Đất và người Đắk Nông

Người phụ nữ Đắk Mil thu hàng trăm triệu đồng từ "lộc trời"

Hưng Nguyên 12/09/2023 05:08

Nuôi chim yến mỗi năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Mô hình chăn nuôi này còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

nuoiyen-2-(1).jpg
Yến thô đang được bà Nga xử lý, sơ chế tạo ra các sản phẩm bán ra thị trường

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) tình cờ biết về mô hình nuôi chim yến trong một lần đến nhà người thân chơi. Bà nhận thấy, nuôi chim yến phù hợp với điều kiện vùng đất Đắk Mil, nên đã tìm hiểu và đi học hỏi, tham khảo kinh nghiệm ở nhiều tỉnh, thành.

Năm 2016, bà quyết định đầu tư xây nhà, dụ, nuôi chim yến về nuôi. Bà đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê người về xây dựng căn nhà nuôi yến rộng khoảng 300m2.

Bà Nga cho biết, xây nhà nuôi yến thực chất là tạo vị trí cho chim yến về làm tổ, trú chân chứ người xây nhà không cần cho ăn hay nhân giống như những loài vật nuôi khác.

Chim yến đi kiếm ăn trong phạm vi khá rộng, nhưng đều quay về nhà để trú ngụ, sinh sản. Nhà nuôi yến phải được đặt ở vị trí có nguồn thức ăn tự nhiên mới dẫn dụ được số lượng chim lớn.

nuoiyen-3-(1).jpg
Các sản phẩm từ yến của bà Nga

Để bảo đảm môi trường tự nhiên, thích hợp cho yến trú ngụ, làm tổ, tường nhà nuôi yến phải cách âm, cách nhiệt, chủ động điều chỉnh ánh sáng. Nhiệt độ trong nhà cần duy trì từ 27 - 31℃; độ ẩm 70 - 80%... Nhà phải được lắp đặt thiết bị tạo âm thanh để thu hút, dẫn dụ chim yến ngoài tự nhiên đến làm tổ, sinh sản.

Ngoài ra, trong quá trình nuôi chim yến, người nuôi cần đặc biệt quan tâm việc phòng, ngừa thiên địch cho chim như: rắn, chuột, chim cú... Đây là những loài vật thường hay tấn công chim yến.

Theo bà Nga, về kỹ thuật xây dựng nhà yến và cách dụ chim yến về trú ngụ cần thuê thợ chuyên nghiệp hỗ trợ. Sau khoảng 3 tháng xây dựng nhà, bắt đầu có chim về ở. Khoảng 1 năm sau, yến bắt đầu làm tổ, nhưng số lượng ít. Từ năm thứ 3, sản phẩm tổ yến cho thu hoạch ổn định.

Sau 3 năm xây dựng nhà yến, bà Nga đã đầu tư chế biến sản phẩm từ tổ yến. Bà xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm khi bán ra thị trường. Gia đình bà hiện đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm từ tổ yến như: yến tươi, yến khô, yến thô, yến tinh chế...

nuoiyen-1-(1).jpg
Ngoài thu nhập cho gia đình, mô hình nuôi chim yến của bà Nga còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương.

Bà Nga chia sẻ kinh nghiệm, nuôi yến có mức đầu tư ban đầu khá lớn và phải có thời gian để chim phát triển bầy đàn mới có thể thu hoạch tổ.

Hiện nay, gia đình bà có 2 nhà nuôi yến, với 600m2. Mỗi năm, bà thu từ 2- 3 lứa tổ yến, mỗi lứa khoảng 20 kg. Tổ yến đã qua sơ chế, chế biến có giá bán khoảng 22 - 30 triệu đồng/kg.

Không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, mô hình nuôi chim yến của bà Nga còn tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương. Hiện bà sử dụng từ 2 - 4 nhân công thường nhặt lông, làm sạch tổ yến thô sau thu hoạch.

Theo lãnh đạo thị trấn Đắk Mil, các sản phẩm từ tổ yến của bà Nga đang xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP. Mô hình xây nhà nuôi yến đã hình thành và đang phát triển với nhiều triển vọng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở Đắk Mil.

Các mô hình nuôi chim yến đều có hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi này để bảo đảm đúng quy định, không ảnh hưởng đến môi trường, không gian.

Hưng Nguyên