Giáo dục - Đào tạo

Thiếu giáo viên - bài toán khó giải ở Đắk Nông

Nguyễn Hiền 11/09/2023 05:00

Thiếu giáo viên là "điệp khúc", chủ đề “nóng” vào đầu mỗi năm học. Đây cũng là trăn trở, bài toán khó giải của ngành Giáo dục Đắk Nông trong triển khai nhiệm vụ hằng năm.

Có chỉ tiêu nhưng không tuyển được

Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Glong, năm học 2023-2024, toàn huyện thiếu 153 nhân viên, giáo viên. Tuy thiếu, nhưng hiện nay Đắk Glong còn nhiều chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng được. Trong đó, bậc mầm non thiếu 22 biên chế, nhưng có đến 25 biên chế chưa tuyển dụng được; thiếu 89 người nhưng có đến 68 biên chế chưa tuyển dụng được; THCS thiếu 42 người, nhưng có 42 biên chế chưa tuyển dụng được (35 biên chế giáo viên).

img_9118(1).jpg
Toàn ngành Giáo dục còn gần 600 chỉ tiêu biên chế các cấp được giao nhưng chưa tuyển dụng được

Tương tự, hiện nay huyện Tuy Đức còn thiếu 102 biên chế, trong đó thiếu 62 biên chế giáo viên. Số biên chế giáo viên thiếu nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học là 58 người. Mặc dù thiếu biên chế nhưng hiện nay huyện vẫn còn 42 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng được. Theo ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức, thời gian qua huyện đã có các giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo công tác dạy và học như bố trí giáo viên dạy liên trường, liên xã, nhất là giáo viên tin học, tiếng Anh; cho chủ trương để các trường thực hiện hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ đối với số biên chế chưa tuyển dụng; cho phép một số trường bố trí giáo viên dạy thừa giờ sử dụng kinh phí tự chủ của các đơn vị để chi trả chế độ cho giáo viên…

Không riêng Đắk Glong và Tuy Đức, theo thống kê, năm học 2023-2024 toàn tỉnh thiếu 1.021 biên chế, trong đó thiếu 606 biên chế giáo viên. Tuy nhiên hiện nay toàn ngành Giáo dục có đến gần 600 biên chế chưa tuyển dụng được. Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông cho biết: “Thời gian qua các huyện, thành phố cũng đã đẩy mạnh tuyển dụng số biên chế đã được giao để đáp ứng nhu cầu năm học. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên các địa phương không tuyển được thêm theo kế hoạch. Số lượng biên chế thiếu hiện nay chủ yếu là giáo viên các bộ môn như tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này thường xu hướng đi làm ngoài hoặc ở lại các thành phố lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các bậc học không có nguồn để tuyển.

Khó khăn bủa vây

Thông tin tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về khảo sát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29), ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho hay, các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa rất khó tuyển biên chế giáo viên. Đây cũng là vùng khó khăn nên việc thực hiện xã hội hóa để mở các cơ sở tư thục gần như không thể.

Hiện nay, ngành Giáo dục Đắk Nông mới cơ bản đáp ứng được cho phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trẻ 5 tuổi đến trường mới đạt khoảng 98,4%; trẻ 4 tuổi đạt 86%; trẻ 3 tuổi được đến trường đạt chỉ khoảng 65%; trẻ nhà trẻ hơn 13%. Số lượng trẻ trong độ tuổi 3-4 tuổi, nhất là vùng dân tộc thiểu số đến trường ít nên không được tiếp cận với tiếng Việt ở bậc mầm non. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng ở các bậc học tiếp theo.

123(1).jpg
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Võ Thị Sáu ở xã Đắk Nang (Krông Nô) không được học qua các lớp bậc mầm non nên giáo viên phải hỗ trợ dạy tiếng Việt đầu năm học để các em theo kịp chương trình học

Một thực tế cũng cho thấy, nhiều năm nay các cơ sở giáo dục, nhất là bậc mầm non và tiểu học đã phải “gánh gồng” để bố trí người đứng lớp cho đủ số tiết học. Nhiều trường buộc phải huy động cả cán bộ quản lý đứng lớp. Số lượng nhân viên được học chuyển đổi về đứng lớp cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu ngày càng tăng. Ngành Giáo dục cũng đã bố trí, điều chuyển giáo viên từ trường thiếu ít sang trường thiếu nhiều, áp dụng dạy liên trường… Tất cả các biện pháp này cũng chỉ mang tính tình thế, giải quyết tình huống trước mắt. Việc bố trí giáo viên dạy thêm giờ cũng phát sinh khó khăn cho các địa phương trong bố trí nguồn kinh phí chi trả.

Một khó khăn nữa, thực hiện mục tiêu tinh giảm biên chế của Trung ương, Đắk Nông được giao cắt giảm 317 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Để thực hiện cắt giảm biên chế theo lộ trình, Sở Nội vụ đã ban hành công văn yêu cầu các địa phương tạm dừng tuyển dụng, xét tuyển viên chức đối với số lượng biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chưa sử dụng tại các cơ quan, đơn vị cho đến khi có văn bản giao biên chế năm 2023 của UBND tỉnh.

bd-bien-che.jpg
Đồ họa Việt Dũng

Thiếu biên chế, không tuyển được chỉ tiêu biên chế giao, bị tạm dừng tuyển dụng nên nếu bị cắt giảm thêm chỉ tiêu biên chế nữa sẽ là khó khăn, thách thức đối với toàn ngành. Trên cơ sở rà soát, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương bổ sung thêm số lượng biên chế ngành giáo dục hiện thiếu cũng như có những chính sách phù hợp giúp địa phương giải quyết được điểm “nóng” thiếu giáo viên hiện nay.

Quyết tâm bảo đảm học sinh đến trường

Để giải quyết khó khăn trước mắt do thiếu giáo viên, dự, phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 -2023 của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Đắk Nông cần phải rà soát tổng thể việc thừa thiếu giáo viên để có giải pháp tình thế. Trong khi chờ chính sách thay đổi, chờ bổ sung biên chế thì tỉnh vẫn phải bảo đảm được cho học sinh đến trường. Những nơi thiếu giáo viên môn Tin học, Ngoại ngữ nếu chưa tuyển được, địa phương thực hiện kết hợp hình thức dạy trực tiếp và trực tuyến”.

nguyen-hien.png

Đi đôi với đó, Đắk Nông tăng cường kiến nghị lên Trung ương. Các sở ngành, địa phương của tỉnh nhất là Sở Nội vụ, Sở Tài chính phải phối hợp để kiến nghị trong vấn đề chính sách. Sắp tới Trung ương sẽ tổng kết Nghị quyết 29 - là dịp để căn cứ điều chỉnh cho các chính sách nên Đắk Nông tăng cường kiến nghị.

Nguyễn Hiền