Đời sống

Không gian mạng - có phá vỡ đời sống truyền thống…?

Đức Diệu 15/09/2023 16:02

Từ khi có Internet, đời sống con người và đời sống xã hội chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn của đời sống mở với những tiện ích vượt xa tưởng tượng của con người trước đó. Từ đây, đời sống cổ truyền bao đời được xác lập, đang dần bị phá vỡ bởi những góc nhìn mới, quan điểm và cách làm mới chính từ các nền tảng mạng xã hội.

Không gian ảo trong đời sống thật

Khi mạng xã hội bùng nổ, chúng ta thường nghe câu “sống ảo” để chỉ những hoạt động của con người trên mạng xã hội như kết bạn, tương tác hình ảnh, trò chuyện và bày tỏ quan điểm, chứng kiến cá nhân… Bởi nhiều người cho rằng, mạng xã hội chỉ là các hoạt động ảo, không mang lại những giá trị thực cho đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa lịch sử của con người. Đời sống của con người phải là những hoạt động thực tiễn, mang tính cụ thể hóa cao. Vì vậy, các hoạt động của con người trên không gian mạng được hiểu theo chiều hướng giải trí, với nhiều tác động tiêu cực đến đời sống hơn là mặt tích cực.

164646img_3412(1).jpg
Nhiều hoạt đồng của đời sống con người đang chuyển dịch lên trên không gian mạng

Tuy nhiên, tận dụng tài nguyên vô tận của không gian mạng, các nhà cung cấp dịch vụ đã tạo ra một đời sống mới trên các nền tảng số. Dần dần, con người tham gia các hoạt động trên không gian mạng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống con người, kể cả đời sống văn hóa, xã hội hiện nay.

Thậm chí, nhiều người, nhất là giới trẻ hiện nay thẳng thắng thừa nhận: “Thà nhịn ăn một ngày còn hơn mất Internet một bữa”. Nói như thế để hiểu, đời sống trên không gian mạng hiện nay không còn là đời sống ảo, nó đã trở thành những hoạt động, nhu cầu thực tiễn rất cụ thể của con người. Con người dùng Internet để tìm kiếm thông tin thay vì phải đến thư viện. Con người gặp gỡ bạn bè, người thân trực tuyến thay vì tới tận nhà thăm hỏi như trước đây. Trước khi đi ngủ hay sau khi tỉnh giấc, thay vì với lấy quyền sách, tờ báo đầu giường để giải trí, nắm bắt thông tin như trước đây, hiện nay, con người lại cầm điện thoại lướt facebook, zalo…

Ngay cả những bậc trung niên, bô lão ở quê, trước đây có ấm chè xanh, con cháu phải đến từng nhà để mời thì nay, các cụ đã có nhóm za lô, chí ít cũng có cái điện thoại “cục gạch” chỉ ngồi ở nhà điện thoại, nhắn tin cùng nhau tụ họp. Tiện ích của các nền tảng mạng xã hội là không thể phủ nhận. Chính sự không thể phủ nhận đó, dần dần, nó mặc định có một vai trò quan trọng, thậm chí có yếu tố sống còn đối với đời sống nói chung.

Khi đã xác định đúng quan điểm và các hoạt động trên không gian mạng không còn là ảo, chúng ta mới có được những hành động, ứng xử đúng với tính chất và mức độ của nó.

Nếu nói đời sống truyền thống so với đời sống trên không gian mạng hiện nay khác nhau chỗ nào, có chăng nó khác về cách thức, hình thức thực hiện, tiếp cận thông tin, giao tiếp xã hội. Một số hoạt động của đời sống con người trước đây mang tính trực tiếp thì hiện nay có sự tham gia của bên “thứ ba”, đó là các nền tảng mạng xã hội.

Chỉ đơn cử, hình ảnh các cô, các bác bán hàng rong ở thôn quê trước đây dù chỉ bó chè, mớ rau cũng phải gánh đi từng ngõ, gõ từng nhà mới mong bán được hàng. Thế nhưng hiện nay, với sự vào cuộc của “bên thứ ba”, người mua và người bán không cần gặp nhau cũng có thể hoàn thành giao dịch mua bán. Đó không phải là giá trị ảo, mà là giá trị thật, giá trị của thời đại công nghệ số.

Xác lập giá trị đời sống mới

Khi các hoạt động trên không gian mạng mang lại những giá trị nhất định cho đời sống, đương nhiên, không gian mạng có quyền định đoạt giá trị đó theo cách của chính nó.

mc-1-.jpg
Báo Đắk Nông ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất các sản phẩm báo chí

Chỉ đơn cử, đời sống của một tác phẩm văn học chẳng hạn. Nếu như trước đây, chúng ta dựa trên số lần tái bản và số lượng xuất bản để làm căn cứ xác lập giá trị thì hiện nay, nó là những cú nhấp chuột, thả tim, nhấn like…Trước đây, nhiều ca sỹ cống hiến cả đời mới được xã hội công nhận thì ngày nay, nhiều ca sỹ chỉ mới xuất hiện đã “nổi đình nổi đám”, được cả thế giới biết đến với lượng fan khủng… Đó là sức mạnh của hoạt động đời sống trên không gian mạng.

Đối với đời sống con người, khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, cũng từng bước xác lập giá trị của chính mình bằng các hoạt động hay tương tác. Bạn được bạn bè, người thân chú ý nhiều hơn. Bạn giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, học tập kiến thức nhiều hơn hay thu nhập tốt hơn thông qua mạng xã hội…

Và ngược lại, thông qua các hoạt động trên không gian mạng thiếu chuẩn mực, sai đạo đức, giá trị của chính người đó cũng bị các hoạt động trên không gian mạng phán xét như “cộng đồng mạng ném đá, cộng đồng mạng tẩy chay…”.

Từ đây, các hoạt động trên không gian mạng cũng từng bước được chuẩn hóa, luật hóa để điều khiển hành vi, hoạt động của đời sống nói chung, đời sống con người nói riêng trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, có những giá trị của một số hoạt động trong đời sống thực tại đã bị mai một, thậm chí mất đi, thay vào đó là các giá trị mới của những hoạt động trong đời sống trên không gian mạng.

Đơn cử, một số hoạt động vui chơi, giải trí truyền thống của con người hiện nay gần như không còn, thay vào đó là các hoạt động vui chơi giải trí trên không gian mạng. Một số công việc trước đây hiện nay đã và đang dần biến mất do được thay thế bằng các hoạt động khác tiện ích hơn, hấp dẫn hơn nhờ số hóa…

Đời sống của con người, sự vật… suy cho cùng là quá trình hoạt động từ khi hình thành đến lúc kết thúc. Quá trình đó, các hoạt động tham gia vào đời sống sẽ tạo nên giá trị của chính đời sống đó.

Chính vì vậy, dù các hoạt động ở thực tiễn hay trên môi trường mạng đều có một điểm chung đó là không thể vượt qua các quy chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục và cao hơn là các quy định pháp luật.

Giá trị cốt lõi của đời sống dù truyền thống hay trên môi trường mạng cũng được xây dựng từ chính hành vi, hoạt động của bản thân ở bất kỳ môi trường nào.

Đức Diệu