Nâng tầm đối ngoại đa phương, tăng cường quan hệ đối tác

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 14:16, 17/09/2023

Từ ngày 17-26/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc; kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ; thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Chuyến công tác tiếp tục khẳng định Việt Nam kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, không ngừng đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới Việt Nam từ ngày 21-22/10/2022. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng Thư ký Liên hợp quốc tới Việt Nam từ ngày 21-22/10/2022. (Ảnh: TTXVN)

Từ ngày 17-26/9/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc; kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ; thăm chính thức Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva. Chuyến công tác tiếp tục khẳng định Việt Nam kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, không ngừng đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương.

Việt Nam-Liên hợp quốc: Gần nửa thế kỷ đồng hành

Từ khi quốc kỳ Việt Nam chính thức tung bay tại trụ sở Liên hợp quốc cách đây 46 năm, hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc không ngừng được củng cố, phát triển. Tận dụng tốt những hỗ trợ tích cực của Liên hợp quốc để vươn lên mạnh mẽ, Việt Nam từ một nước lạc hậu sau chiến tranh đã có đóng góp ngày càng hiệu quả, thực chất vào các lĩnh vực trụ cột của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ bên phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 21/9/1977. (Ảnh: UN.ORG)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh (thứ hai từ bên phải sang) dự lễ kéo cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 21/9/1977. (Ảnh: UN.ORG)

Tháng 1/1946, ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ nguyện vọng Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc - tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó các thách thức toàn cầu.

Quan hệ Việt Nam-Liên hợp quốc trong 46 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt, bạn bè, đồng thời tranh thủ nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Nhìn về quá khứ, trong chặng đường tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận, Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ hiệu quả từ các chương trình của Liên hợp quốc. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có nhiều dự án đồng hành cùng Việt Nam trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Hợp tác với Liên hợp quốc góp phần tạo điều kiện thuận lợi, đóng góp quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Trong cuộc chiến chống Covid-19, vào thời điểm khó khăn nhất, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ lớn về vaccine và thiết bị y tế từ Liên hợp quốc, góp phần quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả, thích ứng an toàn và từng bước đẩy lùi đại dịch.

Sau hơn 35 đổi mới, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ với nhiều thành tựu nổi bật. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 10/2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ ngưỡng mộ dành cho “dải đất hình chữ S”.

Hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam cùng người dân thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm và đóng góp thực chất, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Trong các nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021), Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, như sáng kiến Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12, thành lập Nhóm bạn bè Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), giải quyết hậu quả bom mìn, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột, thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN… Việt Nam cũng tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của quân đội Việt Nam tổ chức khám, điều trị bệnh nhân tại Nam Sudan. (Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1)

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của quân đội Việt Nam tổ chức khám, điều trị bệnh nhân tại Nam Sudan. (Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1)

Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Được cộng đồng quốc tế đặt nhiều kỳ vọng, Việt Nam cũng đang giữ trọng trách tại nhiều cơ chế đa phương lớn của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế và đã thông báo tiếp tục ứng cử vào một số cơ quan, vị trí như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc…

Nhấn mạnh Việt Namlà sứ giả của hòa bình và là quốc gia luôn phấn đấu vì tình đoàn kết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp vai trò tích cực, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm không chỉ trong đấu tranh vì độc lập và các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong tái thiết, phát triển bao trùm, mà còn trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu chung toàn cầu. Ông Antonio Guterres cũng kỳ vọng mối quan hệ tốt đẹp Liên hợp quốc-Việt Nam tiếp tục được tăng cường, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Thúc đẩy lòng tin, đoàn kết toàn cầu

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Cục diện địa chính trị chuyển biến sâu sắc, xung đột tại nhiều điểm nóng vẫn tiếp diễn. Các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh năng lượng và lương thực, dịch bệnh tác động cộng hưởng và đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức toàn cầu là vô cùng cấp bách.

Ngày 6/9 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức khai mạc Khóa họp lần thứ 78, thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng toàn cầu. Trọng tâm của Khóa họp là Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 18/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại Hà Nội, ngày 22/10/2022. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại Hà Nội, ngày 22/10/2022. (Ảnh: Trần Hải)

Với chủ đề Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự năm 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân...

Dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng liên hợp quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mang đến những thông điệp quan trọng về củng cố lòng tin, thúc đẩy hợp tác đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, thúc đẩy phát triển bền vững và các giải pháp mang tính toàn cầu.

Tại Hội nghị cấp cao về tham vọng khí hậu và Hội nghị cấp cao về sẵn sàng ứng phó và phòng, chống đại dịch, lãnh đạo Việt Nam có bài phát biểu nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ các nước đang phát triển, đưa ra các cam kết mới của Việt Nam nhằm đẩy nhanh triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững; cam kết của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tích cực thực hiện các cam kết tại COP26; đề cao hợp tác và đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó bệnh dịch toàn cầu.

Trong khuôn khổ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng liên hợp quốc và các Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo Liên hợp quốc và các nước, tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Việt Nam-Hoa Kỳ: Xứng tầm đối tác chiến lược toàn diện

Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2023), 10 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023), quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có bước tiến dài, sâu rộng, thực chất, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng và ở cả cấp độ song phương, khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược. Hai bên không ngừng thúc đẩy hợp tác từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học-công nghệ, đến quốc phòng-an ninh.

Trên nền tảng thành tựu hợp tác tốt đẹp, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 10 đến 11/9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã công bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10/9/2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10/9/2023. (Ảnh: Đăng Khoa)

Phát biểu với báo chí sau Hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan hệ đối tác vừa được hai nước nâng cấp tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Các nội hàm của mối quan hệ đối tác mới kế thừa những nội dung hợp tác hiện có giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và đưa lên tầm cao mới thông qua việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo là nền tảng, trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ là đột phá mới của Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế khác theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sau khi Việt Nam giành lại độc lập là Việt Nam làm bạn với tất cả các nước. Đối với Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam và Việt Nam sẵn sàng hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ; nền độc lập và hợp tác đó có lợi cho toàn thế giới.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định chủ trương đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong khuôn khổ của đường lối đối ngoại nhất quán là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Hoa Kỳ J.Biden khẳng định, việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia; thể hiện sức mạnh của bản thân mối quan hệ đó, trong bối cảnh nhiều thách thức gây tác động lớn đối với tương lai của khu vực và cả thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 10/9/2023. (Ảnh: Duy Linh)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 10/9/2023. (Ảnh: Duy Linh)

Theo nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn; mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước; tăng cường hợp tác rà phá vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh, làm sạch môi trường do dioxin gây ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật và tìm kiếm, quy tập những người lính Hoa Kỳ vẫn còn mất tích từ hồi chiến tranh ở Việt Nam, cũng như những bộ đội Việt Nam còn mất tích.

“Chúng ta đang nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng khí hậu, thúc đẩy việc chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch của Việt Nam, tăng cường an ninh y tế toàn cầu và thúc đẩy điều trị ung thư và HIV/AIDS, tăng cường hợp tác an ninh giữa hai nước bao gồm cả việc chống buôn người. Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con người.

Chúng tôi cũng đang đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn nữa lực lượng lao động lành nghề trong các ngành học tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán, thúc đẩy trao đổi trong lĩnh vực giáo dục để giúp các nhà khoa học, hoặc doanh nhân và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể cùng nhau hợp tác tốt hơn, nắm bắt những cơ hội to lớn trong thời đại công nghệ mới này”, Tổng thống J.Biden khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78, kết hợp hoạt động tại Hoa Kỳ, ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống J.Biden. Chuyến công tác của Thủ tướng có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận, cam kết vừa đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước theo tinh thần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, qua đó làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước.

Tuyên bố chung nâng cấp QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ lên ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN là văn kiện hết sức quan trọng với 10 trụ cột, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ hai nước. Điều đó cho thấy, hợp tác hai nước không chỉ được MỞ RỘNG, mà còn đi vào CHIỀU SÂUTHỰC CHẤT hơn; không chỉ trên bình diện hợp tác song phương mà trong các vấn đề khu vực và ở tầm toàn cầu.
____________________
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện mang lại những lợi ích cả lâu dài và trước mắt cho hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đó, Việt Nam có cơ hội và điều kiện đưa quan hệ với Hoa Kỳ, đối tác có tầm quan trọng chiến lược, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển, duy trì môi trường hòa bình ổn định, nâng cao uy tín, vị thế đất nước, như tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), ngày 22/3/2023. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC), ngày 22/3/2023. (Ảnh: TTXVN)

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ có điều kiện tăng cường quan hệ với Việt Nam, một đối tác có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực, thông qua đó tăng cường quan hệ với ASEAN và các nước trong khu vực nói chung; tranh thủ những cơ hội hợp tác mới để nâng cao vị thế, vai trò của Hoa Kỳ ở khu vực.

Khuôn khổ mới Đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo điều kiện để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố lòng tin, nền tảng hết sức quan trọng trong mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia trong nhiều năm tới.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, việc nâng cấp quan hệ sẽ tác động tích cực, làm tăng sự đồng thuận ở mỗi nước; tạo điều kiện huy động và tập trung nguồn lực cho các chương trình, kế hoạch hợp tác quan trọng mà hai bên cùng có lợi. Riêng đối với Hoa Kỳ, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ củng cố sự ủng hộ lưỡng đảng với quan hệ hai nước, từ đó tăng tính ổn định, bền vững, dễ đoán định trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam dù đảng nào cầm quyền ở Hoa Kỳ.

Một điều cần nhấn mạnh là khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, mà còn đóng góp quan trọng cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Việc xác lập quan hệ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN với Hoa Kỳ một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tính ĐÚNG ĐẮN và là một KẾT QUẢ QUAN TRỌNGNỔI BẬT của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.
_______________
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
***

  • Năm 1995:Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ hai nước (ngày 12/7).
  • Năm 2000:Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 16 đến 19/11).
  • Năm 2005:Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 19 đến 25/6).
  • Năm 2006: Tổng thống Hoa Kỳ George Bush thăm chính thức Việt Nam, dự Hội nghị cấp cao APEC (từ ngày 17 đến 20/11).
  • Năm 2007:Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 18 đến 23/6).
  • Năm 2008: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 23 đến 26/6).
  • Năm 2013:Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 24 đến 26/7). Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
  • Năm 2015:Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 6 đến 10/7). Hai nước ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ.
  • Năm 2016:Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 22 đến 25/5).
  • Năm 2017:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ (từ ngày 29 đến 31/5).
  • Năm 2017:Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm cấp nhà nước tới Việt Nam; dự Hội nghị cấp cao APEC (từ ngày 11 đến 12/11).
  • Năm 2018:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73, tại Hoa Kỳ (từ ngày 26 đến 27/9).
  • Năm 2019:Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên được tổ chức tại Việt Nam (ngày 27/2).
  • Năm 2020:Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thốngHoa Kỳ Donald Trump, thảo luận về phối hợp phòng, chống dịch Covid-19 (ngày 6/5).
  • Năm 2021:Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris thăm Việt Nam (từ ngày 24 đến 26/8).
  • Năm 2021:Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, có các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ (từ ngày 21 đến 24/9).
  • Năm 2022:Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ, thăm làm việc tại Hoa Kỳ (từ ngày 11 đến 17/5).
  • Năm 2023:Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (ngày 29/3).
  • Năm 2023:Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững(ngày 10/9).

Việt Nam-Brazil: Củng cố, thúc đẩy tình hữu nghị

Việt Nam và Brazil chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. Tình hữu nghị và đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam và Brazil được thể hiện qua sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế đa phương. Nhằm triển khai hợp tác hiệu quả, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện vào tháng 5/2007 và kể từ đó, trao đổi thương mại tăng trưởng đều đặn. Trải qua chặng đường hơn 30 năm, quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Brazil là quốc gia có diện tích lớn thứ 5 thế giới và lớn nhất khu vực Nam Mỹ, sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú do có phần lớn diện tích nằm giữa đường xích đạo và chí tuyến nam. Với vị trí địa lý có chung biên giới với hầu hết các nước Nam Mỹ khác (trừ Ecuador và Chile), Brazil đóng vai trò quan trọng, vừa là thị trường tiêu thụ lớn, vừa là cầu nối giao thương kinh tế, hàng hóa giữa các quốc gia trong khu vực.

Nền kinh tế Brazil lớn nhất khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ 8 thế giới, giàu tài nguyên thiên nhiên, sản xuất nông nghiệp lớn thứ 2 thế giới, xuất khẩu khoáng sản đứng thứ 3 thế giới. Khoa học-công nghệ đạt trình độ cao trong nhiều lĩnh vực, như sản xuất, nghiên cứu ứng dụng; bên cạnh đó, nền công nghiệp hàng không, quân sự, cơ khí, chế tạo của Brazil cũng khá phát triển.

Tại cuộc gặp Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị Thượng định G7 mở rộng, ngày 21/5/2023, tại Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Brazil. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tại cuộc gặp Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị Thượng định G7 mở rộng, ngày 21/5/2023, tại Hiroshima, Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ đối tác toàn diện với Brazil. (Ảnh: Nhật Bắc)

Sau khoảng thời gian suy giảm tăng trưởng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kinh tế Brazil dần lấy lại đà tăng trưởng, với GDP tăng 2,9% trong năm 2022 (theo Ngân hàng Thế giới). Xuất khẩu hằng năm hiện đạt khoảng gần 200 tỷ USD, chủ yếu là khí đốt tự nhiên, thiếc, kẽm, vàng, bạc, cà-phê, đậu tương và sản phẩm từ gỗ; trong khi giá trị nhập khẩu của Brazil khoảng 140 tỷ USD, chủ yếu gồm máy móc và phương tiện vận tải, hàng tiêu dùng, nguyên liệu và bán thành phẩm, hoá chất, dầu thô, thực phẩm. Các thị trường chính của Brazil là Trung Quốc, Mỹ, Argentina, Colombia, Peru; trong đó Mỹ là nước đầu tư lớn nhất, tiếp sau là Đức, Nhật, Pháp và Anh.

Brazil là quốc gia có uytín, vị thế và vai trò quan trọng ở khu vực Mỹ Latinh và trên thế giới, là thành viên tích cực tại nhiều tổ chức, cơ chế đa phương quốc tế. Về chính sách đối ngoại, Brazil ưu tiên tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực Caribe, đồng thời nỗ lực tăng cường vị thế và vai trò tại các tổ chức thế giới và khu vực, như Liên hợp quốc, WTO, G20, BRICS, MERCOSUR…

Chính phủ Brazil thời gian qua đã tăng cường các chính sách xóa đói giảm nghèo và chống bất bình đẳng xã hội; thúc đẩy bình đẳng giới; đấu tranh chống bạo lực nói chung và bạo lực ở phụ nữ; hỗ trợ quyền của trẻ em, thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, là những nỗ lực nhằm bảo đảm tính bền vững về môi trường; tăng cường bảo vệ rừng Amazon và đấu tranh chống tội phạm môi trường; tham gia các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế khủng hoảng khí hậu và đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí carbon được đưa ra tại Hội nghị Paris 2015; thay đổi mô hình tiêu thụ và sản xuất năng lượng.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga tiếp Thứ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia và Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tới thăm và làm việc tại trụ sở VUFO, ngày 6/6/2023.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga tiếp Thứ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia và Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tới thăm và làm việc tại trụ sở VUFO, ngày 6/6/2023.

Một hoạt động tại sự kiện "Cà-phê cùng Đại sứ-phiên bản Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phối hợp Liên đoàn Thương mại Hàng hóa, Dịch vụ và Du lịch của Quận Liên bang cùng Viện Xuất khẩu Trẻ tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Một hoạt động tại sự kiện "Cà-phê cùng Đại sứ-phiên bản Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phối hợp Liên đoàn Thương mại Hàng hóa, Dịch vụ và Du lịch của Quận Liên bang cùng Viện Xuất khẩu Trẻ tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Item 1 of 2

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga tiếp Thứ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia và Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tới thăm và làm việc tại trụ sở VUFO, ngày 6/6/2023.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga tiếp Thứ trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia và Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tới thăm và làm việc tại trụ sở VUFO, ngày 6/6/2023.

Một hoạt động tại sự kiện "Cà-phê cùng Đại sứ-phiên bản Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phối hợp Liên đoàn Thương mại Hàng hóa, Dịch vụ và Du lịch của Quận Liên bang cùng Viện Xuất khẩu Trẻ tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Một hoạt động tại sự kiện "Cà-phê cùng Đại sứ-phiên bản Việt Nam" do Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil phối hợp Liên đoàn Thương mại Hàng hóa, Dịch vụ và Du lịch của Quận Liên bang cùng Viện Xuất khẩu Trẻ tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn coi Brazil là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Mỹ Latinh. Trong bối cảnh hai nước đã mở cửa hoàn toàn và đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển sau đại dịch, chuyến thăm Brazil của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đoàn kết và ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia, tăng cường hợp tác giữa chính phủ hai nước, nâng tầm quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng thực chất và hiệu quả.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước đóng vai trò quan trọng, là cơ sở thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện. Trao đổi thương mại song phương liên tục tăng, kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2022 đạt mức kỷ lục 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so mức năm 2021.

Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và đứng thứ 2 tại châu Mỹ, chỉ sau Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Brazil gồm điện thoại, linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, máy móc, phụ tùng, phương tiện vận tải, sắt thép, giầy dép, sợi dệt, thủy sản... Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ các mặt hàng như quặng, khoáng sản, bông sợi, thức ăn gia súc, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may và da giầy...

Đối với Việt Nam, Brazil luôn là ĐỐI TÁC LỚN, QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU tại Nam Mỹ. Hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng trong quan hệ song phương. Trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng duy trì đà tăng cấp số nhân trong thời gian qua và đã đạt gần 7 tỷ USD. Trên cơ sở quan hệ ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN, giao lưu văn hóa-giáo dục-du lịch giữa hai nước tiếp tục được tăng cường, trở thành nhịp cầu đưa nhân dân Việt Nam và Brazil xích lại gần nhau hơn.
--------------
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa

Thời gian qua, các cơ quan Bộ, ngành hai nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi, từ đó xác định các tiềm năng và thế mạnh bổ trợ cho nhau, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực sẵn có theo hướng thực chất, bên cạnh mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác mới. Sắp tới, Việt Nam và Brazil tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hợp tác nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khoa học-công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam.

Phía Việt Nam hy vọng Brazil quan tâm thúc đẩy sớm khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và Việt Nam, nhất là ở giai đoạn Brazil đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của khối trong sáu tháng cuối năm 2023.

Hai bên cũng hướng tới tăng cường đầu tư, kết nối doanh nghiệp. Brazil hiện có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 3,83 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo (chiếm 68% vốn đăng ký); bán buôn-bán lẻ (26,6%); hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (2,8%).

Quang cảnh cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 21/5/2023, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Nhật Bắc)

Quang cảnh cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula Da Silva bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 21/5/2023, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: Nhật Bắc)

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Brazil chia sẻ quan điểm về cải tổ Liên hợp quốc cùng nhiều vấn đề quốc tế khác. Hai bên hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Việt Nam ủng hộ Brazil vào Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) nhiệm kỳ 2013-2016, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2017-2019; trong khi Brazil ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 hay gần đây nhất là Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) mở rộng diễn ra vào tháng 5/2023 tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp mặt, trao đổi trực tiếp với Tổng thống Brazil Lula Da Silva về nhiều vấn đề mà hai nước cùng quan tâm. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện với Brazil, một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Brazil với vai trò Đối tác theo lĩnh vực, giữa ASEAN và MERCOSUR.

Tổng thống Lula Da Silva ủng hộ sớm khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và MERCOSUR, đồng thời mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trên các mặt, nhất là hợp tác về thương mại, nông nghiệp, giao lưu nhân dân, phối hợp tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương.

Chắc chắn rằng, quan hệ ĐỐI TÁC của chúng ta với ASEAN sẽ mở đường cho việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á, một khu vực quan trọng của thế giới ngày nay, trong đó VIỆT NAM đóng một VAI TRÒ QUAN TRỌNG.
----------
Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia

Tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9 tại thủ đô Brasilia (Brazil), Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia khẳng định, quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Việt Nam dựa trên tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. Với tiềm năng to lớn và nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, Việt Nam là một trong những đối tác lâu dài của Brazil ở khu vực Đông Nam Á trong các lĩnh vực như an ninh lương thực, năng lượng, du lịch, văn hóa, hợp tác kinh doanh, giao lưu nhân dân, hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ là sự kiện quan trọng hướng tới kỷ niệm 35 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil (8/5/1989-8/5/2024), góp phần tăng cường hơn nữa tình cảm giữa chính phủ và nhân dân hai nước.

Chuyến thăm chính thức Brazil lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm củng cố quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa Việt Nam và Brazil, cũng như các nước Mỹ Latinh nói chung; tiếp tục khẳng định Brazil là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, đồng thời thúc đẩy khả năng khởi động đàm phán FTA Việt Nam-MERCOSUR.

Ngày xuất bản: 17/9/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG-PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: SƠN NINH-THANH THỂ-HUY VŨ
Trình bày: NGỌC BÍCH

Trở về nhandan.vn

TopShorthand logoBuilt withShorthand