Làm sao để an toàn trên không gian mạng?
Mạng xã hội đang mang lại nhiều trải nghiệm tiện ích cho người dùng. Tuy nhiên, để tránh rơi vào những cạm bẫy trên không gian mạng, người dùng cần trang bị kiến thức và cảnh giác trước các thủ đoạn của kẻ xấu.
Những cạm bẫy không mới
Mới đây, chị T.T.Y (Gia Nghĩa) đã bị một đối tượng xưng là "Việt kiều" trên mạng xã hội lừa gần 1,4 tỷ đồng. Vào cuối tháng 6/2023, chị Y đã kết bạn với một “Việt kiều Mỹ" qua facebook.
Quá trình tương tác, khi trở nên thân thiết, chị Y cho đối tượng biết nhiều thông tin về cá nhân, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp bản thân…
Đối tượng cũng cho biết, anh ta còn độc thân, muốn về Việt Nam sinh sống làm ăn. Đối tượng còn “khoe” rằng, mình có nhiều tài sản giá trị lên tới hàng triệu USD và muốn chuyển về Việt Nam và đã nhờ chị Y nhận giúp.
Sau một thời gian, chị Y nhận được phiếu nhận hàng từ Mỹ gửi về. Tiếp đó, chị Y nhận được điện thoại thông báo có một gói quà rất có giá trị từ Mỹ gửi về của một người tự xưng là "nhân viên hải quan" TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, muốn nhận quà, chị phải chuyển phí vận chuyển, thuế hải quan, tiền phạt…
Vào giữa tháng 7/2023, chị Y đã 3 lần chuyển cho “nhân viên hải quan” với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi chuyển tiền, chị Y không thể liên lạc được với các đối tượng lừa đảo trên.
Trang facebook của bạn “Việt kiều” biến mất, còn số điện thoại các đối tượng đều không liên lạc được. Lúc này, biết mình đã bị lừa, chị Y lúc này mới trình báo với cơ quan chức năng…
Trước đó, Công an huyện Đắk R’lấp cũng đã tạm giữ hình sự đối với V.Đ (SN 1996) thường trú tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đề điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”.
Đối tượng Đ khai nhận đã lên mạng xã hội facebook, sử dụng tài khoản “Yên Lưu” tìm kiếm dòng chữ “tìm giấy tờ”. Sau đó, mạng xã hội sẽ hiện những thông tin, hình ảnh của những người bị mất giấy tờ, kèm số điện thoại.
Đ đã gọi điện cho chủ nhân mất giấy tờ. Sau đó, tự xưng mình là nhân viên ngân hàng đang giữ giấy tờ, yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng và số thẻ ATM, số CCCD để xác minh có phải chủ tài khoản bị mất hay không? Khi có được số thẻ ATM, số và hình ảnh CCCD bị hại, Đ lập và đăng ký tài khoản ZaloPay từ thông tin của bị hại cung cấp.
Từ hình ảnh CMND, CCCD, thẻ ATM và tài liệu khác lưu trên điện thoại của Đ, cơ quan công an xác định, có khoảng 52 nạn nhân trên cả nước đã bị anh ta lừa, với tổng số tiền giao dịch khoảng 6 tỷ đồng.
Tính tăng bảo mật thông tin cá nhân
Không gian mạng đã trở thành phương tiện hữu ích cho người dùng. Họ có nhiều điều kiện hơn trong việc thể hiện thái độ, quan điểm, hành vi, định hướng giá trị trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Tuy nhiên, môi trường không gian mạng cũng tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến người người dùng. Trong đó, những thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều.
Khi tham gia mạng xã hội, tương tác, trao đổi thông tin, người dùng có thể bắt gặp nội dung không phù hợp, thông tin bóp méo, xuyên tạc sự thật, bạo lực, khiêu dâm, thông tin xấu, độc hại,vi phạm pháp luật…
Chuyện xâm hại đời tư của cá nhân cũng trở nên phổ biến hơn. Thông tin, hình ảnh của bất kỳ ai đăng tải lên không gian mạng được sao chép và chia sẻ lại một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Việc chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, thông tin, hình người thân hay thậm chí thông tin, hình ảnh nhạy cảm có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích tung tin, lừa đảo hay đe dọa người dùng…
PA05 Đắk Nông cho biết, hiện nay, việc truy tìm các đối tượng phạm tội trên không gian mạng như trên rất khó khăn. Bởi hầu hết bọn chúng đều ẩn danh, dùng tên, tài khoản giả mạo.
Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi tham gia kết bạn với người lạ trên mạng xã hội. Khi được hứa hẹn được tặng quà hay tài sản có giá trị cần cho người thân trong gia đình biết.
Đặc biệt, khi phát hiện những đối tượng lừa đảo tương tự, người dân cần báo ngay cho lực lượng công an. Người dân cũng cần tham gia tuyên truyền thủ đoạn này cho người thân, bạn bè biết để cảnh giác.
Bộ TT-TT khuyến cáo, để khai thác, sử dụng có hiệu quả môi trường không gian mạng, đòi hỏi người sử dụng, nhất là giới trẻ phải được trang bị kỹ năng, nắm vững pháp luật về an ninh mạng.
Trong đó cần tôn trọng những giá trị đạo đức, giá trị văn hoá, giá trị tinh thần, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Người dùng cần sáng suốt, cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội như: không đăng tải, like, chia sẻ những thông tin xấu…
Ông Nguyễn Đỗ Hạnh, Phó Phòng Cơ yếu- Công nghệ thông tin, Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết: “Người dùng phải luôn bảo mật thông tin cá nhân. Có nghĩa là việc đăng nhập không nên đăng nhập tự động, lưu tự động mà phải nhập từng lần. Trong trường hợp có dấu hiệu lộ lọt thông tin thì phải thay đổi mật khẩu của mình”.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho hay, hiện tại, nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng đang được Bộ TT-TT sửa đổi, sẽ ban hành trong năm 2023. Trong đó có những thay đổi rất quan trọng.
Cụ thể là sẽ yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như: Facebook, YouTube, TikTok... và mạng xã hội trong nước.