Một xã ở Kon Tum trồng tới 190ha sầu riêng, nhà nào bán trái giàu hẳn lên, dân đang mong điều này
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:42, 20/09/2023
Mở hướng phát triển trồng sầu riêng
Nghe nói nhiều về vựa sầu riêng nổi tiếng ở xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), tôi có chuyến “thực mục sở thị”. Vườn sầu riêng tôi đến tham quan là của ông Nguyễn Văn Niệm – nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong trồng ở thôn Kơ Bei.
Bước vào vườn sầu riêng của ông Niệm, tôi như lạc vào mê cung bởi sầu riêng xanh tốt, hương thơm ngào ngạt. Sầu riêng ông trồng trên một sườn đồi thoai thoải, cây trồng theo đường đồng mức.
Mặc dù thời điểm tôi đến, ông Niệm thu hái sầu riêng mấy đợt, nhưng quả trên cành vẫn còn treo lủng lẳng.
Sầu riêng ông Niệm trồng là giống Dona (sầu riêng Thái Lan), hạt lép, cơm dày và màu vàng. “Bình quân khoảng 3,8 kg/quả sầu riêng. Mặc dù là năm đầu bước vào kinh doanh, nhưng gia đình thu gần 20 tấn quả sầu riêng. Với giá bán xô 60 nghìn đồng/kg quả cho thương lái từ tỉnh Đăk Lăk sang mua, gia đình dự thu gần 1,2 tỷ đồng.
Trừ hết chi phí, gia đình lãi khoảng 900 triệu đồng. Dự kiến năm sau, sản lượng sầu riêng sẽ tăng lên gấp đôi”- ông Niệm chia sẻ.
Đáng quý là sau vụ thu hoạch, ông Niệm dự tính hỗ trợ 40 triệu đồng để giúp dân trong vùng mua cây sầu riêng giống về trồng.
So sánh với các cây trồng khác, ông Niệm cho rằng sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.
Việc gia đình ông cũng như nhiều cán bộ, nông dân trong xã đang phát triển mạnh cây sầu riêng là từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Huyện ủy, Đảng ủy xã trước đây.
Để thực hiện chủ trương của các cấp ủy, năm 2014, khi đang là Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, ông Niệm cùng với một số cán bộ và nông dân trong xã đi tham quan một số vườn sầu riêng ở các huyện Buôn Hồ, Krông Năng (tỉnh Đăk Lăk).
Sau khi tham quan, tìm hiểu kỹ thuật trồng sầu riêng, năm 2015, ông Niệm tự bỏ tiền mua 50 cây sầu riêng Dona đem về trồng thử nghiệm.
“Sau 3 năm trồng cây sầu riêng cho bói, năm 2018, gia đình tôi lại sang huyện Krông Năng mua 800 cây sầu riêng Dona để mở rộng diện tích. Theo đó, gia đình trồng 4,6ha sầu riêng” – ông Niệm cho hay.
Cũng theo lời ông Niệm, đất trồng sầu riêng nguyên trước đây là vùng đất người dân trồng mì nhiều năm bạc màu, bỏ hoang hóa. Để trồng sầu riêng, ông cải tạo lại đất.
Hệ thống béc phun tưới nước cho cây sầu riêng trong vườn sầu riêng của gia đình ông Niệm, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.N
Tuy nhiên, khi thấy ông đưa sầu riêng về trồng trên đất này, nhiều người ái ngại vì sợ sầu riêng không phát triển.
Bỏ qua những lời đàm tiếu, ông Niệm mua phân chuồng ủ hoai mục và đào hố trồng sầu riêng theo yêu cầu kỹ thuật. Sầu riêng được gia đình ông trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, chỉ sau một thời gian ngắn sum sê xanh tốt.
Trong việc chăm sóc sầu riêng, ông Niệm dẫn nước từ rừng đầu nguồn cách vườn khoảng hơn 1 km về tưới tiêu. Hệ thống nước tưới được ông lắp đặt dọc ngang trong vườn và tưới bằng béc phun sương đến từng cây sầu riêng. Khi cần tưới ở lô sầu riêng nào là ông chỉ mở van, nước tự động phun tưới.
Ngoài sầu riêng, ông Niệm trồng xen 400 cây mai và khoảng vài chục cây bơ. Khi mùa Xuân về, các loại cây đua nhau nở hoa.
Ong rừng về hút mật, chim chóc hót líu lo, trông vườn cây rất sống động và đẹp mắt. Hiện nay, mai trong vườn có giá bình quân khoảng 1 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, gia đình trồng mai để chơi, chưa muốn bán - ông Niệm cho biết.
Trao đổi về kinh nghiệm, ông Niệm thật lòng: “Cây sầu riêng cũng như nhiều loại ăn quả khác rất cần nước, nhất là khi ra hoa. Sau Tết Nguyên đán sầu riêng thường ra hoa. Lúc này, trên địa bàn tỉnh hay gặp mưa dông.
Nếu như cây sầu riêng ra hoa gặp trời mưa dông, trong vườn không đủ độ ẩm, sầu riêng gặp mưa dông đột ngột, bị “sốc” nhiệt sẽ rụng hoa. Do vậy, khi sầu riêng ra hoa, nhà vườn phải luôn giữ đủ độ ẩm để sầu riêng không bị “sốc” nhiệt, rụng hoa”.
Một yếu tố đòi hỏi người trồng cần nắm bắt được ông Niệm chia sẻ thêm là xử lý rầy xanh, nhện đỏ hại lá. Theo đó, việc xử lý rầy xanh, nhện đỏ thì sử dụng thuốc trên thị trường kết hợp với bón phân sinh học Humic Acid để giúp cải tạo đất, phân hủy các chất hữu cơ, giúp cây phát triển bộ rễ và trừ nấm gây hại rễ.
Tiên phong mở hướng phát triển sầu riêng và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng, nên vườn sầu riêng của ông Niệm cũng như nhiều vườn sầu riêng của cán bộ và nông dân ở xã đều sinh trưởng tốt.
Sớm xây dựng mã số vùng trồng
Ông Trần Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Sau khi ông Niệm tiên phong trồng thí điểm sầu riêng hiệu quả, cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng sầu riêng.
Tính đến nay, trên đia bàn xã phát triển được gần 190ha sầu riêng (tăng 180ha so với Nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra trong giai đoạn 2015-2020), trong đó có gần 40ha sầu riêng cho sản phẩm. Cây sầu riêng đang giúp nhiều hộ gia đình nâng cao đời sống và làm giàu”.
Ý thức được giá trị của cây sầu riêng và ứng dụng công nghệ cao vào chuyên canh sầu riêng, ông Thanh cũng tham gia trồng 2ha sầu riêng Dona để phát triển kinh tế gia đình và góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng ủy xã về phát triển cây sầu riêng.
Và năm nay, gia đình ông Thanh có hơn 3 sào (tương ứng 70 cây) sầu riêng cho bói và đem lại cho gia đình 80 triệu đồng.
Vui mừng trước vườn sầu riêng sai quả ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: V.N
Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Tân Sang cũng là người ứng dụng công nghệ cao vào chuyên canh sầu riêng Dona hiệu quả.
Gia đình ông Minh hiện trồng 6ha sầu riêng, trong đó có 1ha đi vào kinh doanh và 2ha cho thu bói. Năm nay, gia đình ông Minh thu 32 tấn sầu riêng. Với giá bán xô 48 nghìn đồng/kg tại vườn, ông Minh thu về trên 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí đầu tư, ông lãi 1 tỷ đồng.
Công nghệ được cán bộ và người dân ở xã trồng sầu riêng ứng dụng là hệ thống béc tưới phun sương và thiết bị được kết nối với điện thoại di động.
Chỉ cần ngồi ở nhà hay bất cứ nơi nào, khi bật ứng dụng từ điện thoại có kết nối mạng với thiết bị là hệ thống béc tưới tự động phun nước lên cây sầu riêng.
Đặc biệt, để việc chuyên canh sầu riêng hiệu quả, trên địa bàn xã còn thành lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật. Nhóm này do ông Nguyễn Văn Minh giỏi về kỹ thuật làm nhóm trưởng và trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng sầu riêng.
Không chỉ có cán bộ và người Kinh trồng sầu riêng, thông qua việc tuyên truyền và các nguồn vốn hỗ trợ, đến nay, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở xã cũng tham gia phát triển sầu riêng.
Điển hình như ông A Chung - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở xã tham gia trồng sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác nhau. Riêng 150 cây sầu riêng trồng năm 2016, năm nay đi vào kinh doanh đem lại thu nhập 200 triệu đồng cho gia đình ông Chung.
Hiệu quả kinh tế từ vựa sầu riêng trên địa bàn xã đã rõ. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn vì giá sầu riêng luôn bị tư thương o ép.
Cùng là sầu riêng Dona, chất lượng như nhau, nhưng người thì bán 60 nghìn đồng/kg quả, người thì bán từ 48-50 nghìn đồng/kg quả. Giá sầu riêng trên đều thấp hơn nhiều so với giá sầu riêng cùng loại trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng trồng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ vựa sầu riêng, nhiều cán bộ, nông dân chuyên canh sầu riêng ở xã mong muốn huyện, ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng ở Hơ Moong.
“Đảng ủy, UBND xã mong ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền cấp trên quan tâm sớm hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng để giúp người dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và làm giàu từ vựa sầu riêng. Đây cũng là vấn đề được Nghị Quyết 05-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” đặt ra”- Bí thư Đảng ủy xã Lê Khắc Tuấn tha thiết.