Chủ động thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 08:48, 10/09/2023
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Nhà vua Anh Charles III. (Ảnh: TTXVN phát)
Nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập Quan hệ Ngoại giao (11/9/1973-11/9/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại London đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long về những thành tựu và triển vọng trong quan hệ song phương.
- Thưa Đại sứ, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong 50 năm qua? Theo Đại sứ, đâu là những thế mạnh hợp tác cần phát huy?
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập Quan hệ Ngoại giao năm 1973, song quan hệ thương mại giữa hai nước đã có từ nhiều thế kỷ trước. Vì vậy, có thể nói quan hệ giữa hai nước sâu rộng hơn nhiều so với mốc 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao.
Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác song phương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quan trọng nhất là hai bên đã xây dựng được khuôn khổ Quan hệ Hợp tác Toàn diện và cụ thể trên nhiều lĩnh vực.
Về tổng thể, năm 2010, hai nước ký Tuyên bố chung về việc Thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2020, hai bên ra Tuyên bố chung Mới về Đối tác Chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm chính trị-ngoại giao; thương mại-đầu tư-kinh doanh; phát triển và tăng trưởng bền vững; giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; quốc phòng, an ninh, tội phạm có tổ chức; giao lưu nhân dân và những vấn đề quốc tế. Hai bên cũng khẳng định hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Cụ thể trong từng lĩnh vực, về hợp tác chính trị-ngoại giao, hai bên thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao định kỳ luân phiên và thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao.
Trong 3 năm từ năm 2021 đến nay, đã có 3 đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm và làm việc tại Anh và 10 đoàn cấp bộ trưởng, quốc vụ khanh của Anh sang Việt Nam. Việc duy trì tiếp xúc cấp cao giúp thúc đẩy hợp tác chung trên mọi mặt, tăng cường hiểu biết, tin cậy chính trị giữa hai bên.
Về kinh tế-thương mại, hai bên duy trì thường niên các Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO) (lần thứ 12 vào năm 2022). Ngay sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), Việt Nam và Anh đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do (UKVFTA), đảm bảo thương mại hai chiều không bị ảnh hưởng do Brexit.
Kết quả là kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng trong những năm gần đây, kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, đạt 6,7 tỷ USD năm 2021 và 6,83 tỷ USD năm 2022. Điều đặc biệt là trong đó Việt Nam xuất siêu trên 5 tỷ USD (năm 2022). Việt Nam là đối tác thứ 9 của Anh về thương mại hàng hóa, trong khi Anh là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu bảng/năm trong giai đoạn 2006-2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác Phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006-2015.
Mặc dù ngừng cung cấp Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) từ năm 2016, Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo.
Hợp tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, sáng tạo được đẩy mạnh. Hiện có gần 15.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Anh. Các trường đại học của Anh và Việt Nam đang triển khai hiệu quả hơn 100 chương trình hợp tác.
Về khoa học-công nghệ, hai bên đã thiết lập văn phòng hợp tác khoa học công nghệ tại các đại sứ quán. Trong thời gian tới, Anh đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam hướng tới nền công nghiệp 4.0, nền Kinh tế Carbon thấp và khả năng phục hồi khí hậu; nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; Tăng trưởng Xanh và năng lượng tái tạo. Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mới mà Anh có thế mạnh như công nghệ sinh học, vật liệu mới, lượng tử, Trí tuệ nhân tạo,…
Hợp tác quốc phòng-an ninh phát triển tích cực. Hai bên trao đổi nhiều đoàn quốc phòng và an ninh, đẩy mạnh hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, mua sắm trang thiết bị. Bộ trưởng Quốc phòng Anh lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam vào tháng 7/2021. Những năm gần đây, tàu hải quân Anh thường xuyên thăm Việt Nam.
Quang cảnh Đối thoại Chiến lược Việt Nam-Anh lần thứ 9. (Ảnh: TTXVN phát)
Bộ Quốc phòng hai nước đã nâng đối thoại chính sách quốc phòng thường niên lên cấp Thứ trưởng (cho đến nay đã duy trì 4 phiên họp, luân phiên tại mỗi nước); thiết lập Nhóm Công tác về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực ưu tiên như gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (Anh chuyển giao bệnh viện dã chiến thuộc Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan cho Việt Nam), đào tạo tiếng Anh, an ninh biển, đồ bản và thủy đạc.
Hai bên cũng thúc đẩy hợp tác, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, chống khủng bố, phòng chống di cư bất hợp pháp, buôn bán người, triển khai Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù và Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Từ năm 2022, hai nước thiết lập đối thoại di cư giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh, tạo khuôn khổ quan trọng cho hợp tác trong các lĩnh vực này.
Về giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa giữa hai nước có nhiều thuận lợi như ngôn ngữ tiếng Anh được dạy và học rộng rãi từ bậc tiểu học tại Việt Nam và được xem như một trong những phương tiện giúp hội nhập quốc tế. Ngày càng nhiều người Anh coi Việt Nam là điểm du lịch hấp dẫn. Số du khách Việt Nam muốn thăm Anh, trải nghiệm văn hóa, thể thao, âm nhạc Anh cũng ngày một tăng.
Cộng đồng người Việt tại Anh với khoảng 100.000 người là cầu nối văn hóa giữa hai nước. Các đường bay thẳng giữa Việt Nam và Anh là điều kiện kết nối địa lý, đưa nhân dân hai nước đến gần nhau hơn. Với những thuận lợi như vậy, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày một phát triển.
Sự hình thành và hoạt động tích cực của các hội, đoàn người Việt tại Anh trong thời gian gần đây, với những hoạt động có ý nghĩa như các chương trình Tết Nguyên đán, Tết Trung Thu, dạy và học tiếng Việt và các Chương trình của Ủy ban người Việt Nam ở Nước ngoài dành cho Kiều bào đã góp phần gắn kết hơn nữa Cộng đồng người Việt tại Anh đối với quê hương.
Cùng với những thuận lợi trên, Đại sứ quán hai nước cũng thường xuyên có những hoạt động quảng bá văn hóa, như sự kiện Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại Anh, là nhịp cầu nối giao lưu giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự hiểu biết của người dân Anh đối với Việt Nam, trong đó đề cao quan hệ hợp tác và tình hữu nghị giữa hai nước, đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa của Việt Nam tại Anh.
Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009 và khóa 2020-2021 của Việt Nam. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của Anh với ASEAN, nhất là trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việt Nam cũng sớm ủng hộ Anh gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
- Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, cả trong quan hệ song phương cũng như phối hợp trên trường quốc tế tại các diễn đàn đa phương?
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt là trên những lĩnh vực mà phía Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Về thương mại-đầu tư, hai nền kinh tế đều có độ mở cao, có tính bổ sung lẫn nhau. Sau Brexit, Anh mong muốn gắn kết hơn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội, tiềm năng này.
Lĩnh vực giáo dục-khoa học-công nghệ có nhiều tiềm năng, cần tiếp tục duy trì và mở rộng các Chương trình Học bổng Chevening, đón nhiều hơn sinh viên sang học tập tại Anh theo Học bổng 89 của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam và triển khai, mở rộng Chương trình Hỗ trợ Nghiên cứu Newton.
Trang trại điện gió ở Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Về chống biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đặt lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) năm 2021 tại Glasgow, Scotland.
Năm 2022, Nhóm Các nước Công nghiệp Phát triển (G7) cùng Na Uy, Đan Mạch và Việt Nam thông qua Tuyên bố chính trị tham gia Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Đây là nỗ lực lớn của các bên, trong đó có vai trò quan trọng của Anh, huy động 15,5 tỷ USD nhằm cải cách và tạo khuôn khổ cho đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Tôi cho rằng đây sẽ là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Việt Nam cần triển khai, sử dụng có hiệu quả hỗ trợ trong JETP nhằm chuyển đổi năng lượng, thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đã cam kết.
- Xin Đại sứ cho biết trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Anh trong năm 2023 cũng như những năm tiếp theo?
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Trọng tâm công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Anh là chủ động thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Anh, với hoạt động trọng tâm trong năm 2023 là kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập Quan hệ Ngoại giao.
Các trọng tâm nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược gồm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với việc triển khai có hiệu quả UKVFTA, tận dụng cơ hội sau khi Anh gia nhập CPTPP, thúc đẩy hợp tác dịch vụ tài chính, năng lượng tái tạo, đầu tư, Kinh tế Số; đẩy mạnh hợp tác quốc phòng-an ninh, đặc biệt là hợp tác an ninh biển, an ninh mạng và nhập cư bất hợp pháp; hỗ trợ quá trình Chuyển đổi Xanh và chống biến đổi khí hậu thông qua thực hiện JETP; nâng cao hợp tác giáo dục, gồm giáo dục đại học, phổ thông, dạy nghề, chứng nhận chất lượng, ký Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Dạy nghề; tăng cường giao lưu văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân; và thúc đẩy hợp tác song phương tại những diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN...
- Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương?
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Hai bên cần tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, thông qua đó tạo xung lực mới cho quan hệ song phương.
Hai nước cũng cần triển khai có hiệu quả các khuôn khổ hợp tác đã được ký kết, trong đó có UKVFTA, JETP và các cơ chế hợp tác về giáo dục, khoa học-công nghệ, an ninh, quốc phòng, đồng thời xây dựng và thông qua kế hoạch hành động để cụ thể hóa các cam kết và ưu tiên hợp tác giữa hai nước trong giai đoạn tới.
- Trong năm nay, hai bên đã phối hợp như thế nào để tổ chức kỷ niệm 50 quan hệ song phương tại hai nước? Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã và sẽ tổ chức những hoạt động gì để kỷ niệm sự kiện này?
Đại sứ Nguyễn Hoàng Long: Một nửa thế kỷ là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Chính vì vậy, việc chuẩn bị cho năm đặc biệt này đã được Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Anh (FCDO), các đối tác Anh trao đổi từ rất sớm.
Ngày 22/2, FCDO đã tổ chức Lễ công bố Năm Hữu nghị Việt Nam-Vương quốc Anh tại trụ sở của FCDO ở London với sự tham dự của Chủ tịch Hạ viện Anh Sir Lindsay Hoyle, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Walace và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anne-Marie Trevelyan. Các hoạt động của Đại sứ quán đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của FCDO, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Anh.
Trong năm nay, Đại sứ quán lên kế hoạch triển khai 50 sự kiện văn hóa, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư, hợp tác giáo dục, giao lưu nhân dân tại các địa phương trên khắp nước Anh, trong đó nổi bật là các sự kiện Triển lãm Ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam-Vương quốc Anh; Những Ngày Văn hóa Việt Nam tại London với triển lãm tranh nghệ thuật đương đại và trình diễn thời trang Việt Nam, tọa đàm về lịch sử quan hệ Việt Nam-Anh, tọa đàm giáo dục; chuỗi chương trình Gặp gỡ Việt Nam tại các địa phương Birmingham, Manchester, Belfast, Bắc Ireland, Wales và Scotland.
Đặc biệt, Đại sứ quán đã tổ chức chuỗi hoạt động Theo dấu chân Bác tại Anh, thăm lại những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ./.