Việt Nam tích cực hội nhập và tham gia các FTA
Trong những năm gần đây, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.
FTA là động lực lớn cho nền kinh tế
Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức được tính cần thiết và tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó đến nay, đường lối, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng ta không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và được tích cực thể chế hóa.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện về chính trị, quốc phòng - an ninh, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới đất nước. Theo báo cáo của Bộ Công thương, thời gian qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng như góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế; nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại; góp phần tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia 17 FTA, chuẩn bị đàm phán tham gia một số hiệp định thương mại song phương, đa phương. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với trên 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20.
Việt Nam đã và đang tham gia 17 FTA, trong đó có 15 FTA có hiệu lực, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu, củng cố thị trường truyền thống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào các thị trường tiềm năng trên thế giới. Ở tất cả các thị trường Việt Nam có FTA đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu vượt trội, năm sau cao hơn năm trước.
Bên cạnh đó, về chính trị, ngoại giao, việc tham gia các FTA góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển đất nước.
Năm 2022, năm đầu tiên tất cả 15 FTA đã ký có hiệu lực thực thi, tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường đối tác FTA đạt 526 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với toàn thế giới. Trong đó xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, chiếm gần 64% kim ngạch xuất khẩu. Điều đó cho thấy phần lớn dòng chảy thương mại của hàng hoá Việt Nam là với các đối tác FTA. Thương mại với các thị trường này là một trong những động lực lớn cho tăng trưởng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nước ta.
Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Bên cạnh những mặt đạt được, trong thực thi các FTA thời gian qua còn những hạn chế thể hiện trên một số mặt. Về tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA chưa có sự vượt trội so với một số thị trường chưa có FTA. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan FTA đang có xu hướng giảm (từ mức kỷ lục 39,7% năm 2018 giảm dần xuống mức 32,7% năm 2021 và mới cải thiện chút ít với mức 33,6% năm 2022) và diễn tiến không ổn định với từng hiệp định.
Điều này cho thấy các doanh nghiệp dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng ưu đãi. Những lực cản khiến doanh nghiệp khó hiện thực hoá các cơ hội tiềm năng từ FTA là các biến động và bất ổn thị trường (46,8%), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%), bất cập trong tổ chức thực thi của FTA của các cơ quan Nhà nước (28,2%).
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, công tác hội nhập kinh tế quốc tế là một điểm sáng trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được chính sách chủ động, chuẩn bị đầy đủ năng lực nhằm tận dụng được các FTA và hội nhập kinh tế hiệu quả.
Phó Thủ tướng khẳng định, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong quá trình đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế kết hợp với thực hiện các mục tiêu toàn cầu; thể chế hoá, tạo môi trường pháp lý, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân ngang hàng với các đối tác quốc tế; lựa chọn những thương hiệu quốc gia để xây dựng thành thương hiệu quốc tế trên tinh thần "làm như thế giới ở trình độ cao, người dân Việt Nam cũng được hưởng thụ".
Từ lợi thế, kinh nghiệm thành công trong quá trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự chuẩn bị lộ trình, hoạch định của Nhà nước trong việc lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên trong hội nhập kinh tế quốc tế, để xây dựng nền kinh tế xanh, bảo vệ thiên nhiên, sử dụng năng lượng tái tạo…
Phó Thủ tướng nêu, sức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới không phải là ưu đãi về đất đai, thuế, nhân công giá rẻ mà là năng lượng tái tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, tài nguyên số, các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thông qua trồng rừng, Net Zero…
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên và cân đối nguồn lực để tiếp tục triển khai các kế hoạch thực hiện của Chính phủ về thực thi FTA trên cơ sở có tính đến lồng ghép các kế hoạch thực hiện cho phù hợp với đặc thù của từng ngành, từng địa phương nhằm khai thác tối ưu hiệu quả các FTA. Các bộ, ngành, địa phương chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA…
Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù của từng ngành, địa phương, sớm phát huy tính hiệu lực và hiệu quả của công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới.
Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn về các cam kết trong các FTA mà Việt Nam mới tham gia, tập trung đi sâu vào những ngành hàng, lĩnh vực cụ thể, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng địa phương; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu quốc gia và các sản phẩm mũi nhọn ở các thị trường nước ngoài.