Loay hoay chuyện thương hiệu nông sản Đắk Nông
Có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng nông sản Đắk Nông vẫn thiếu vị thế vững chắc trên thị trường. Nguyên nhân một phần là do tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu tốt và hướng đi mang tính khác biệt.
LOAY HOAY CHUYỆN THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN ĐẮK NÔNG
Có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng nông sản Đắk Nông vẫn thiếu vị thế vững chắc trên thị trường. Nguyên nhân một phần là do tỉnh chưa xây dựng được thương hiệu tốt và hướng đi mang tính khác biệt.
XUẤT PHÁT ĐIỂM THUẬN LỢI
Nhiều cơ chế, chính sách trong việc xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho sản phẩm hàng hóa được tỉnh Đắk Nông quan tâm. Bước đầu, người dân, doanh nghiệp, HTX được khích lệ, chủ động tạo dựng “tên tuổi” cho sản phẩm.
Động lực từ cơ chế
Theo Cục Sở SHTT (Bộ KH-CN), đến nay, Đắk Nông có gần 80 nhãn hiệu thuộc lĩnh vực nông sản đã được đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Sản phẩm được đăng ký SHTT rất đa dạng như: cà phê, tiêu, bơ, xoài, mắc ca, sầu riêng, khoai lang, rau, củ, quả…
Phần lớn các sản phẩm nông sản của Đắk Nông hiện đang đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu thông thường. Trong đó, điểm danh một số “tên tuổi” nổi bật như: “DANONG PEPPER HẠT TIÊU ĐẮK NÔNG”, "Cà phê Hoàng Gia Phú", "Tiêu Đắk Nông"; "Cà phê Godere"…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một số nông sản đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể như: "Khoai lang Tuy Đức"; "Xoài Đắk Mil"; "Sầu riêng Đắk Mil"; "Cà phê Đắk Mil"; "Tiêu Đắk Song - Đắk Nông"; "Gà thả vườn Đắk R’lấp"; "Lúa gạo Krông Nô"…
Đặc biệt, vào cuối năm 2021, sản phẩm hồ tiêu của Đắk Nông đã được Cục SHTT cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý "Đắk Nông". Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt được thành công này.
Ông Đặng Văn Tin, Phó Giám đốc Sở KH-CN Đắk Nông cho biết, việc phát triển các nhãn hiệu ở địa phương đã tạo nên bước phát triển mới cho các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp và chế biến nông sản.
Vị thế cạnh tranh cho hàng hóa địa phương được nâng cao, nhất là một số sản phẩm chủ lực như: mắc ca, bơ, sầu riêng, cà phê, tiêu… Để có được những sản phẩm nông sản chất lượng, những năm qua, Sở KH-CN đã quan tâm hỗ trợ tới vấn đề đầu vào cho các sản phẩm hàng hóa.
Theo đó, đơn vị đã hỗ trợ xác lập quyền bảo hộ giống đối với 2 giống cà phê vối, 1 giống cà phê chè và sản xuất thử các giống cà phê chín muộn TR14, TR15. Đơn vị đã rà soát, đánh giá và tham mưu Sở NN-PTNT công nhận 2 vườn cây đầu dòng về cà phê dây và bơ.
Trong năm 2022, ngành đã phối hợp rà soát, đề xuất 32 vùng sản xuất tập trung để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC). Từ đó, tích hợp vào quy hoạch tổng thể tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Trên cơ sở 16 vùng đã hỗ trợ hiện trường, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh công nhận 4 vùng sản xuất NNƯDCNC, với diện tích 2.423,17 ha, bao gồm: 2 vùng hồ tiêu, 1 vùng cà phê và 1 vùng lúa.
Sở NN&PTNT đã tham mưu xây dựng và ban hành 5 quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc một số cây trồng chủ lực, tiềm năng, đặc sản của tỉnh Đắk Nông.
Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đặt ra mục tiêu, số đơn vị được hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8%/năm; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có gắn địa danh cho ít nhất 10 sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Nâng cao giá trị kinh tế
Qua số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, nông sản chủ lực của Đắk Nông có số lượng đăng ký xác lập quyền SHTT nhiều và sớm nhất.
Trong đó, cà phê là một trong số những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông, với tổng diện tích trên 130.000 ha, sản lượng 340.000 tấn/năm. Nông dân, HTX, doanh nghiệp ngày càng nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm của mình.
Phần lớn các chủ thể chú trọng đến quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hái quả và chế biến cà phê. Các chủ thể từng bước tìm ra hướng đi hợp lý trong sản xuất, kinh doanh, cho ra đời sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Theo ông Trương Công Toàn, Chủ DNTN Toàn Hằng (Đắk R’lấp), để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán cho bà con, đơn vị tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm cà phê sạch và hướng tới xuất khẩu.
“Khi sản phẩm có thương hiệu, chất lượng được chú trọng, giá bán của sản phẩm tăng gấp 3-4 lần so với trước đây. Cách làm này đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng tầm chất lượng và giá trị cho cà phê Đắk Nông”, ông Toàn cho biết.
Cùng với cà phê, mắc ca đang được xem là cây tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Nhận thấy nhu cầu lớn từ thị trường tiêu thụ cũng như giá trị dinh dưỡng mang lại, Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đã đầu tư máy móc phục vụ chế biến sâu hạt mắc ca.
Nhiều sản phẩm từ nguyên liệu hạt mắc ca được ra mắt như: hạt mắc ca sấy, sữa mắc ca, dầu mắc ca, bánh hạt, mỹ phẩm… Bao bì, nhãn mác sản phẩm được thiết kế bắt mắt, giúp sản phẩm được quảng bá rộng hơn tới người tiêu dùng.
“Việc bán mắc ca đã qua chế biến, có nhãn mác, thương hiệu đã giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị sản xuất, từ 20-35% so với trước đây”, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, xuất nhập khẩu mắc ca sachi Thịnh Phát Nguyễn Thị Ngọc Hương chia sẻ.
Đắk Nông hiện có 34 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, chế biến cà phê; 10 doanh nghiệp sơ chế, chế biến hồ tiêu; 27 doanh nghiệp chế biến trái cây. Toàn tỉnh có hơn 18.500 ha cây ăn quả và hơn 1.085 ha sầu riêng, xoài, bơ, mít… sản xuất đạt các chứng nhận.
(Còn nữa)