Giá tiêu hôm nay 20/9: Kỳ vọng vào vụ tiêu tại Bình Phước 2024
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:44, 20/09/2023
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 71.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước có chuỗi ngày đi ngang kể từ cuối tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 4.309 USD/tấn, giảm 0,07%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.350 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 6.377 USD/tấn, giảm 0,05%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn. Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế tiếp tục giảm giá tiêu tại Indonesia.
Theo công bố của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, sản lượng hồ tiêu năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng 190.000 tấn, tăng 3,8% so với năm 2022.
Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp thông tin tại Hội nghị đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển cây hồ tiêu đến năm 2030 tổ chức tháng 6/2023, hiện nay khoảng 94% diện tích, 97% sản lượng hồ tiêu toàn quốc tập trung tại 2 vùng sản xuất trọng điểm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trong đó 91,7% diện tích, 93,7% sản lượng hồ tiêu toàn quốc tập trung tại 6 tỉnh sản xuất trọng điểm là: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khoảng 92% sản lượng hồ tiêu Việt Nam được dành cho xuất khẩu.
Hàng năm, hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 100 nước và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại các nước châu Âu, châu Á và Mỹ.
Tuy nhiên, việc phát triển hồ tiêu hiện nay còn thiếu giống tốt cho sản xuất; kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, như sử dụng quá nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, bón ít phân hữu cơ; tưới tiêu chưa hợp lý; chưa coi trọng quản lý dịch hại tổng hợp..., dẫn tới dịch bệnh bùng phát mạnh, vườn tiêu nhanh già cỗi, môi trường bị suy thoái.
Về khách quan, mưa lũ diễn ra trong tháng 7 vừa qua tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tại tỉnh Đắk Nông ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến vườn tiêu. Tuy nhiên điều đó không đáng lo ngại bằng hiện tượng El Nino sẽ diễn ra vào cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau, dẫn tới khô hạn, thiếu mưa và có thể giảm sản lượng hồ tiêu Việt Nam trong năm tới.
Hiện nhiều chuyên gia cũng dự đoán sản lượng hồ tiêu năm sau sẽ sụt giảm, còn bởi xu thế chặt tiêu trồng những loại cây có giá trị hơn đang diễn ra tại các địa phương. Tuy nhiên, xu hướng sản lượng giảm sẽ không diễn ra đồng nhất, trái lại những vùng sản xuất được đầu tư, chăm sóc tốt, khu vực có thời tiết thuận lợi vẫn ghi nhận có sự tăng trưởng về sản lượng.
Đơn cử như tại Bình Phước. Khảo sát của phóng viên báo Bình Phước đầu tháng 9/2023 cho thấy, theo đánh giá của các nhà vườn trồng tiêu, thời tiết năm nay khá thuận lợi trong giai đoạn tiêu ra trái, chắc hạt và hầu hết các diện tích tiêu trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt.
Tại một số vườn tiêu trên địa bàn xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ hiện ra chuỗi khá đều, đẹp và dài. Lượng chuỗi tiêu trên 1 nọc cũng rất nhiều. Ông Nguyễn Đăng Hồng, nhà vườn trồng tiêu ở xã Lộc Thuận cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên gia đình ông không tốn quá nhiều công chăm sóc và kỳ vọng vụ mùa bội thu.
Sau 3 năm bị mất mùa liên tiếp do thời tiết bất lợi, vụ mùa năm nay nhiều nhà vườn ở Bình Phước tin tưởng và kỳ vọng khi thời tiết ổn định hơn, mưa - nắng đan xen, trọng lượng hạt và độ dài của chuỗi tiêu cũng tăng so với năm ngoái.
''Mấy năm trước, chuỗi tiêu ra ngắn. Năm nay mưa thuận, đều, kết hợp bón phân kịp thời nên hiện vườn tiêu của gia đình ra chuỗi hạt nhiều, nhìn mê lắm” - báo Bình Phước dẫn lời ông Trịnh Quốc Cẩm, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho hay.