Mạng xã hội không chỉ là thế giới ảo
Không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân, mạng xã hội (MXH) như facebook, zalo, tiktok… đang góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gia tăng giá trị cuộc sống.
Dạy học, buôn bán thông qua MXH
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc đi lại của người dân bị hạn chế nên nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã thay đổi cách thức làm việc. Từ làm việc trực tiếp sang làm việc tại nhà. Đối với các trường học, chuyển từ dạy học trực tiếp sang hình thức học trực tuyến.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hình thức học trực tuyến vẫn được nhiều cơ sở giáo dục duy trì song song với cách dạy truyền thống. Hình thức này đã và đang mang lại nhiều hiệu quả cho cả người dạy, người học.
Anh Trần Minh Quý, ở TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đang tham gia học văn bằng 2 tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Theo anh Quý, hình thức học trực tuyến đã giúp anh tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Việc học theo hình thức này còn giúp anh chủ động sắp xếp được thời gian học, trong khi vẫn bảo đảm được công việc hàng ngày.
Anh Quý chia sẻ: “Tham gia lớp học này, phần lớn thời gian tôi học trực tuyến vào buổi tối tại nhà thông qua ứng dụng Zoom và Google Meet, chỉ có hai ngày cuối tuần là học trực tiếp tại trường. Việc tham gia dạy học thông qua các ứng dụng, MXH tạo điều kiện cho học viên nhưng không làm mất đi việc tương tác giữa giáo viên và người học”.
Cùng với việc dạy học trực tuyến, hiện nay MXH đang được khai thác triệt để trong các hoạt động thương mại. Từ những thương hiệu nổi tiếng đến các sản phẩm bình dân, thông qua MXH dễ dàng tiếp cận với nhiều người hơn, giúp tăng thêm doanh số, lợi nhuận bán hàng.
Điển hình, mới đây, tận dụng được lợi thế từ MXH, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Agritrade và Tiktok thí điểm số hóa các làng nghề, sản phẩm truyền thống nhằm thúc đẩy việc quảng bá và kinh doanh nông sản tại địa phương. Trong 3 ngày (3 - 5/8/2023), tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chương trình "Chợ phiên OCOP - nông sản trong mây".
Buổi livestream (phát sóng trực tiếp) của chương trình đã giới thiệu nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có khoảng 50 sản phẩm nông sản đặc sản. Điều đặc biệt, buổi phát sóng đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, hơn 535.000 lượt click vào xem, qua đó giúp nông sản của địa phương này đến với nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất, con người
Đầu năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Điểm khác biệt so với những lần tổ chức trước đó là ban tổ chức đã mời thêm nhiều nhân vật nổi tiếng trên MXH thực hiện truyền thông về sự kiện, bên cạnh những thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài Hoa hậu hoàn vũ H’Hen Niê, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột có sự góp mặt của nhiều KOLs (người có ảnh hưởng trên MXH), hot Tiktoker (nhân vật nổi tiếng trên Tiktok), Travel Blogger (người chia sẻ về nội dung du lịch trên MXH), quản trị viên một số diễn đàn MXH…
Chính sự xuất hiện của những người nổi tiếng này đã góp phần lan tỏa hình ảnh con người và giá trị của hạt cà phê Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Tại Đắk Nông, trong thời gian qua nhiều diễn đàn MXH cũng đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất, con người của mảnh đất phía nam Tây Nguyên. Có thể kể đến như các trang facebook: Tin nhanh Đắk Nông; Hi Đắk Nông; Đắk Nông ngày mới; Đắk Nông review; Tin tức Đắk Nông…
Đáng chú ý, trong số này có một số diễn đàn dù ban đầu được lập ra với mục đích đưa các thông tin, sự kiện của địa phương, nhưng nhờ các hoạt động hiệu quả, ý nghĩa đã tiếp cận với nhiều người dùng mạng xã hội như Trường Xuân ngày nay; Krông Nô Daily; Đắk R’lấp 24h…
Anh Nguyễn Sơn Tùng, quản trị viên của trang facebook Hi Đắk Nông cho biết, hiện diễn đàn có khoảng trên 60.000 tài khoản theo dõi. Mỗi ngày, đội ngũ quản trị viên của diễn đàn sẽ xử lý và đăng tải khoảng 3-4 bài viết, với những nội dung giới thiệu về những địa điểm du lịch, ăn uống tại Đắk Nông.
“Thông qua những bài viết, clip, chúng tôi muốn hình ảnh của tỉnh Đắk Nông đến với nhiều người dùng hơn, qua đó thu hút du khách trong và ngoài tỉnh khám phá những vẻ đẹp hấp dẫn của vùng đất, con người Đắk Nông. Rất may mắn, trong thời gian qua, các bài viết trên diễn đàn đã nhận được sự tương tác lớn của mọi người. Điều này, tạo động lực cho đội ngũ quản trị viên của diễn đàn tiếp tục sản xuất, giới thiệu về vùng đất, con người Đắk Nông”, anh Tùng chia sẻ.
Vẫn cần thận trọng
MXH đã mang đến nhiều lợi ích, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiện hữu là việc thông tin người dùng bị đánh cắp. Từ đó, dẫn tới mất an toàn thông tin, có thể tiếp tay cho hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Thời gian gần đây, việc sử dụng một số ứng dụng, website chỉnh sửa ảnh chân dung cá nhân theo phong cách hoạt hình Nhật Bản đang trở thành trào lưu trên MXH.
Đa số các ứng dụng, website này còn cho phép người dùng sử dụng dịch vụ chỉnh sửa ảnh miễn phí. Sau khi chỉnh sửa ảnh, nhiều người đã chia sẻ các sản phẩm lên MXH, cùng với đó là đường link, gợi ý cho nhiều người khác cùng tham gia sử dụng dịch vụ này.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu và khuyến cáo việc người dùng cung cấp hình ảnh khuôn mặt cá nhân đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Đã có rất nhiều trường hợp, người dùng MXH bị chiếm đoạt tài khoản, sau đó các đối tượng xấu sử dụng công nghệ AI, deepfake tạo ra hình ảnh giả để phục vụ mục đích lừa đảo.
Cùng với việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, người dùng MXH cũng cần tỉnh táo, lựa chọn thông tin khi tham gia. Rất nhiều trường hợp đã “sập bẫy” khi kích vào các đường link giả mạo hoặc tiếp nhận, chia sẻ thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.
Điển hình nhất mới đây là trường hợp một kênh Youtube giả mạo Báo Giao thông, đăng tải clip với tiêu đề “CSTT CSGT Gia Nghĩa Đắk Nông, tẩn dân xong chạy”.
Liên quan đến sự việc này, Thanh tra Sở TT-TT tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ quản lý của kênh youtube giả mạo Báo Giao thông, đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa thông tin không đúng sự thật.