Giáo dục - Đào tạo

Những thách thức nâng cao chất lượng giáo viên ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền 18/09/2023 05:40

Cùng với thiếu giáo viên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là một thách thức với ngành Giáo dục Đắk Nông.

Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông, ngành Giáo dục xác định chất lượng đội ngũ chính là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với tinh thần đó, ngành không ngừng chăm lo, tạo điều kiện để cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nỗ lực tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm thực hiện đổi mới sáng tạo trong dạy và học; chủ động học tập, tiếp thu các phương pháp dạy học mới, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh... để nâng cao năng lực phát triển nghề nghiệp. Đến nay, tỷ lệ giáo viên có thâm niên tương đối nhiều, trở thành lực lượng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

img_8633(1).jpg
Bậc mầm non tỉnh Đắk Nông còn 17,09% giáo viên chưa đạt chuẩn

Sau 20 năm, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phát triển nhanh về số lượng, cơ bản bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bổ khá toàn diện trong các cấp, bậc học.

Từ chỗ chỉ có 4.556 giáo viên và 364 cán bộ quản lý khi mới tái lập, đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 9.200 giáo viên, 848 cán bộ quản lý và 968 nhân viên.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo từng cấp học theo Luật Giáo dục 2019 ngày càng tăng. Cụ thể, bậc mầm non 82,1%; bậc Tiểu học 89,2%; bậc THCS 93,7% và bậc THPT đạt 100%.

giao-vien-dat-chuan-222222(2).png

Những thách thức về chất lượng

Cũng theo ông Trần Sĩ Thành, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên chưa tốt. Điều kiện, cơ hội tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn.

Khả năng ngoại ngữ, tin học một số giáo viên lớn tuổi còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học.

Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều giữa vùng có điều kiện kinh tế, xã hội thuận lợi và vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Do tình trạng thiếu biên chế nên nhiều giáo viên mầm non, tiểu học chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, chưa thực hiện được nâng cao trình độ đào tạo theo lộ trình.

Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao so với yêu cầu; trong đó mầm non 17,8%; tiểu học 10,8%; THCS 6,3%. Số lượng người làm việc được giao chưa bảo đảm theo định mức quy định, chưa đáp ứng yêu cầu khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Việc thiếu giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác mà còn gây khó khăn trong sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định.

nguyen-hien-mau(1).jpg

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc thiếu giáo viên có thể giải quyết nhanh nếu có cơ chế. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực của giáo viên đáp ứng nhu cầu chất lượng và đổi mới thật sự là thách thức của ngành. Nếu có đủ biên chế để tuyển dụng cũng không thể "một sớm một chiều" giải quyết được bài toán về chất lượng.

Một khó khăn hơn nữa là đội ngũ giáo viên ở vùng điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn thường có tính thụ động trong tiếp thu những yêu cầu đổi mới, vượt lên chính mình để hoàn thành mục tiêu chuyên môn.

Do đó, Bộ trưởng GD-ĐT đề nghị Đắk Nông có cái nhìn tổng hòa để giải quyết cả về số lượng, cơ cấu, thành phần và nhất là chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Nguyễn Hiền