thầy lẫn trò. Bởi lẽ việc khó khăn nhất là duy trì sĩ số, nhất là vào những ngày mùa, học viên đi làm mệt nên không có sức khỏe đến lớp. Học viên của lớp đa số là làm nông hoặc đi làm thuê, nguồn thu không ổn định nên phải bươn chải nhiều công việc để kiếm sống”.

Cùng với đó, học viên lớp học chủ yếu là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu bị hạn chế do tuổi tác và ngôn ngữ, giáo viên đứng lớp phải đến từng hộ để vận động, thuyết phục họ vượt qua mặc cảm để đến lớp. Có rất nhiều học viên chia sẻ ban, đầu rất sợ đi học, vì sợ không học được, ngại cô… nhưng khi đi học và biết đọc, biết viết, họ rất thích đi học.

“Đi dạy xóa mù chữ, giáo viên phải gần gũi, ân cần, kiên nhẫn, chịu khó, không có khoảng cách với học viên thì mới duy trì lớp được”.

Cô giáo Trần Thị Hồng Phượng, chủ nhiệm lớp xóa mù chữ ở Đắk Gằn

Chị Lư Thị Kén, học viên lớp xóa mù chữ chia sẻ: “Ngày đầu tiên còn ngại ngùng, các thầy cô giáo phải cầm tay chỉ từng nét chữ, đến lúc biết đọc và viết được, tôi rất xúc động vì từ nhỏ hoàn cảnh rất khó khăn không được đến trường”.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Mil, Đắk Gằn là một trong những xã khó khăn của huyện. Dân số toàn xã có gần 8.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30,7%, chủ yếu là người M’nông. Năm 2018, dân số mù chữ tại xã Đắk Gằn chiếm 3,58% trong độ tuổi từ 15 đến 65 tuổi.

Thực hiện chương trình xóa mù chữ, đến nay, xã Đắk Gằn đã đã mở được 9 lớp. Các lớp xóa mù chữ đều được duy trì từ 15 đến 18 học viên. Đến nay, toàn xã chỉ còn 1,5% dân số mù chữ đang được học tập. Để duy trì lớp học, các ban, ngành và đoàn thể của xã, huyện luôn có những hỗ trợ thường xuyên và kịp thời về mặt vật chất lẫn tinh thần để hỗ trợ các thầy cô giáo, các học viên có thêm động lực dạy và học….

anh-1(1).jpg
Đoàn từ thiện thăm hỏi, động viên học viên lớp xóa mù chữ ở Đắk Gằn

Ngoài xã Đắk Gằn, trong những năm qua, UBND huyện Đắk Mil đã chỉ đạo sâu sát việc huy động các đối tượng diện xóa mù chữ đến lớp; khắc phục tình trạng bỏ học. Đến nay, 100% số xã (10/10 xã, thị trấn) duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.

Xây dựng xã hội học tập

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, toàn ngành đã tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14 của Thủ thướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Kết quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là một tiêu chí đánh giá kết quả công tác hàng năm của cấp ủy và đảng viên.

Cùng với đó, tỉnh Đắk Nông đã cụ thể hóa, ban hành nghị quyết, đề án xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Đắk Nông đã kiện toàn ban chỉ đạo xóa mù chữ các cấp (đạt 100%) và xây dựng kế hoạch củng cố, duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn xóa mù chữ. Đồng thời, triển khai công tác tăng cường chỉ đạo thực hiện huy động các đối tượng diện xóa mù chữ ra lớp; khắc phục tình trạng bỏ học.

111.png

Các cấp, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh, học viên đến lớp, quan tâm giúp đỡ về kinh tế, động viên về tinh thần, phối hợp quản lý, duy trì sĩ số học sinh, học viên ra lớp...

Hiện 100% xã (71/71 xã, phường, thị trấn) duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ. Chất lượng xóa mù chữ nhìn chung ổn định, có xu hướng tăng lên ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển. Tại cuộc kiểm tra về công tác xóa mù chữ mới đây, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận Đắk Nông đạt xóa mù chữ mức độ 1.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt tại huyện Đắk Glong, công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn do tình trạng di dân tự do. Việc mở các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ còn khó khăn. Nguyên nhân là do một số vùng dân cư tại các địa phương trong tỉnh có nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép, dân cư lại sống không tập trung. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng dạy học để bảo đảm các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn của xóa mù chữ còn khó khăn.

Cùng với nỗ lực của ngành Giáo dục, các cấp, ban ngành cần tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư; rà soát, đánh giá và vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ; tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội. Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn, góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ trong xã hội, xây dựng xã hội học tập...

Dương Cầm - P.V