Kiên quyết không chịu sự tác động, sức ép trong xử lý tham nhũng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:22, 14/09/2023
Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũngĐã tạo ra bước đột phá mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực |
Cuốn sách đã chỉ rõ những kết quả tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với nỗ lực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực tế khẳng định, đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.
Số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu. |
Những kết quả đó gắn liền với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định, phát huy hiệu quả trên thực tế, được cụ thể hóa, thể chế hóa thành các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều cách làm sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn đã trở thành những bài học kinh nghiệm quý có thể xem là những đúc kết lý luận, định hướng cho hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, từ nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít những cán bộ cấp cao, giữ cương vị quan trọng, từ Trung ương đến nhiều địa phương cho thấy tính chất phức tạp, cam go của mặt trận này. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta…
Thiết nghĩ, từ ý nghĩa lý luận thực tiễn của tác phẩm, các cấp ủy cần quán triệt, tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa thành những chương trình, kế hoạch hành động và quyết tâm thực hiện. Từng địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới, khắc phục được hạn chế lâu nay.
Các cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều dư luận, đơn, thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực; kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”…